Những mùa măng rừng
Măng kho, măng tươi luộc chấm mắm cái, măng nấu canh chua cá suối... là những món ngon trong bữa cơm vùng cao.
Thuở nhỏ, chúng tôi không cần phải đi xa để lấy măng. Vì mảnh vườn sau nhà đã là một khu rừng nhỏ, vốn chưa được khai hoang, còn đầy cây to rậm rạp, tre nứa ken dày vào nhau. Lớn hơn một chút, mỗi đứa được bố mẹ “cấp” hẳn một cái gùi để tranh thủ lấy măng rừng.
Măng rừng có nhiều loại, măng tre, măng nứa, măng mung… Măng tre đốt vừa, ruột rỗng. Măng nứa đốt dài ngoẵng, mỏng tang. Măng mung đốt ngắn và sát nhau. Chúng đều có vị ngòn ngọt pha chút ngai ngái, hăng hăng.
Những cây măng chưa kịp nhô cao lên mặt đất, phải dùng dao khoét xuống để đào được cả củ, gọi là măng củ. Hồi nhỏ, tôi chỉ thích lựa lấy măng củ vì chúng trắng muốt, ruột đặc, ăn giòn sần sật.
Tôi biết mình may mắn vì lấy măng chỉ là một nhiệm vụ nhẹ nhàng chứ không phải công việc mưu sinh, như ba đứa con nhà cô Tám. Chồng cô mất sớm, ba cô con gái phải lần lượt vào rừng mưu sinh.
Ba chị em thoăn thoắt băng qua hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, tiếng bẻ măng nghe giòn tan. Măng đổ rạp xuống, họ lấy con dao nhíp xẻ một đường dọc cây măng, ngón cái xoay nhẹ một vòng, lớp bẹ dính đầy lông tơ đã đứt lìa, lộ ra cây măng xanh nõn.
Mỗi chiều, cô Tám dắt xe thồ vào bìa rừng đón các con. Xe luôn chất 5 - 6 bao tải đầy măng. Ba cô gái nhỏ bám càng xe, ra sức đẩy lên dốc. Nhìn từ xa, người ta chỉ nhìn thấy măng chứ không thấy người.
Măng về đến, cả nhà cô Tám xúm lại rửa rồi luộc. Có đợt măng hút hàng, măng luộc xong là đem đi bán được ngay, nhưng cũng có mùa ế ẩm, măng không bán được phải tước nhỏ ra rồi phơi khô, đợi gần tết bán.
Thuở ấy, xóm tôi chưa có điện. Dưới ánh đèn dầu lù mù, cả nhà cô Tám ngồi chẻ măng để hôm sau phơi. Măng chất đống ở giữa sân, mấy chị em ngồi xung quanh tước tước chẻ chẻ. Thỉnh thoảng, tôi và những đứa trẻ cùng xóm cũng chạy qua nhà cô Tám để giúp. Nếu có tiếng “á” hoặc “úi” là biết ngay có đứa vụng về bị đứt tay.
Những năm ấy, măng trở thành món ăn quen thuộc. Măng tươi ngâm tỏi ớt ăn với món nào cũng đượm vị. Măng luộc lên một hai nước cho ngả vàng óng ả, bớt đi vị ngái thì mang ra chấm mắm hoặc cắt khúc kho với cá thịt, hầm canh xương…
Nhưng ở thời khó khăn, món quen thuộc nhất vẫn là măng xắt lát mỏng xào với đậu phụng rang giã nhỏ. Măng ngòn ngọt, quyện gia vị beo béo, ăn rất hao cơm. Nhà tôi có món “đặc sản” là măng cắt khúc, nấu canh suông, chẳng có thêm thịt cá gì, lúc nước sôi cho thêm muỗng mỡ heo. Món ăn chỉ có thế mà anh em tôi húp xì xụp, hết ngày này qua tháng nọ.
Món măng khô ngon tuyệt nhưng gần như chỉ được ăn vào những ngày tết. Vì mẹ sẽ mang đi bán bớt để lấy tiền mua thứ khác. Măng khô ngả màu vàng nâu, giòn dai, hết hẳn vị hăng ngái, chỉ cần ngâm mềm, luộc qua rồi xào với lòng gà, miến hoặc hầm với gà, vịt, xương heo… vừa nghe mùi thơm đã chảy nước miếng.
Sau này, tôi và những đứa con của cô Tám đều sống xa nhà. Thỉnh thoảng, mẹ lại gửi lên cho một túi măng khô. Tôi mê tơi cảm giác mở túi măng ra, để mùi thơm dìu dịu, như mùi của trăm loại nhựa cây phơi chảy trong nắng, bỗng thấy rưng rưng như đang đứng trước cánh rừng nhỏ của mình.
Cánh rừng đã thay thế bằng vườn tược, hoa màu và những đứa trẻ hái măng ngày ấy giờ đều theo đuổi ước mơ riêng. Không biết con bé Hoa - con út cô Tám còn nhớ ước mơ trở thành “nhà măng học” như một lần nó hùng hồn tuyên bố. Đến hôm nay, tôi mới thấy cái nghề “nhà măng học” hết buồn cười. Chắc bởi sẽ có người chỉ muốn gắn bó với điều mình thân thuộc nhất.