Vườn cúc họa mi ở Hương Trà: Điểm check-in thú vị ở Tam Kỳ

CHÂU NỮ 03/04/2023 09:40

(QNO) - Vườn cúc họa mi ở tổ 2B, khối phố Hương Trà Tây (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) đã bắt đầu ra hoa trong những ngày này và hứa hẹn nở rộ thành một vườn hoa trắng nở rộ trong tuần tới, kịp phục vụ du khách gần xa đến chiêm ngưỡng, check-in trong dịp Lễ hội hoa sưa TP.Tam Kỳ năm 2023...

Đôi bạn trẻ check-in vườn cúc họa mi ở khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ cuối tuần này. Ảnh: C.N
Đôi bạn trẻ check-in vườn cúc họa mi ở khối phố Hương Trà Tây (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ). Ảnh: C.N

Biết tôi tìm đường đến đến vườn cúc họa mi ở làng Hương Trà, mấy bác nông dân vác cuốc ra đồng xuýt xoa: “Ai ngờ ở vùng này mà có người trồng được vườn hoa đẹp như ri. Chúng tôi có tuổi rồi mà còn mê mẩn, huống chi mấy người trẻ”, rồi nhiệt tình dẫn tôi đến tận vườn.

Vườn cúc họa mi trái mùa ở Tam Kỳ. Ảnh: C.N
Vườn cúc họa mi trái mùa ở phường Hòa Hương, Tam Kỳ. Ảnh: C.N

Dù chưa chính thức mở cửa phục vụ du khách nhưng những ngày này đã có nhiều nhóm người đã tìm đến với vườn cúc họa mi ở làng Hương Trà và đây có lẽ là vườn cúc họa mi trái mùa xuất hiện lần đầu tiên ở Quảng Nam. Nhiều người hẹn nhau check-in khi mùa hoa nở rộ, dự kiến trong tuần sau.

Chị Triệu Thy Hòa theo dõi sự phát triển của cúc họa mi mỗi ngày. Ảnh: C.N
Chị Triệu Thy Hòa theo dõi sự phát triển của cúc họa mi mỗi ngày. Ảnh: C.N

Ngoài giờ lên giảng đường, chị Triệu Thy Hòa - giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên & kỹ thuật, Trường Đại học Quảng Nam dành hết thời gian, tâm sức cho vườn cúc họa mi, với mong muốn đem mùa thu Hà Nội về với mùa vãn xuân xứ Quảng trong lễ hội mùa hoa sưa Tam Kỳ.

Trong vườn cúc họa mi ở Tam Kỳ. Ảnh: C.N
Trong vườn cúc họa mi ở Tam Kỳ. Ảnh: C.N

Để thực hiện dự án này, cuối tháng 12/2022, chị Thy Hòa bắt đầu xuống giống cúc họa mi. Đúng vào lúc tiết trời mưa lạnh, khu vực Hương Trà Tây lại trũng thấp, dễ bị ngập úng nên việc chăm sóc vườn hoa cũng vất vả hơn rất nhiều.

Và sau gần 4 tháng ăn ngủ cùng hoa, theo dõi sự sinh trưởng và phát triển hằng ngày - vì cúc họa mi vốn dễ bị sâu bệnh, khó trồng và khó chăm sóc, lại chưa “quen” với thổ nhưỡng nơi đây, cuối cùng vườn hoa cũng đã phát triển tốt.

 
 Từ ngày 8/4 tới, vườn cúc họa mi ở Hương Trà Tây, phường Hòa Hương bắt đầu phục vụ du khách check-in. Ảnh: T.H

Đến lúc này, chị Triệu Thy Hòa đã có thể thở phào nhẹ nhõm với thành quả của mình khi vườn cúc họa mi đã bắt đầu ra hoa, kịp phục vụ trong mùa lễ hội hoa sưa Tam Kỳ.

Chị Thy Hòa chia sẻ, chị rất biết ơn lãnh đạo TP.Tam Kỳ cũng như Trường Đại học Quảng Nam đã quan tâm, giúp đỡ rất nhiều để chị có thể hoàn thành nghiên cứu, thử nghiệm này: lần đầu tiên trồng cúc họa mi ở Quảng Nam.

 

Một chi tiết đặc biệt, đó là trong quá trình trồng và chăm sóc vườn cúc họa mi, chị Thy Hòa dùng phân hữu cơ tự ủ từ rác thải, phụ phẩm nông nghiệp như tro trấu để bón lót cho hoa. Ngoài việc mang đến một vườn hoa đẹp, tinh khiết để du khách thưởng lãm, phương pháp canh tác ấy còn gửi đi một thông điệp về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

“Săn ảnh” tại vườn cúc họa mi ở Tam Kỳ. Ảnh: C.N
“Săn ảnh” tại vườn cúc họa mi ở Tam Kỳ. Ảnh: C.N

Vì sao lại chọn trồng cúc họa mi ở một nơi khác biệt về thổ nhưỡng và lại trái mùa? Chị Triệu Thy Hòa cho biết, cúc họa mi là loại hoa đặc trưng cho mùa thu đông ở Hà Nội. Có người yêu, nghiện cúc họa mi nên đến mùa phải đặt mua hoa tận Hà Nội, ship về đến Quảng Nam cũng tốn ít nhất 100 nghìn đồng/bó.

“Ở Quảng Nam chưa có người trồng loại hoa này, tôi tin vào nỗ lực của mình và hy vọng thử nghiệm của mình sẽ thành công. Khi đó, người dân và du khách khi đến Tam Kỳ có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp tinh khiết của hoa mà không cần phải lặn lội ra tận thủ đô xa xôi để ngắm, để mua...”.

[VIDEO] - Vườn cúc họa mi ở khối phố Hương Trà Tây. (Video: MINH TẤN - BÍCH LIÊN)

Ngoài cúc hoa mi, tại vườn hoa của mình ở làng Hương Trà, chị Thy Hòa còn trồng thêm hoa sao nhái và hướng dương. Đến lúc này, hoa sao nhái, gồm nhiều màu, đã nở rộ. Riêng hướng dương thì đang bắt đầu bung nụ, như hẹn sẽ nở rộ cùng lúc với cúc họa mi.

Ngoài cúc họa mi, khu vườn còn có hoa sao nhái và hướng dương, cũng tạo điểm nhấn cho khách check-in. Ảnh: B.ANH
Ngoài cúc họa mi, khu vườn còn có hoa sao nhái và hướng dương, cũng tạo điểm nhấn cho khách check-in. Ảnh: T.H

Khoảng một tuần nữa, vườn hoa rộng 1.000m2 của chị Thy Hòa sẽ chính thức mở cửa đón khách. Khi đến đây tham quan, check-in, chụp ảnh, thế nào du khách cũng sẽ chia sẻ lên mạng xã hội, rồi chỉ dẫn, kêu gọi người khác cùng tìm đến. Đó cũng chính là một trong những “kênh” quảng bá du lịch, vùng đất hiệu quả, để có thêm nhiều người tìm về với quê hương Tam Kỳ, với lễ hội hoa sưa hơn.

Chưa kể, nếu mô hình này thành công, người dân địa phương có thể áp dụng để trồng trên những thửa đất đang canh tác các loại cây trồng khác kém hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập...

CHÂU NỮ