Phụ nữ Nam Trà My học tập mô hình giảm nghèo
Sau gần 3 năm, mô hình chăn nuôi dê sinh sản tập trung có chuồng trại do Hội LHPN huyện Nam Trà My triển khai tại xã Trà Nam đã mang lại hiệu quả tích cực, trở thành mô hình điểm để các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện học tập.
Từ số con giống ban đầu, 22 hộ phụ nữ tại thôn 2 (xã Trà Nam) đã góp thêm ngày công xây dựng chuồng trại, khoanh nuôi, thay nhau chăm sóc, bảo vệ. Nhờ đó, ngoài số dê thương phẩm xuất bán ra thị trường, hằng năm tổng đàn luôn giữ ổn định số lượng 50 - 60 con, giúp các hộ có nguồn thu nhập ổn định, đóng góp thiết thực vào công tác giảm nghèo của xã.
Ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch UBND xã Trà Nam nói, qua triển khai thực hiện, mô hình nuôi dê của Chi hội Phụ nữ thôn 2 đã mang lại hiệu quả tích cực và các thôn trong xã bắt đầu nhân rộng.
Không chỉ trên địa bàn xã, Hội LHPN huyện Nam Trà My cũng đã tổ chức cho chị em hội LHPN các xã trong huyện đến Trà Nam để tham quan, học tập mô hình. Với địa hình đồi dốc cao, khí hậu mát mẻ, thảm thực vật quanh năm tươi tốt là nguồn thức ăn dồi dào, những điều kiện này hết sức thuận lợi cho việc nuôi dê.
Bà Trần Thị Cúc - Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Don chia sẻ: “Trà Don có điều kiện tự nhiên thuận lợi để nuôi dê, dù vậy bà con chưa có nhiều kinh nghiệm, nhất là trong việc liên kết nhóm hộ chăn nuôi.
Sau khi tham quan Trà Nam, nhận thấy điều kiện tương đồng, chúng tôi mong muốn thời gian tới Hội LHPN huyện quan tâm hỗ trợ triển khai mô hình nuôi dê tại xã Trà Don, giúp hội viên phụ nữ xã có cơ hội thoát nghèo”.
Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, lãnh đạo huyện đánh giá rất cao mô hình chăn nuôi dê do Hội LHPN huyện triển khai thực hiện, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, vượt khó của chị em phụ nữ thôn 2, Hội LHPN xã Trà Nam.
Bởi với địa hình rộng lớn, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng Chi hội Phụ nữ thôn 2 đã thực hiện mô hình nuôi dê mang lại kết quả ngoài mong đợi, tạo động lực thoát nghèo và làm kinh nghiệm cho các chi hội khác thực hiện. Điều đáng quan tâm nữa là nhu cầu thịt dê của thị trường hiện nay rất lớn nhưng mô hình chăn nuôi dê trong tỉnh chỉ đáp ứng một phần nhỏ.
“Chăn nuôi dê là mô hình khó, nhất là với điều kiện miền núi như Nam Trà My, nhưng thấy được hiệu quả thế này chúng tôi rất mừng. Thời gian đến huyện sẽ chỉ đạo các xã tham quan, học tập, mỗi xã phải có được một mô hình thế này để người dân tham gia” - ông Hưng nhấn mạnh.