Nam Trà My phát huy vai trò người có uy tín
Bằng tiếng nói uy tín với dân làng, nhiều già làng trưởng bản của huyện Nam Trà My trở thành người góp công lớn trong việc tuyên truyền, đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Từ đó nâng cao nhận thức, chuyển hóa các chủ trương, chính sách vào đời sống.
Từ lời khuyên của các già làng
Gia đình anh Hồ Văn Bây (thôn 3, xã Trà Linh) thuộc diện đông con nên cuộc sống cứ quanh quẩn với nghèo đói. Thấy vậy, già làng Hồ Văn Canh đã đến nhà kiên trì vận động và tuyên truyền về chủ trương xóa đói giảm nghèo.
Tại địa phương, việc trồng cây dược liệu đang phát triển nên già Canh đã bám vào chủ trương này để vận động anh Bây. Nhờ vậy, anh Bây được tiếp thêm nghị lực vươn lên thoát nghèo, từ bỏ những thói quen xấu như uống rượu say xỉn, lười biếng.
Thấy được sự chuyển biến này, dân làng cũng giúp đỡ để anh học hỏi và bắt đầu làm ăn từ nguồn hỗ trợ cây giống dược liệu. Sau 4 năm chăm chỉ, hiện gia đình anh Bây đã có thu nhập hằng năm từ 80 đến 100 triệu đồng từ vườn sâm và dược liệu, nên đã thoát nghèo.
Anh nói: “Được già làng Canh vận động, đến tận nhà tuyên truyền và giúp đỡ, bản thân tôi đã siêng năng học hỏi cách trồng sâm, dược liệu, giờ gia đình có vườn sâm Ngọc Linh nhiều cây rồi, hết đói nghèo, phải nghĩ cách vươn lên làm giàu cho con cái bớt khổ”.
Hay như hộ ông Nguyễn Anh Thanh (thôn 2, xã Trà Nam) đã từ bỏ thói quen chặt phá rừng già làm nương rẫy. Bởi ông nhận thức được rằng, mất một vạt rừng mà hạt lúa, hạt bắp thu hoạch không nhiều thì cái đói vẫn đeo bám mãi gia đình. Đây là kết quả từ sự vận động của già làng Đinh Văn Liêm.
Già Liêm phải mất thời gian dài đến tuyên truyền vận động, giải thích rằng chặt phá rừng là vi phạm pháp luật, cạnh đó còn hướng dẫn và giúp đỡ ông Thanh khai hoang ruộng lúa nước bậc thang hai vụ.
Hiện gia đình ông Thanh đã có hơn 1,5ha lúa nước, tự làm mới hệ thống thủy lợi tưới tiêu nên cây lúa cho năng suất cao. Từ đó gia đình ông Thanh có lúa gạo dư ăn quanh năm, nuôi thêm heo, gà, dê..., có thu nhập ổn định. Bây giờ gia đình ông Thanh đã hết đói nghèo, vươn lên trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi, làm giàu bền vững.
Đóng góp thiết thực
Trong 4 năm qua, Nam Trà My có hàng nghìn hộ đồng bào người Xê Đăng, Cadong, Bhnoong vươn lên thoát nghèo bền vững bằng nỗ lực tự thân của từng hộ gia đình, sự chung tay vào cuộc của địa phương, cộng đồng, nhưng vai trò của già làng, người có uy tín đóng góp rất lớn vào thành quả này.
Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập dần được nâng cao, nhiều nhà cửa được làm mới thay tre nứa tạm bợ trước kia, làm cho diện mạo miền núi cao Nam Trà My đổi thay với nhiều sắc màu tươi tắn.
Tại 115 khu dân cư (35 thôn) ở huyện Nam Trà My, vài trò của già làng, người uy tín đã được phát huy. Họ là những người tích cực vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất, xóa bỏ hủ tục; vận động thanh niên phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, cùng với lực lượng kiểm lâm đứng điểm địa bàn vận động người dân lập các nhóm tình nguyện tuần tra, quản lý bảo vệ rừng...
Nhờ đó trong những năm gần đây, làng nóc ở Nam Trà My mang vẻ bình yên, ngăn chặn nạn chặt phá rừng đốt nương làm rẫy, khai thác gỗ trái phép, rừng già nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt...
Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My cho biết: “Đối với người dân vùng núi cao, già làng, người có uy tín luôn hiện diện và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cộng đồng. Họ là những người có kinh nghiệm trong các hoạt động sản xuất, giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống và truyền lại cho thế hệ trẻ.
“Họ còn là cánh tay nối dài của các cấp ủy đảng, chính quyền. Trong bối cảnh Nam Trà My hiện tại vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, thì vai trò của các già làng, người uy tín trong việc đưa những nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà Nước vào đời sống theo đúng định hướng, sát với thực tế và kịp thời là hết sức cần thiết” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, huyện sẽ tiếp tục phát huy vai trò già làng, trưởng bản bằng nhiều giải pháp cụ thể như bồi dưỡng kiến thức pháp luật và cập nhật các chủ trương, đồng thời thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của địa phương thường xuyên. Cùng với đó sẽ nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đời sống của già làng trưởng bản để có sự hỗ trợ, động viên kịp thời để tiếp tục phát huy tinh thần vì cộng đồng xã hội tại địa phương.