Các bệnh nhân ngộ độc nặng Botulinum đã ngưng dùng máy thở
(QNO) - Bác sĩ Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc cho biết, đến hôm nay 24/3, ba bệnh nhân nặng nhất trong vụ ngộ độc cá chép ủ chua đã tiến triển tốt, tỉnh táo và đã cai máy thở.
Hiện sức khỏe các bệnh nhân đang bình phục rất tốt. Với 3 trường hợp tiên lượng nặng đã được chỉ định truyền Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), thuốc giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum.
Đến sáng 24/3, sức khỏe của 2 trong số 3 bệnh nhân ngộ độc nặng đã hồi phục khá tốt, rút được ống thở. Trong đó, bệnh nhân H.V.Đ (26 tuổi) đã tỉnh, tiếp xúc được, thực hiện được y lệnh, đã ngưng an thần, sức cơ 5/5 và rút được ống thở. Bệnh nhân H.T.T (37 tuổi) đã tỉnh táo, tiếp xúc được, sinh hiệu ổn, sức cơ 5/5.
Riêng bệnh nhân H.V.Đ (57 tuổi), tối 18/3 đã được chỉ định truyền thuốc giải. Trước truyền thuốc, người bệnh lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, thở máy, không tự thở, có nhịp tự thở rất yếu. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - chống độc đã hội chẩn với chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy và đưa ra hướng xử trí tiếp theo là khai khí quản, điều trị thêm chống phù nề. Đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất. Cho đến sáng ngày 24/3, bệnh nhân có cải thiện, được cai thở máy, hiện tại đang thở HFNC và tiên lượng tốt lên.
Ông Tô Mười cho biết thêm, trong 5 lọ thuốc giải độc cực hiếm với giá 8.000 USD/lọ đã được đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mang ra Quảng Nam cứu người, có 3 lọ đã được sử dụng, còn 2 lọ dự phòng được mang về lưu kho để điều trị những trường hợp khác. Hiện cả nước chỉ còn 2 lọ dự trữ này. Ngoài ra, thời gian thải của độc tố Botulinum vẫn chưa đủ, do vậy, đến hôm nay vẫn chưa có bệnh nhân nào được ra viện.
Dự kiến trong tuần sau, nếu diễn biến lâm sàng tốt, bệnh viện sẽ cho các bệnh nhân xuất viện...
Theo Cục An toàn thực phẩm, thực phẩm đóng hộp dễ có nguy cơ bị ngộ độc botulinum nhất. Ngoài ra, tất cả các lọai thực phẩm khác như rau, củ, quả, hải sản... vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm và được ủ, bọc kín.
Các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Đặc biệt, khi xu hướng sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm gia tăng, không đun chín kỹ thức ăn trước ăn, thì ngộ độc Botulinum càng dễ xảy ra.