Đề xuất tạm hoãn sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
(QNO) - Ngày 15/3, tại TP.Đà Nẵng, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Rượu – Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo ngành đồ uống đóng góp ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Ngày 21/2, Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 1585/BTC-VCS gửi các bộ ngành, tổ chức, hiệp hội cũng như đăng tải toàn bộ thông tin lên trang mạng của Bộ Tài chính, Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các sắc thuế đối với đời sống, kinh tế, xã hội.
Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến thông qua dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó có nội dung bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.
PGS-TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội VBA cho biết, ngành đồ uống là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp, sâu rộng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi những đóng góp của ngành vào ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương khá lớn với hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Vì thế, ý kiến đóng góp của ngành hàng rất quan trọng để đảm bảo chính sách pháp luật khi ban hành có sự đồng thuận cao, hài hòa các lợi ích và đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.
Đồng quan điểm trên, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập người tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một sắc thuế tiêu thụ đặc biệt tốt ngoài các mục tiêu trên còn cần tính tới các yếu tố như tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vậy nên, chính sách được đề xuất phải đảm bảo nhất quán với các chính sách, chủ trương liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là sau ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Cạnh đó, cũng cần xét đến lộ trình tăng thuế như thế nào là phù hợp để các doanh nghiệp điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế găp khó khăn, lạm phát tăng cao và doanh nghiệp cần phục hồi sau đại dịch.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) kiến nghị, Bộ Tài chính nên xem xét bỏ đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn khỏi dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bởi hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành không có định nghĩa về “đồ uống có đường” nên đề xuất của Bộ Tài chính có thể bao gồm cả một số sản phẩm thiết yếu và tốt cho sức khỏe như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm y tế cho người bệnh...
"Nếu đề xuất được thông qua, cả ngành thực phẩm và đồ uống vốn đang chật vật phục hồi sau COVID-19 sẽ đối mặt thêm gánh nặng tài chính. Nó cũng tạo thêm áp lực cho các gia đình khi phải chi trả cao hơn cho nhiều loại thực phẩm thông thường" - đại diện AmCham phân tích.
Từ năm 2003 đến nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã 5 lần sửa đổi nhưng thực tiễn cho thấy, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chưa đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, tăng thuế không giải quyết vấn đề rượu bất hợp pháp (chiếm 60 - 70% thị trường), gây thất thoát 751 triệu USD/năm, từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và kinh doanh hợp pháp.
Tại hội thảo, đa số ý kiến bày tỏ, thời điểm hiện tại chưa thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi doanh nghiệp đang chịu mức tăng nguyên vật liệu vượt quá khả năng gánh chịu, nên việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn đến tăng giá sản phẩm bia, có thể khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm phi chính thống.
Quan trọng hơn, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt không giúp nuôi dưỡng nguồn thu cho Nhà nước, trong khi vấn đề gốc rễ bao gồm rượu phi chính thức gây rủi ro cho sức khỏe và gây thất thu ngân sách lại không được tập trung giải quyết.
Ông Nguyễn Thanh Phúc – Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam kiến nghị tạm hoãn sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tăng thuế suất đối với bia ít nhất trong 2 năm tới. Thay vào đó cần có đánh giá tác động sự ảnh hưởng từ yếu tố chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và nghiên cứu các chế độ thuế thay thế để hỗ trợ lâu dài cho mục tiêu giảm tiêu thụ cồn nguyên chất, đồng thời tăng thu ngân sách nhà nước, bước đầu tiên có thể là cơ chế thuế hỗn hợp.
Đặc biệt, lộ trình xây dựng luật cần quan tâm yếu tố tác động của luật với người tiêu dùng và kinh tế - xã hội. Về lâu dài, cần xem xét lại phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt, không nên làm nóng vội, ảnh hưởng đến người làm chính sách và các doanh nghiệp.