Chợ Đàng trăm tuổi…
Cuối thập niên 1970, khi còn làm trong ngành nông nghiệp Quảng Nam, tôi nhiều lần đến công tác ở huyện Quế Sơn. Lần nào, lúc quay về thành phố tôi cũng ghé chợ Đàng, khi thì mua vài gánh củi, cặp heo giống hoặc ít đường bát...
1. Bên con đường từ huyện lỵ Đông Phú xuống ngã ba Hương An trên quốc lộ 1, lúc ấy còn trải đá thâm nhập nhựa, ngôi chợ sau chiến tranh vẫn còn vắng vẻ và chật hẹp lắm. Tôi cùng các đồng nghiệp đi chung xe cơ quan tha hồ mua những thứ mình cần, chỉ có điều lương ba cọc ba đồng nên bao nhiêu thứ cần dùng thời ngăn sông cấm chợ, cũng đành nhịn…
Gần đây, con đường tỉnh lộ ấy mang tên 611 mở rộng và tráng nhựa láng bóng, những dịp vượt đèo Le lên tận Trung Phước, tôi vẫn thường dừng xe lại chợ Đàng, với nhiều cảm xúc.
Khi các nhà giáo quê Quế Sơn như Trương Vũ Quỳnh, Phạm Úc và các bạn xuất bản cuốn “Quế Sơn, Đất và Người” ( NXB Hội Nhà Văn, 2015) có nhờ viết bài giới thiệu, tôi mới biết thêm về vùng đất Quế Sơn.
Lại càng thích thú hơn khi biết Quế Châu và chợ Đàng lại là quê hương của Tiến sĩ Thượng thư Phan Quang và các con cháu ông như nhà sử học Phan Khoang, nhà nghiên cứu - nhà văn Phan Du mà mình hằng yêu quý từ thời còn học sinh…
Thượng thư - Tiến sĩ Phan Quang là một trong năm đại khoa tạo nên danh xưng “Ngũ phụng tề phi” năm 1898 khi vừa 26 tuổi. Năm 1930 ông được thăng chức Lễ Bộ Thượng thư rồi vui vẻ về quê nghỉ hưu không một chút vướng bận chuyện quan trường.
Nghe kể, ông còn mở trường dạy chữ, dạy lễ nghĩa cho bọn trẻ trong làng sau đó. Nhưng quan trọng sau khi mở tiệc ăn mừng và làm lễ tạ ơn cha mẹ thì các chức sắc ở phủ, huyện, tổng và dân làng đều đến chúc mừng và xin rước các gánh hát bội nổi tiếng về chiêu đãi, tri ân một người con thành đạt, làm rạng danh cho quê nhà.
Các gánh hát thay nhau diễn mỗi đêm, suốt ba tháng trời. Dân cả vùng Quế Sơn và các huyện lân cận đều đến xem. Lúc đó vùng Quế Châu không có chợ. Người đi coi hát về đông, kéo theo các “dịch vụ” ăn uống, bánh kẹo cho trẻ nhỏ, nước chè cho người lớn như cảnh chợ đêm bây giờ. Khi các đoàn hát dọn rạp thì chợ chồm hổm ấy vẫn tiếp tục vì sự thuận tiện của nó.
Thấy cảnh đó, Tiến sĩ Phan Quang bèn đề xuất với huyện xin mở một cái chợ thực thụ và nhường một khu đất của nhà mình cho bà con buôn bán. Lúc đầu dân làng gọi là chợ cụ Thượng nhưng về sau dân gian gọi là chợ Đàng vì nó nằm ngay mặt tiền của con đường từ Hương An đi đèo Le, rất thuận lợi cho việc buôn bán xuôi ngược.
Tính ra, đến nay, chợ Đàng đã tồn tại non một thế kỷ kể từ ngày ấy…
2. Đầu năm đi chơi chợ Trung Phước, thăm làng trái cây Đại Bường, chúng tôi quyết định vượt đèo Le để ăn món gà nướng nổi tiếng ở chân đèo rồi hãy về Quế Sơn thăm di tích chiến tranh Cấm Dơi ở thị trấn Đông Phú, trước khi đi tắm suối Tiên giữa rừng Quế Hiệp gần đó. Nhưng khi xe dừng ở Quế Châu để hỏi đường, thì chợ Đàng đã ở trước mặt…
Bước vào ngôi chợ khang trang vừa xây dựng lại sau vụ hỏa hoạn hồi cuối năm 2012, gặp ngay những quầy hàng bánh trái bản địa. Từ loại bún sắn độc đáo vốn là thổ sản, còn có bánh ít lá gai, xôi đậu, bánh tráng, bánh tét, bánh tổ… và các loại đậu xanh, đậu phụng bày bán ê hề.
Các bạn tôi chú mục vào mua các loại bánh. Cô bạn gái mua bún sắn phơi khô mà có người gọi là phở sắn. Tôi mua hai cây chổi rang về quét vườn giá ba chục ngàn đồng. Anh bán chổi phân trần giá cao vì chổi rang bây giờ khó tìm lắm, phải vào sâu trong rừng.
Người đi chợ Đàng mà tôi quan sát và lắng nghe, có lẽ đa số người mua và bán đều quen nhau. Họ ít trả giá, lại hỏi han nhau về chuyện này chuyện kia khá thân thiện, kể cả hỏi “Hết dịch rồi ăn tết có vui không?” hay hỏi nhau về gia cảnh “Mấy đứa đi học trong Sài Gòn có về chơi tết không?”. Điều này chỉ thấy ở không khí các chợ quê.
Chung quanh chợ Đàng bây giờ là nhiều ki ốt bán tạp hóa, hàng công nghệ, hiệu vàng, hàng điện tử và cả vài tiệm làm tóc, trang điểm cô dâu, chẳng khác gì ở phố. Lên xe bọn tôi còn tranh luận nhau về bún sắn hay phở sắn.
Nhưng khi anh bạn nói: Phải gọi là bún, vì kỹ thuật sản xuất là dùng máy ép ra sợi như làm bún thì mới thôi cãi. Một cô bạn hỏi tôi sao không thấy bán củi, bán heo nữa? Tôi nói có một hàng bán heo con và gà ở đàng sau, còn củi chắc hết rồi, vì nông thôn bây giờ đa số đã dùng bếp ga.
Thì đã rõ, khi giao thông thuận lợi, nền kinh tế phát triển nên vóc dáng một chợ quê cũng dần dà thay đổi. Nhưng “cái cốt cách” chợ Đàng, với các loại thổ sản đặc trưng như đã kể và sự thân quen giữa người bán, người mua trong không gian chợ quê thì vẫn vậy, điều mà ra phố ta khó bắt gặp khi vào các siêu thị…
3.Ở phố con người thường xa lạ nhau, dù vào các nơi mua bán. Có phải vì vậy không mà người ở phố thích về nông thôn, về quê mỗi khi có dịp, như chúng tôi hôm nay? Để tắm mình vào những nơi chốn ấm nồng tình lân lý hay hít thở không khí trong lành và ăn những món ăn quê lạ miệng để chẳng còn lo sợ nhiễm các độc tố từ dư lượng kháng sinh và hóa chất khác?
Trong một ngày, các bạn có dịp làm tour du lịch ngắn từ Đà Nẵng hay Tam Kỳ, Hội An đến Quế Sơn, thì tôi đề nghị: Bắt đầu từ ngã ba Hương An theo tỉnh lộ 611, ta có thể dừng chân được rất nhiều nơi. Thăm đất làng Hương Quế và nhà thờ họ Phạm, nơi thờ các vị Phạm Nhữ Tăng, Phạm Nhữ Dực. Ngược hướng Tây đi chợ Đàng, rồi vào tắm suối Tiên giữa rừng Quế Hiệp. Sau khi lên đỉnh Cấm Dơi ở thị trấn Đông Phú rồi dừng ở đèo Le để thưởng thức món gà nướng nổi tiếng tại đây.
Buổi chiều là thời gian dừng lại ở suối nước nóng Quế Lộc, Di tích Tân Tỉnh của các chí sĩ Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu. Ăn trưa ở “chợ kháng chiến” Trung Phước để ôn lại thời tản cư - kháng Pháp rồi quay về lăng Bà Thu Bồn, ngắm cảnh đèo Phường Rạnh trước khi về Duy Xuyên... Nếu là mùa hè, bên kia chợ Trung Phước, còn có làng trái cây Nam Bộ Đại Bường chờ đón bạn.