Tập trung tháo gỡ khó khăn, đưa kinh tế Quảng Nam vượt qua thách thức

XUÂN PHÚ 04/04/2023 21:14

Chiều qua 4/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì phiên họp thường kỳ UBND tỉnh, đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội quý I/2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đến dự.

Quang cảnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh. Ảnh: X.P
Quang cảnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh. Ảnh: X.P

Tăng trưởng âm

Sở KH-ĐT cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023 giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022; quy mô nền kinh tế đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Ngoài nông, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ, các ngành kinh tế khác đều gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng trong quý I giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%.

Trong khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế - xã hội Quảng Nam trong quý I vẫn có một số điểm sáng, nhất là ngành du lịch. Hoạt động du lịch tăng trưởng đáng kể cả thị trường nội địa và quốc tế.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,63 triệu lượt, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 765.000 lượt, tuy nhiên, so với trước dịch COVID-19 mới chỉ đạt 60%.

Nguyên nhân được xác định là do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thị trường tiêu dùng thu hẹp, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do nguồn cung khan hiếm.

Riêng đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ lực của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô những tháng đầu năm có phần ảm đạm.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tiếp tục tăng 193%, trong đó sản xuất xe tăng 132%.

Sản xuất gặp khó kéo theo thu ngân sách chậm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong quý I/2023 đạt 6.221 tỷ đồng, đạt 23% dự toán và giảm 31% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 4.985 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách chủ yếu ở khu vực công thương ngoài quốc doanh mà Tập đoàn Ô tô Trường Hải là chủ lực đạt 3.246 tỷ đồng (chiếm 65% tổng thu nội địa), bằng 23% dự toán và giảm 32% so với cùng kỳ.

Tình hình thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2023 cũng gặp nhiều thách thức. Trong khi chỉ có 281 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 11,3%), vốn điều lệ đăng ký hơn 1.639 tỷ đồng (giảm 27,3%) thì có đến 620 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh đó, có 178 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 46% so với cùng kỳ.

Tính đến hết tháng 3, tỉnh đã cấp mới 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 1,1 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 8 dự án và giảm 2,2 nghìn tỷ đồng về vốn đăng ký; không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý chỉ đạo, điều hành; triển khai nghiêm túc và kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, chẳng hạn văn bản phân bổ nguồn vốn vừa qua.

Về nhiệm vụ quý II, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung quyết liệt các giải pháp; trong đó tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công để thúc đẩy nhanh tiến độ dự án, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cho sát đúng tình hình thực tế, tránh trường hợp khởi công dự án nhưng không có nguồn. Ngoài ra, quan tâm xúc tiến, kêu gọi đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai.

Cần nhiều giải pháp

Phân tích về tình hình kinh tế trong quý I, ông Lê Nho Hùng - Phó Cục trưởng Cục thống kê tỉnh cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành sụt giảm 30% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 34,3%.

Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp giảm mạnh, nhất là sản xuất xe ô tô giảm 52%. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 5,7 nghìn tỷ đồng, giảm 16,2% so với cùng kỳ.

Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy mở rộng, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu... hiệu quả là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế năm 2023. Ảnh: T.D
Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy mở rộng, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu... hiệu quả là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế năm 2023. Ảnh: T.D

“Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 2 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ trên tỉnh Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng thấp nhất - giảm gần 11,9%. Dự báo quý II và 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế có khởi sắc trở lại nhưng cũng sẽ không thể bằng cùng kỳ năm 2022” - ông Hùng nói.

Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong cho rằng, năm 2022 thu tăng đột biến thì năm 2023 sẽ giảm và trước đó ngành tài chính đã có báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, chứng kiến khó khăn trong quý I còn hơn dự kiến cho thấy càng hội nhập sâu rộng, càng nhiều doanh nghiệp FDI thì ảnh hưởng càng nặng.

Theo ông Phong, qua báo chí được biết Bộ Tài chính không đồng ý giảm lệ phí trước bạ ô tô nên thu ngân sách tỉnh Quảng Nam sẽ còn gặp khó. “Vì vậy, trong điều hành ngân sách sắp tới cần có giải pháp tăng thu theo từng tháng, rà soát các nguồn chi. Vấn đề quan trọng không phải thu nhiều hay ít mà cân đối được hay không” - ông Phong nói.

XUÂN PHÚ