Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa X: Bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển

TRỊNH DŨNG 22/03/2023 06:43

Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa X đã thông qua các chương trình, đề án, chủ yếu là phân bổ vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư một vài dự án, bổ sung nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đại biểu tham gia ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Đại biểu tham gia ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Phân bổ nguồn lực

Trung ương đã bổ sung khá nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển theo kế hoạch đầu tư trung hạn (2021 – 2025) cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 253,4 tỷ đồng và hơn 21,2 tỷ đồng từ ngân sách trung ương còn lại năm 2023 tiếp tục được phân bổ để thực hiện chương trình. Nhiều nguồn vốn khác bổ sung đang chờ được chuẩn y phân bổ.

Nguồn vốn hơn 47,7 tỷ đồng năm 2022 thực hiện các tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không thể phân bổ được vì các công trình, dự án chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư. UBND tỉnh buộc phải chuyển nguồn sang năm 2023.

Lần này, UBND tỉnh yêu cầu xem xét phân bổ hơn 22,8 tỷ đồng cho các dự án đã đảm bảo thủ tục đầu tư. UBND tỉnh cũng trình phân bổ kế hoạch vốn (nguồn vốn đầu tư phát triển) để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 473 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương đầu tư hơn 378,5 tỷ đồng và ngân sách tỉnh đối ứng khoảng 94,4 tỷ đồng. Khá nhiều đề án liên quan đến tài chính cũng đã trình lên bàn nghị sự.

Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tính đến ngày 7/3/2023, các địa phương đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh cho 126.294 người với tổng số tiền hơn 159,4 tỷ đồng.

Số này tăng so với dự kiến của nghị quyết HĐND tỉnh hơn 117,4 tỷ đồng vì đã không thể lường trước sự biến động của dịch bệnh và số lượng người bị ảnh hưởng. Chính quyền đề nghị HĐND tỉnh xem xét, chuẩn y số kinh phí này theo thực tế.

Ông Phạm Hồng Quảng – Giám đốc Sở TT-TT đưa ra một đề án đề nghị thực hiện chính sách hỗ trợ cho 60 xã (2 xã đảo) về việc tăng cường cơ sở vật chất cho đài truyền thanh xã, cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm bưu chính viễn thông và thiết lập cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Việc nâng cấp, mở rộng 25 đài truyền thanh và chuyển đổi 35 đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông tại 60 xã với mức chi hơn 574 triệu đồng/đài (chuyển đổi) và hơn 159,8 triệu đồng/đài (nâng cấp, mở rộng).

Điều chỉnh quyết toán hay điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhưng không làm thay đổi tổng mức đầu tư dự án kè Nước Là (Nam Trà My), đường vành đai phía bắc do UBND thị xã Điện Bàn đầu tư là nội dung được đem ra luận bàn.

Các vấn đề khác như quy định lệ phí gia hạn giấy phép cho người lao động nước ngoài, bãi bỏ lệ phí cấp chứng minh nhân dân, đăng ký cư trú hay mức chi cho người cai nghiện tập trung, gia đình..., cũng được cho ý kiến.

Tạo động lực phát triển

Tất cả chương trình, đề án đem ra luận bàn lần này như một “động tác kỹ thuật” để HĐND tỉnh phê chuẩn theo thẩm quyền luật định, nên dễ dàng thông qua. Hạch toán nguồn thu xuất nhập khẩu chưa đúng niên độ (năm 2021 nhưng tính cho năm 2022) dễ dàng điều chỉnh, không làm thay đổi bản chất ngân sách nhà nước.

Sửa đổi, quy định lệ phí gia hạn giấy phép lao động người nước ngoài để tương đồng với các địa phương khác trên toàn quốc hay bãi bỏ quy định thu lệ phí cấp chứng minh nhân dân, đăng ký cư trú là điều hợp lý.

Thẩm tra của các ban HĐND tỉnh cho thấy việc phân bổ vốn bổ sung, vốn thực hiện năm 2023, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, chuẩn y số kinh phí thực tế hỗ trợ người lao động ảnh hưởng dịch COVID-19 hay mức chi, thu phí cai nghiện... là cần thiết, hợp lý và cụ thể.

Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các địa phương thực hiện giãn cách trên diện rộng, kéo dài khiến người mất việc gia tăng, dẫn đến số kinh phí hỗ trợ tăng đột biến. Ảnh: T.D
Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các địa phương thực hiện giãn cách trên diện rộng, kéo dài khiến người mất việc gia tăng, dẫn đến số kinh phí hỗ trợ tăng đột biến. Ảnh: T.D

Tuy nhiên, vẫn còn không ít mối bận tâm của các cơ quan thẩm tra về việc phân bổ ngân sách.

Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, các đề xuất phân bổ nguồn nông thôn mới chỉ nêu tổng nguồn, chưa đề xuất phân bổ cụ thể (trừ phân bổ cho các địa phương theo tiêu chí định mức).

Ông Đức yêu cầu chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở, các chương trình chuyên đề, nhiệm vụ phát sinh đều phải xây dựng phương án quy trình, thủ tục hồ sơ, UBND tỉnh xây dựng phương án phân bổ chi tiết, trình Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến trước khi quyết định giao cụ thể nguồn kinh phí đầu tư cho các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Các địa phương cần rà soát khả năng cân đối ngân sách, tăng cường lồng ghép các nguồn vốn để đảm bảo vốn đối ứng triển khai chương trình. Rà soát, thẩm định, hạn chế đầu tư dàn trải, không để lãng phí đầu tư, nợ nọng xây dựng cơ bản, huy động quá sức dân.

Tránh chồng chéo, trùng lặp địa bàn, phạm vi đối tượng. Cũng theo ông Đức, cơ quan quản lý cần lý giải rõ hơn sự hợp lý về phương án đầu tư chuyển đổi, nâng cấp đài truyền thanh của 60 xã và mức chi.

Một khi đã thông qua, cũng cần tiếp tục rà soát, kiểm tra các đài chuyển đổi có phương án đầu tư hợp lý, phù hợp nhu cầu thực tế địa phương, đồng bộ cơ sở hạ tầng viễn thông, đảm bảo hiệu quả sử dụng bền vững, tránh lãng phí đầu tư.

Không ít câu hỏi đặt ra từ việc kinh phí và người được hỗ trợ bị ảnh hưởng COVID-19 tăng so với Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh.

Theo bà Trần Thị Bích Thu – Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh, khi ban hành nghị quyết không dự lường được số lao động tự do đi về trong ngày ở hai tỉnh giáp ranh. Khi dịch bùng phát, giãn cách trên diện rộng, kéo dài ngày nên số lao động mất việc tăng nhiều.

Lẽ ra, khi phát sinh kinh phí thì phải báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, nhưng UBND tỉnh chưa kịp thời báo cáo, nên phải trình kỳ họp này. Bà Thu đề nghị HĐND tỉnh thông qua khoản kinh phí này. Tuy nhiên, yêu cầu việc sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo theo đúng quy định, chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của đối tượng thụ hưởng, mức chi hỗ trợ...

Ông Hà Đức Tiến – Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nói các mức chi đối với người cai nghiện bắt buộc (về văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí) khoảng 100 nghìn đồng/học viên/năm của UBND tỉnh đưa ra đảm bảo quy định.

Tuy nhiên để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người cai nghiện tự nguyện, cơ sở cai nghiện công lập tiếp nhận, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện theo đúng chủ trương tăng cường cai nghiện tự nguyện, cần xem xét, quyết định hỗ trợ tiền ăn, quần áo, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập bằng 100% mức chi đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc (tăng 30% so với đề nghị của UBND tỉnh).

Ngoài ra cần cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân (ngoài công lập) tham gia công tác cai nghiện ma túy tự nguyện, có các chính sách hỗ trợ người sau cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.

TRỊNH DŨNG