Sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính trong đầu tư công nghệ thông tin, chuyển đổi số

VINH ANH 24/03/2023 17:37

(QNO) - Chiều 24/3, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, Ban chỉ đạo về cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Quảng Nam đã tổ chức phiên họp lần thứ 4 nhằm đánh giá kết quả và bàn giải pháp triển khai các nhiệm vụ CCHC và CĐS năm 2023.

 
 Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh: VINH ANH

Tại phiên họp, cơ quan thường trực ban chỉ đạo và lãnh đạo sở, ngành đã báo cáo kết quả thực hiện các nội dung tại thông báo kết luận phiên họp thứ 3, đồng thời đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm về CCHC và CĐS năm 2023. 

Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC và CĐS còn gặp rất nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương không hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được Ban chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh giao.

 
 Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ thay mặt cơ quan thường trực của ban chỉ đạo báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VINH ANH

Về CCHC, hồ sơ trễ hạn trên hệ thống một cửa điện tử còn cao tại cấp huyện, cấp xã, tập trung chủ yếu lĩnh vực đất đai. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn cao ở một số địa phương như Nam Giang 30,92%; Điện Bàn 38,45%; Thăng Bình 62,58%; Tam Kỳ 39,23%...

Ngoài ra, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính còn thấp, cơ sở vật chất của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn nhiều bất cập…

 
 Tỷ lệ hồ sơ TTHC trễ hẹn còn cao ở nhiều địa phương. Ảnh: VINH ANH

Một trong những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến công tác CCHC và CĐS, đó là tỉnh chưa hoàn thành nâng cấp các hợp phần thuộc Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và kho dữ liệu hồ sơ TTHC phục vụ việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Đặc biệt, một số đề án ứng dụng công nghệ thông tin không đủ cơ sở pháp lý trước khi phê duyệt cũng như bố trí kinh phí theo quy định. Lý do là hiện nay, nhiều dự án công nghệ thông tin phát sinh nằm ngoài danh mục dự án được ban hành tại Nghị quyết 33 ngày 17/9/2020 của HĐND tỉnh về Đề án ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VINH ANH

Liên quan đến vướng mắc này, ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở TT-TT kiến nghị Ban chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh thống nhất, phê duyệt các nhiệm vụ về CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin phát sinh ngoài danh mục các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 33.

Nhiều ý kiến tại phiên họp đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính đầu tư các đề án ứng dụng CNTT. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kiến nghị ban chỉ đạo kết luận theo hướng thống nhất cho phép UBND tỉnh ban hành kế hoạch đầu tư các dự án CNTT từng năm, tùy vào thực tế. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị sửa Nghị quyết số 33.

 
 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu. Ảnh: VINH ANH

Điều hành phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, qua báo cáo, công tác CCHC và CĐS còn tồn tại quá nhiều vấn đề. Trong đó, một số nội dung kết luận của ban chỉ đạo tại phiên họp lần 3 chưa triển khai được, trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu; hợp nhất Cổng DVC và Hệ thống một cửa; về cơ chế đầu tư các dự án CNTT…

Phát biểu kết luận chỉ đạo phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh cho rằng công tác tham mưu triển khai CCHC và CĐS có cố gắng nhưng chưa thực sự hiệu quả. Để công tác tham mưu đạt hiệu quả, cơ quan thường trực cần bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra tại các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND về CCHC, CĐS để đưa đưa vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm.

 
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu kết luận phiên họp.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị tăng cường kiểm tra kết quả thực hiện CCHC, CĐS tại cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó phát huy vai trò của các thành viên, các đồng chí lãnh đạo được phân công theo dõi ngành, địa phương. 

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cương giao UBND tỉnh rà soát, đánh giá sự phù hợp của Nghị quyết số 33; nếu cần thiết thì đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị quyết.

Đồng thời cần đánh giá lại mô hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC)... Ngoài ra, các sở, ngành và UBND tỉnh cần tập trung cho nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc thúc đẩy CCHC, CĐS...

VINH ANH