Hội An thắt chặt hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ: Cân nhắc phương án kiểm soát vé tham quan
Tăng cường kiểm soát chống thất thoát vé tham quan với du khách vào khu phố cổ Hội An là điều tất yếu phải làm. Dù vậy, cơ quan quản lý cần dự lường những hệ lụy đến các chủ thể liên quan, nhất là cộng đồng địa phương khi thực thi phương án mới.
Vì sao phải thắt chặt kiểm soát vé?
Việc bán vé tham quan ở khu phố cổ Hội An không mới. Ở cuối thập niên 1980, Hội An đã manh nha thực hiện bán vé tham quan khu phố cổ. Đến năm 1995, Hội An chính thức bán vé tham quan trọn gói cho du khách và thu được 5,7 tỷ đồng, một bước đột phá ở thời điểm đó.
Từ năm 2012, giá vé tham quan khu phố cổ Hội An được giữ ổn định với mức 120 nghìn/vé cho khách quốc tế và 80 nghìn đồng/vé với khách nội địa. Nguồn thu từ vé tham quan của Hội An những năm qua bị thất thoát khá nhiều khi số liệu thống kê cho thấy tổng số vé phát hành tham quan phố cổ Hội An ước chỉ bằng 40% so với tổng lượt du khách vào khu phố cổ.
Nguồn thu từ vé tham quan khu phố cổ hiện được để lại 100% cho thành phố nên những năm qua Hội An dành phần lớn nguồn lực này cho bảo tồn di sản. Theo lãnh đạo TP.Hội An, nếu tính cặn kẽ từ nguồn đầu tư xây dựng cơ bản và tổ chức hoạt động sự kiện lễ hội thì thành phố dành phần rất lớn cho di sản, bình quân mỗi năm Hội An đầu tư khoảng 500 - 800 tỷ đồng để trùng tu và đầu tư cho các công trình.
Các nội dung đáng chú ý trong phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An của UBND TP.Hội An bao gồm thắt chặt kiểm soát về vé với khách đoàn thông qua các công ty lữ hành, đơn vị đưa khách đến khu phố cổ Hội An; bố trí lối đi riêng cho người dân không phải du khách; mở rộng không gian phố đi bộ.
Thống kê cho thấy, ở thời điểm năm 2019, trung bình mỗi ngày khu phố cổ có hơn 8 nghìn lượt khách qua lại, cao điểm có lúc lên đến 10 nghìn lượt.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, mục đích lớn nhất của việc tăng cường kiểm soát vé tham quan là để xác lập lại hình ảnh, không gian cho khu phố cổ vì sự phát triển bền vững của cả di sản lẫn sinh kế cư dân bản địa chứ không phải tận thu.
Với mức giá giữ nguyên cộng thêm nguồn lực đầu tư phục vụ triển khai phương án dự kiến sẽ khá lớn, thành phố cũng bỏ ngỏ khả năng bù lỗ khi nguồn thu có thể bị sụt giảm.
“Phương án mới nếu không có lợi cho cộng đồng thì thành phố sẽ không triển khai” - ông Nguyễn Văn Sơn quả quyết.
Cân nhắc hệ lụy
Dù đã trần tình về lợi ích bền vững và việc kiểm soát vé tham quan có chọn lọc với người địa phương trong thời gian tới, nhưng cách thức tiếp cận của Hội An vẫn để lại nhiều băn khoăn trong dư luận.
Đa số cư dân trong khu phố cổ ủng hộ việc thắt chặt kiểm soát vé tham quan, tuy nhiên băn khoăn về việc phân luồng lối đi riêng và kéo dài xuyên suốt thời gian thực hiện “Phố đi bộ và xe không động cơ” cả ngày (từ 9 giờ đến 21 giờ 30 phút vào mùa hè và 9 giờ đến 21 giờ vào mùa đông) thay vì ngắt quãng vào giờ trưa như lâu nay.
Một cư dân sinh sống trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đặt vấn đề: “Người dân chưa thể hình dung được việc phân luồng riêng đi lại sẽ thế nào và thực sự là rất bất tiện nếu nó được triển khai.
Thêm nữa, một khi mở rộng thực hiện phố đi bộ và xe không động cơ sang đường Phan Chu Trinh thì lưu lượng xe cộ rồi sẽ lại đổ dồn về đường Trần Hưng Đạo thì bài toán áp lực giao thông vốn đang rất lớn tại khu vực này sẽ giải quyết ra sao?”.
Thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chỉ ra, khoảng 30% số nhà trong khu phố cổ không còn chủ sở hữu truyền thống, cùng với đó là hơn 70% số di tích tại đây đang có hoạt động kinh doanh. Liệu rằng phương án mới này có thúc đẩy xu hướng rời khỏi khu phố cổ của cư dân bản địa bởi các rào cản về giờ giấc?
Thực trạng gần như mất hút cư dân bản địa ở vùng lõi của các đô thị di sản như Penang hay Malacca (Malaysia) đã được lãnh đạo TP.Hội An nhiều lần đề cập và lấy đó làm bài học. Không ai muốn Đô thị cổ Hội An đi vào “vết xe đổ” này.
Ở một khía cạnh khác, dẫu cùng định danh di sản thế giới nhưng sẽ rất khập khiễng nếu đưa Đô thị cổ Hội An “lên bàn cân” với 7 di sản thế giới còn lại trên toàn quốc trong vấn đề quản lý vé tham quan, tăng nguồn thu phục vụ công tác bảo tồn.
Nếu ở hầu hết di sản khác hoàn toàn do Nhà nước quản lý, việc quản lý nguồn thu từ vé khá dễ dàng khi chỉ cần xuống ghe tàu hoặc vào cổng là thu đủ thì Hội An lại là một quần thể “di sản sống” có nhiều ngả đường, ngóc ngách. Có đến gần 85% trong số 1.107 di tích kiến trúc tọa lạc ở khu vực 1 khu phố cổ thuộc sở hữu tư nhân và tập thể.
Năm 2019, nguồn thu từ vé tham quan của khu phố cổ Hội An đạt hơn 300 tỷ đồng (trong tổng số khoảng 2.322 tỷ đồng của toàn bộ các khu di sản). Con số này đã khá lớn và không thua kém khi so sánh tương quan với các di sản khác như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đạt 275 tỷ đồng, quần thể di tích Cố đô Huế đạt 387 tỷ đồng…
Trong khi đó, nương vào “hạt nhân” khu phố cổ, hơn 3 nghìn người sinh sống ở đây cũng như cộng đồng doanh nghiệp, dân cư khu vực lân cận đã tạo ra nguồn thu gấp nhiều lần nếu so với nguồn thu từ vé tham quan nhờ các hoạt động thương mại - dịch vụ liên quan, góp phần đáng kể để đưa du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ đạo của Hội An những năm qua (chiếm gần 75% trong cơ cấu kinh tế). Đây là vấn đề quan trọng mà địa phương cần tính toán hài hòa lợi ích cho cộng đồng nếu không muốn phương án mới tạo ra hiệu ứng ngược.
Ông Nguyễn Văn Sơn nhìn nhận, phương án mới về kiểm soát vé tham quan khu phố cổ Hội An căn cứ từ Nghị định 109 hướng dẫn thực hiện Luật Di sản hay Nghị quyết HĐND tỉnh về ban hành mức thu, nhưng quan trọng hơn cả là cách thức triển khai thế nào để đảm bảo khoa học, hài hòa quyền lợi giữa các chủ thể và hình ảnh Hội An không bị ảnh hưởng. Trong quá trình triển khai, thành phố cũng sẽ cầu thị điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý để hài hòa lợi ích các bên.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL: Cần minh bạch phương án triển khai để tạo sự đồng thuận của mọi chủ thể
Quan điểm của Sở VH-TT&DL là ủng hộ việc bán vé vào tham quan khu phố cổ Hội An nhằm tạo nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo phố cổ, cải thiện môi trường, dịch vụ, hạ tầng phố cổ phục vụ tham quan, công tác phòng cháy chữa cháy cũng như tổ chức các hoạt động, sự kiện phục vụ du khách.
Tuy nhiên, tính toán bán vé như thế nào thì phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Thành phố phải tổ chức sao cho khoa học, tránh gây phiền hà đối với sinh hoạt, kinh doanh của cư dân, doanh nghiệp trong khu vực phố cổ và cả những người thực hiện công vụ mỗi khi ra vào phố cổ vì đây là “di sản sống”.
Ở đây, Hội An cần đẩy mạnh truyền thông, công khai minh bạch về phương án dự kiến triển khai một cách rộng rãi để cộng đồng nhân dân, du khách, doanh nghiệp nắm, đồng thuận và chung tay thực hiện thì mới có thể thành công được.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hội An DMC: Chủ trương hợp lý nhưng cách chuyển tải vấn đề chưa rõ ràng
Thực ra đây là chủ trương hợp lý và bản thân đơn vị hoàn toàn ủng hộ. Chủ trương này tuy không mới mẻ, nhưng do cách thể hiện, diễn giải chưa được cụ thể nên dẫn đến các ý kiến trái chiều.
Những năm qua, tại Hội An luôn tồn tại thực trạng rất nhiều đoàn khách vào khu phố cổ nhưng không được thông tin, không hiểu về câu chuyện văn hóa nơi đây, bởi không mua vé, không được hướng dẫn, thuyết minh. Thực trạng trên chủ yếu diễn ra ở phân khúc khách nội địa.
Một số công ty chủ yếu làm khách nội địa muốn cạnh tranh về giá nên đưa chương trình tham quan tự do khu phố cổ Hội An. Tới một điểm hẹn các đơn vị này sẽ để khách tự do vào khu phố cổ bằng việc tận dụng các “lỗ hổng”.
Dù vậy, tới đây nếu triển khai kiểm soát chặt như vậy thì tất yếu dẫn đến một lượng khách sẽ không chấp nhận mua vé vào khu phố cổ. Thành phố cần tính toán phương án, không gian hợp lý để các cá thể kinh doanh, nhất là người bán hàng rong được bán trong khu phố cổ lẫn bên ngoài để bù đắp thu nhập có nguy cơ bị giảm sút.