Hoang sơ Sông Cùng

TRIÊU NHAN 18/03/2023 19:32

Khu du lịch sinh thái Sông Cùng (xã Đại Lãnh, Đại Lộc) đến nay vẫn còn giữ được nét nguyên sơ của tự nhiên với quần thể thác suối hùng vĩ, thơ mộng, là điểm đến đầy tiềm năng.

Cảnh đẹp khu du lịch sinh thái Sông Cùng. Ảnh: H.LIÊN
Cảnh đẹp khu du lịch sinh thái Sông Cùng. Ảnh: H.LIÊN

Sau khi băng qua cánh đồng lúa của thôn Hà Dục Tây, xã Đại Lãnh, rồi đi chừng vài cây số theo biển chỉ dẫn là đến Sông Cùng. Hệ thống thác suối ở Khu du lịch sinh thái Sông Cùng không kém vẻ hoành tráng, hùng vĩ như Suối Mơ (Đại Đồng) hay Khe Lim (Đại Hồng) bởi thác nước cheo leo, vách đá dựng đứng, suối chảy ì ầm.

Những lèn đá cho tới những tảng đá lớn có kích thước bằng nửa mái nhà nằm chắn giữa dòng, hình thành mấy con suối nhỏ róc rách đêm ngày, mát dịu. Với du khách hay các phượt thủ yêu thích sự độc đáo, nên thơ, hùng vĩ của tự nhiên thì đây là một điểm check-in, tắm mát lý tưởng.

Từ những cánh rừng già nơi thượng nguồn, những con nước đổ về trắng xóa, rồi len lỏi qua những lèn đá sắc nhọn, trơn bóng, có những hòn đá to nằm hỗn độn, xen kẽ do sự sắp bày của tự nhiên.

Đến với Sông Cùng, du khách có thể đi theo nhóm, có thể chọn buổi trưa, chiều để ngụp lặn, tắm suối, dã ngoại; có thể cắm lều, đốt lửa trại, nấu nướng, văn nghệ, thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ.

Sông Cùng thơ mộng và có nhiều thảm thực vật phong phú như: Bến Tắm, bãi Đá Chặt, hốc Đá Dựng, bãi Đá Giăng, hợp lưu thác nước Đá Bàn - Khe Tre - So Đũa, nà Núc Ninh, khe Đá Bàn, động Hang Dơi… Về với Sông Cùng (Suối Tiên), du khách sẽ nghe kể về câu chuyện đầy nhân văn.

Chuyện kể rằng, có đôi vợ chồng nọ rất yêu thương nhau, dẫn đến nơi núi rừng thâm sâu lập nghiệp, sinh sống bằng cách khai hoang ruộng đất, trồng trọt và săn bắn. Ngày ngày, người chồng đi săn và chăm việc cày xới. Vợ ở nhà lo việc bếp núc và chăm bón ngoài vườn. Cuộc sống tuy vất vả, túng thiếu nhưng đôi vợ chồng càng yêu thương nhau hơn cả những ngày đầu gặp gỡ.

Ngày kia, người vợ bị ốm. Vốn thương vợ, giữa lúc trời mưa dông, người chồng mang giỏ ra đi bắt cá, mò cua. Theo bờ khe, chàng vào sâu trong vách đá để bắt cua. Rồi những cơn nước ống từ nguồn khe chảy về làm ngập cả miệng hang, người chồng vĩnh viễn ra đi. Người vợ không thấy chồng về, vội vã đi tìm.

Dựa theo con khe, người vợ lên đến tận cùng đầu nguồn và xuống đến tận cùng dòng nước, rồi tiếp đó đi tìm cùng khắp núi rừng. Đi đến đâu người vợ cũng cất tiếng gọi thảm thiết nhưng không thấy bóng người chồng đâu.

Ngồi bên bờ khe khóc than mãi, cuối cùng nàng gieo mình từ trên tảng đá cao xuống dòng khe sâu để cùng chết theo người chồng cho trọn tình, trọn nghĩa. Dân làng về sau mới đặt tên cho con khe ấy là “Sông Cùng”. Đồng thời lập dinh ở sát chân núi để thờ vong linh chàng, gọi là “Dinh Ông”. Vào ngày mùng 4 tháng Giêng hằng năm, dân làng ở đây tổ chức thăm ruộng, cúng dinh.

Khu du lịch sinh thái Sông Cùng có phong cảnh nên thơ, không gian rộng mở, địa hình phong phú phù hợp với những ai muốn tìm về thiên nhiên. Sông Cùng tới nay vẫn giữ nguyên nét hoang sơ của tự nhiên, chưa hề bị tác động bởi bàn tay con người.

Từ Sông Cùng, có thể dọc tuyến ĐT 609, qua cầu Hà Tân, qua Đại Hưng, thăm thú những vườn cây trái đầy vú sữa, mít, xoài, ổi, cam, bưởi ở làng quê Thái Sơn. Hoặc có thể đi dọc tuyến ĐT 609B, qua vùng cồn bãi trù phú của sông Yên, xã Đại Hiệp, thăm thú rừng dừa xiêm, vườn cây ăn quả, món ăn đặc sản bản địa, rồi về Hội An hoặc Đà Nẵng.

TRIÊU NHAN