Mừng lo chờ khách Trung Quốc
Dự kiến, tháng 4/2023, Hãng hàng không Vietnam Airline có thể mở lại đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng đến các thành phố Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô (Trung Quốc). Đây được xem là tín hiệu vui tiếp theo của du lịch miền Trung sau quyết định của Trung Quốc cho phép doanh nghiệp du lịch trong nước tổ chức tour sang Việt Nam hôm 15/3. Dù vậy, sự chờ đợi thị trường khách này vẫn khá dè dặt với doanh nghiệp du lịch Quảng Nam.
Khấp khởi vui
Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên) là một trong số ít điểm tham quan được khách Trung Quốc ưa thích. Trước dịch COVID-19, bình quân mỗi năm khách Trung Quốc đến Mỹ Sơn chiếm từ 25 - 30% tổng số lượng khách mua vé tham quan nơi này. Vì vậy, sự trở lại của dòng khách Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ Sơn khỏa lấp sự thiếu hụt dòng khách Âu - Mỹ, tạo cơ hội để du lịch Mỹ Sơn nhanh chóng phục hồi hoàn toàn trong thời gian tới.
Năm 2023, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đặt mục tiêu đón 180 nghìn lượt khách tham quan, trong đó khách nước ngoài đạt 130 nghìn người. Qua 3 tháng đầu năm, số lượng khách mua vé tham quan khu đền tháp ước đạt khoảng 90 nghìn lượt, với đà tăng trưởng hiện tại, dự kiến năm 2023 Mỹ Sơn sẽ đón khoảng 300 nghìn lượt khách, thậm chí cao hơn nếu khách Trung Quốc sớm quay trở lại Quảng Nam.
Giai đoạn 2014 - 2019, khách Trung Quốc vươn lên trở thành thị trường top đầu của hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam. Với Quảng Nam, dù không phải là điểm lưu trú chính của khách Trung Quốc nhưng đóng vai trò là điểm tham quan không thể thiếu của dòng khách này khi đến miền Trung. Trước dịch COVID-19, khách Trung Quốc đến Quảng Nam chủ yếu tham quan rừng dừa nước Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm, khu đền tháp Mỹ Sơn.
Ông Trương Văn Quý - Giám đốc Công ty Du lịch Sabirama Hội An cho biết, một số doanh nghiệp du lịch Trung Quốc đã liên hệ Sabirama xin chương trình tham quan rừng dừa.
“Khách Trung Quốc có đặc điểm đi đông, thích những nơi nghỉ dưỡng, hải sản nên ngoài chi phí trong tour thì dòng khách này cũng ăn uống, mua sắm nhiều nên lợi ích đầu tiên khi khách Trung Quốc quay lại là giúp người dân địa phương, nhất là người dân khu rừng dừa nước Cẩm Thanh có nhiều việc làm, thu nhập” - ông Quý nói.
Để chuẩn bị đón khách Trung Quốc, hiện khu nhà hàng Sabirama của ông Quý đang được tính toán phân chia thành các khu vực phù hợp để khỏi ảnh hưởng đến các dòng khách khác, nhất là khách Âu - Mỹ.
Nỗi lo xung đột thị trường
Với đặc điểm đi theo đoàn lớn, thường gây ồn ào, tham quan thời gian ngắn, ít lưu trú lại Quảng Nam nên việc xuất hiện dòng khách Trung Quốc cũng mang đến sự thận trọng nhất định cho doanh nghiệp và các điểm đến ở Hội An. Điều này có lý do từ những ấn tượng không tốt mà dòng khách này từng thể hiện thông qua các tour 0 đồng cũng như cách hành xử không mấy thiện cảm tại các điểm tham quan du lịch, dịch vụ...
Theo ông Trần Hoài Nguyên - Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng, triển vọng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng, Quảng Nam dù sáng sủa nhưng chắc chắn phải chờ thêm thời gian bởi việc cấp visa cho khách đoàn từ Việt Nam qua Trung Quốc đến nay chưa phục hồi, trong khi để duy trì đường bay phải có khách đối lưu qua lại giữa hai nước.
Dự kiến, tháng 4/2023, Hãng hàng không Vietnam Airline có thể mở lại đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng đến các thành phố Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô (Trung Quốc), nhưng đây cũng chỉ là kế hoạch. Chưa kể, sau dịch các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên nhu cầu đi du lịch chưa cấp thiết. Thực tế, khách Trung Quốc đến Việt Nam thời điểm này mới chỉ tới những địa phương lân cận ở phía Bắc và một ít ở TP.Hồ Chí Minh.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận, vì Trung Quốc không phải thị trường truyền thống của du lịch Quảng Nam nên cộng đồng doanh nghiệp chưa có động thái gì nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp ít quan tâm đến thị trường này.
“Nói khách Trung Quốc không mang lại niềm vui cho du lịch Quảng Nam cũng chưa đúng vì dòng khách này thường đi theo đoàn lớn nên chắc chắn giúp tăng nguồn thu tại điểm tham quan, nhưng vì nó không phải là thị trường chủ đạo của Quảng Nam nên việc chú trọng vào dòng khách Trung Quốc hiện nay của các doanh nghiệp du lịch hầu như không cao.
Chưa kể, việc tăng lượng khách đột biến đến Hội An cũng không phải điều hay, thậm chí phát sinh những áp lực như quá tải phố cổ, xung đột với các dòng khách châu Âu hoặc truyền thống khác nếu như không có giải pháp quản lý điểm đến hợp lý” - ông Thanh phân tích.
Không phủ nhận, trong tình hình “khát khách” sau đại dịch COVID-19 cũng như những bất ổn tại châu Âu tác động, việc chọn thị trường khách, nhất là thị trường khách truyền thống Âu - Mỹ xem ra tương đối khó khăn, nên việc trở lại của dòng khách nào cũng đáng quý.
Một tín hiệu khá tích cực từ đầu năm đến nay là sự xuất hiện của rất nhiều thị trường khách mới như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Lào, Tây Ban Nha, Israel… Nếu biết khai thác tốt bằng những sản phẩm dịch vụ phù hợp sẽ không chỉ mang đến sự đa dạng mà còn giúp du lịch Quảng Nam tránh phụ thuộc và trông đợi vào bất kỳ thị trường khách cụ thể nào.