Chuyện tử tế ở Tất Viên

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN 30/03/2023 07:26

Làng nhỏ, nằm nép mình dưới màu xanh. Bạt ngàn ruộng đồng, cây lá chở che cho những phận người ở Tất Viên (xã Bình Phục, Thăng Bình). Mối duyên lành cố kết người làng đến an cư, sẻ chia nhau bằng những câu chuyện tử tế bình dị nhưng thắm tình...

Hàng chục người tham gia xây sửa, chăm sóc những ngôi mộ vô chủ ở làng Tất Viên. Ảnh: C.Q
Hàng chục người tham gia xây sửa, chăm sóc những ngôi mộ vô chủ ở làng Tất Viên. Ảnh: C.Q

Những ngôi mộ chung

“Không rõ những ngôi mộ đó có khi nào. Có thể là những người đã mất trong chuyến đi lánh nạn đói 1945, cũng có thể là mộ của những người từng sinh sống ở đây, nhưng họ hàng đã dời đi, bán xới mưu sinh, không còn ai chăm sóc. Những ngôi mộ đã ở đó hàng chục năm, được dân làng chăm sóc, sửa sang mỗi đợt chạp mã, cúng tiền hiền” - ông Nguyễn Văn Đợi, vị cao niên được nhiều người dân Tất Viên gọi là trưởng làng kể với chúng tôi về “mộ thanh minh”, tên gọi chung cho những mộ không người coi sóc.

“Mộ thanh minh” nằm rải rác khắp nghĩa trang. Nhưng, không mất dấu sau bao đổi dời, người làng vẫn thầm lặng chăm sóc cho các ngôi mộ. Dọn cỏ, vun đất, thắp nhang, cứ đều đặn những dịp cúng lớn của gia tộc hay của cả làng, người người lại cùng nhau chung tay coi sóc các ngôi mộ. Họ không xem đó là nghĩa vụ, chỉ đơn thuần như một nghĩa cử đối với người đã khuất. Năm này qua năm khác, lớp này kế lớp người đi trước, cứ thế nối tiếp nhau.

Ông Đợi cho hay, cứ đều đặn đến dịp ngày 10 tháng 3 âm lịch, con cháu trong làng lại tập trung về, gọi là ngày giỗ tổ, giỗ tiền hiền. Ông Đợi có gần 20 năm làm trưởng làng, lo việc cúng kính ở lễ giỗ này.

“Làng này trước đây chỉ khoảng 1/3 dân số so với bây giờ. Sau này mới mở rộng ra, quy mô lớn hơn. Làng vẫn giữ lệ cúng giỗ tổ vào mùng 10 tháng 3. Các xóm còn có lễ cúng xứ đất, cúng cầu an, rồi đến lượt các gia tộc.

Mỗi lễ cúng, thông thường con cháu tập trung dọn các phần mộ ông bà tổ tiên. Chỗ nào có mộ thanh minh, bà con cũng nhân dịp đó mà chăm sóc, nhờ đó mà không mất dấu. Chỉ trừ có giai đoạn năm 1965 - 1969, chiến tranh, bom đạn cày xới dữ quá, một số mộ không còn dấu tích” - ông Đợi nói.

Tết Nguyên đán vừa qua, một nhà hảo tâm trong làng ủng hộ hơn 30 triệu đồng, giao cho người làng mua xi măng, xây sửa lại một số “mộ thanh minh”. Người không có của thì góp công sức, tham gia làm mộ. Phong trào mạnh lên, làng xóm bắt đầu chung tay, đến nay đã có hơn 230 ngôi “mộ thanh minh” được người làng Tất Viên xây sửa.

Những ngày qua, ông Phan Văn Lập - người làng Tất Viên cùng khoảng hơn 20 người khác tất bật ngoài nghĩa trang, đắp lại từng nấm mộ. “Đây là tấm lòng của người còn sống với người đã khuất, ai cũng muốn góp chút sức để con cháu sau này còn biết chỗ mà thắp nhang, vái vọng. Việc nghĩa, chẳng ai nề hà” - ông Lập chia sẻ.

Xóm làng đoàn kết

Ông Nguyễn Tấn Sĩ, một thầy giáo về hưu ở làng Tất Viên cho hay, con dân của làng nay đi làm ăn khắp nơi, có người sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội. Việc đóng góp xây “mộ thanh minh” là một trong những hoạt động được người làng hưởng ứng nhiệt thành.

Ông Lập cùng một người trong làng sửa sang mộ thanh minh. Ảnh: C.Q
Ông Lập cùng một người trong làng sửa sang mộ thanh minh. Ảnh: C.Q

“Làng vốn có truyền thống kết đoàn, bà con sống thân tình, chia sẻ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Vì thế mà mọi hoạt động, phong trào đều được hưởng ứng rất mạnh mẽ. Trước đây, làng gần như thuần nông, chúng tôi đánh kẻng, tập hợp cả làng đào mương dẫn nước từ tận Bình An, Bình Tú về tới Bình Phục để làm ruộng.

Rồi năm nào cũng phải nạo vét, khơi thông. Trên đất thổ thì hợp lực đào mương tiêu nước để trồng hành, trồng nén. Trừ nhà nào không có lao động, còn lại bà con góp sức. Chẳng ai kiểm điểm, phê bình hay khen thưởng chi, nhưng ý thức tự giác rất cao, việc gì cần huy động bà con cũng sẵn sàng” - ông Sĩ kể lại.

Đường làng khá sạch. Những ngõ nhà trở thành thân thuộc, việc hiếu hỉ, tang sự cũng trở thành việc chung, được bà con san sẻ giúp nhau. Làng có một chiếc xe đẩy phục vụ đưa tang, với đầy đủ đồ hành lễ. Nhà nào có người mất cứ đến báo trưởng làng, rồi mang xe về, hàng xóm sẽ giúp sức lo chu toàn, xong việc thì trả cho làng, hoàn toàn miễn phí.

Đến giờ, làng vẫn giữ lệ đó, hầu như không ai thuê dịch vụ mai táng như nhiều nơi vẫn làm. Mùa nước lụt, những nhà nào cao ráo thì đánh ghe đi giúp nhà ở vùng trũng thấp di dời người, đồ đạc tài sản. Gần đây, làng sửa sang nhà văn hóa, lại thấy những người trong làng có mặt. Họ cùng làm bờ rào, xây sửa cổng ngõ, khuôn viên.

Ông Phan Viết Hồng (67 tuổi, ở làng Tất Viên) nói, nếp lề, quê thói, Tất Viên vẫn cố gắng gìn giữ truyền thống kết đoàn. “Điều tốt nên được lan tỏa, truyền thống bao lâu nay, phải giữ lấy để cháu con sau này còn tiếp nối. Đó cũng là niềm tự hào giản dị của làng quê này” - ông Hồng tâm sự.

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN