Đồng hành với người dân bị ảnh hưởng thiên tai
Hành trình cứu trợ, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do bão lũ tiếp tục được các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh triển khai thông qua dự án “Cứu trợ khẩn cấp các tỉnh bị ảnh hưởng do bão và lũ tháng 10 năm 2022 tại Việt Nam” do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ.
Sẻ chia kịp thời
Tại Quảng Nam, từ tháng 9 đến cuối tháng 10/2022, bão số 4, 5 - bão Noru, Sơn Ca và lũ lụt đã gây thiệt hại lớn về người và tài sảni. Theo Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Quảng Nam, bão lũ đã làm 8 người chết, 155 người bị thương; 122 ngôi nhà bị sập, hư hỏng hoàn toàn; 290 nhà bị hư hỏng từ 50 - 70%; 771 nhà bị hư hỏng 30 - 50% và 6.026 nhà bị hư hỏng dưới 30%.
Bên cạnh đó, bão lũ khiến 1.219ha lúa, cây ăn quả, rau màu bị hư hại, mất trắng; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, nhiều công trình phúc lợi xã hội bị hư hỏng… khiến cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh cấp phát tiền mặt và hỗ trợ kinh phi sửa chữa nhà ở, dự án do Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ tài trợ còn có hợp phần truyền thông nước sạch và phòng chống dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp. Theo đó, Hội CTĐ Quảng Nam đã tổ chức 19 buổi truyền thông về vệ sinh nước sạch, phòng chống dịch bệnh cho 775 người tham dự; tổ chức 2 sự kiện truyền thông với hình thức hội thi “Rung chuông vàng” về tuyên truyền vệ sinh nước sạch và các bệnh truyền nhiễm trong học đường tại Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (Tiên Phước) và Trường Tiểu học Quế Minh (Quế Sơn)...
Trước tình hình đó, Hội CĐT Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.
Tỉnh hội phối hợp với Hội CTĐ Việt Nam cấp phát tiền mặt với tổng kinh phí 200 triệu đồng cùng 200 thùng hàng gia đình (trị giá gần 120 triệu đồng) hỗ trợ các hộ gia đình có người bị thương, nhà bị sập, hư hỏng, thiệt hại lúa, hoa màu… do ảnh hưởng của bão số 4.
Ngoài ra, Hội CTĐ Quảng Nam phối hợp với Đoàn thanh niên Công an tỉnh và Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh (VOH) đến thăm và hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập, hư hỏng nặng với tổng kinh phí 100 triệu đồng.
Chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng do bão số 4, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phối hợp cùng vợ chồng nghệ sĩ Trường Giang và Nhã Phương (đại sứ nhân ái của Hội CTĐ Việt Nam) trao 200 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt và 1 áo ấp) tặng hộ nghèo ở xã Bình Chánh, Bình Quý (Thăng Bình); Tam Đại, Tam Dân, Tam Lãnh, Tam Lộc, Tam An (Phú Ninh).
Các hoạt động cứu trợ người dân sau thiên tai của Hội CTĐ các cấp đã góp phần không nhỏ trong việc tái thiết, ổn định đời sống nhân dân.
Tiếp tục với dự án nhân đạo
Không chỉ nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Trung ương Hội và các nhà hảo tâm, Quảng Nam là một trong các địa phương ở miền Trung được hưởng lợi từ dự án “Cứu trợ khẩn cấp các tỉnh bị ảnh hưởng do bão và lũ tháng 10/2022 tại Việt Nam” do Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết, dự án tài trợ cho Quảng Nam tổng kinh phí hơn 2,9 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ tiền mặt không điều kiện 1,7 tỷ đồng để mua lương thực, nhu yếu phẩm cho 1.955 hộ gia đình; hỗ trợ tiền mặt có điều kiện 600 triệu đồng để sửa nhà và chi phí về tuyên truyền, nước sạch vệ sinh, quản lý hơn 675 triệu đồng.
Dự án được triển khai từ tháng 11/2022 đến ngày 15/4/2023 tại 6 xã hưởng lợi thuộc 2 huyện gồm Quế Mỹ, Quế An, Quế Minh (Quế Sơn) và Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, Tiên Kỳ (Tiên Phước).
Căn cứ tình hình thiệt hại về nhà ở tại 2 huyện, Hội CTĐ tỉnh phân bổ cho huyện Tiên Phước 25 nhà, huyện Quế Sơn 35 nhà. Theo số lượng nhà được phân bổ, Hội CTĐ các xã đã tham mưu lãnh đạo chính quyền địa phương chỉ đạo các thôn tổ chức họp bình xét, chọn hộ hưởng lợi theo đúng tiêu chí của dự án.
Bà Diệp cho biết, dự án được triển khai chặt chẽ qua từng bước nhằm đảm bảo hoạt động cứu trợ mang lại hiệu quả. Theo đó, các cuộc họp xét chọn hộ hưởng lợi được Hội CTĐ tỉnh, huyện, đại diện UBND xã đã tham gia giám sát, sau đó đi kiểm tra thực tế tại mỗi hộ được xét chọn để đánh giá hiện trạng nhà ở nhằm tư vấn các hạng mục cần sửa chữa, dự toán kinh phí và xác định nguồn kinh phí đóng góp của hộ hưởng lợi. Hộ hưởng lợi tiến hành ký cam kết để sửa chữa nhà theo đúng yêu cầu và các hạng mục đã được tư vấn sửa chữa.
Bên cạnh đó, Hội CTĐ 2 địa phương đã phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sửa chữa nhà an toàn cho các hộ hưởng lợi, đội thợ xây dựng.
“Theo quy định của dự án, kinh phí hỗ trợ cấp trong 2 đợt, đợt đầu 30%, đợt hai 70%. Do đó, để giúp cho các hộ có điều kiện mua vật liệu xây dựng sửa chữa nhà nhanh, Hội CTĐ xã đứng ra tín chấp tại các cửa hàng bán vật liệu trên địa bàn.
Đồng thời vận động tình nguyện viên tham gia hỗ trợ vận chuyển vật liệu và đóng góp ngày công để sửa chữa nhà cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ neo đơn nhằm đảm bảo thời gian, hạng mục mà dự án hỗ trợ sửa chữa theo quy định.
Với cách thức tiến hành trên, hoạt động hỗ trợ sửa chữa nhà tại tỉnh Quảng Nam đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hoàn thành đúng tiến độ của nhà tài trợ và Trung ương Hội quy định” - bà Diệp đánh giá.