Thế giới đầu tư lớn vào công nghệ sinh học
(QNO) - Quy mô thị trường công nghệ sinh học (CHNS) toàn cầu bứt phá mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm gần 18% để vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng của CNSH ngày càng phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, môi trường, y học, công nghiệp chế biến, nông nghiệp…
CNSH là lĩnh vực kết hợp công nghệ, quy trình kỹ thuật hiện đại cùng nền tảng khoa học trong sinh học (vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật) nhằm sản xuất và tạo ra các sản phẩm sinh học chất lượng cao.
Trong đó, phân khúc ứng dụng y tế chiếm tỷ trọng lớn nhất với 48,7% vào năm 2021 và dự kiến tiếp tục tăng.
Các chuyên gia y tế khẳng định, sự xuất hiện COVID-19 thúc đẩy các công ty phát triển các giải pháp mới để ngăn chặn đại dịch này cũng như làn sóng bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra trong tương lai.
Bắc Mỹ chiếm thị phần lớn nhất trong quy mô đầu tư CNSH toàn cầu với 44,5% vào năm 2021, chủ yếu tập trung vào các hoạt nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe.
Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến mở rộng với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là 16,9% từ năm 2022 đến 2030, nhờ cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, các chính sách hỗ trợ của chính phủ, dịch vụ thử nghiệm lâm sàng và các yếu tố dịch tễ học.
Mới đây, Hàn Quốc công bố sẽ rót 559,4 tỷ won (438,4 triệu USD) vào nghiên cứu và phát triển CNSH cốt lõi vào năm 2023, phù hợp với chiến lược dài hạn của đất nước nhằm dẫn đầu nền công nghệ kỹ thuật số và CNSH trong tương lai.
Đây là một phần trong kế hoạch ngân sách năm 2023 của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đầu tư tổng cộng 6.700 tỷ won vào nghiên cứu khoa học.
Theo đó, 57,1 tỷ won được dành để phát triển phương pháp điều trị mới, thiết bị y tế và thuốc tái tạo, 251 tỷ won được chi cho nghiên cứu và phát triển của CNSH trong tương lai...
Hàn Quốc sẽ đầu tư 139,4 tỷ won để thúc đẩy sức khỏe cộng đồng bằng cách phát triển các công nghệ phòng ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm, bệnh Alzheimer và rối loạn não.
Trên khắp thế giới, các công ty sinh học tổng hợp và công ty đang phát triển các phương pháp điều trị rối loạn nội tiết tố cũng thu hút được các vòng tài trợ lớn nhất.
Tháng 2 vừa qua, công ty khởi nghiệp Mỹ National Resilience giành được khoản đầu tư khổng lồ 625 triệu USD để tăng tốc độ sản xuất tế bào và gen, kháng thể...
Ấn Độ dự kiến sẽ tăng quy mô đầu tư cho CNSH lên 150 tỷ USD trong vòng 4 năm tới, từ mức 70 tỷ USD hiện tại.
Ông Jitendra Singh - Bộ trưởng Bộ Khoa học trái đất Ấn Độ cho biết số lượng công ty khởi nghiệp CNSH tại Ấn Độ tăng từ 50 lên hơn 5.000 trong vòng gần 10 năm qua và dự kiến vượt qua con số 25 nghìn, một phần nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ.
Ấn Độ hiện đứng thứ 12 trên thế giới về phát triển CNSH, thứ 3 ở châu Á - Thái Bình Dương và là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về CNSH thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. CNSH đóng góp 10-15% vào GDP.