Nhiều góp ý liên quan xây dựng cơ sở tôn giáo

TÂM ĐAN 16/03/2023 08:04

Thu hồi đất thực hiện xây dựng cơ sở tôn giáo, công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo… là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm khi góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Phan Thọ - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc tôn giáo - tôn giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức. Ảnh: V.A
Ông Phan Thọ - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc tôn giáo - tôn giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức. Ảnh: V.A

Làm rõ nội dung thu hồi đất xây dựng cơ sở tôn giáo

Theo báo cáo tổng hợp góp ý dự thảo Luật Đất đai của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu lại nội dung Điều 78 của dự thảo Luật Đất đai về việc thu hồi đất để thực hiện “dự án xây dựng cơ sở tôn giáo” nhằm mục đích “vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Theo đó, nước ta là quốc gia đa tôn giáo, với tinh thần các tôn giáo đều bình đẳng với nhau trước pháp luật. Mỗi tôn giáo, tùy theo đặc điểm riêng của mình mà có nhiều cơ sở hoạt động tại các khu vực, vùng miền, hoặc phân bổ rộng khắp trên phạm vi cả nước. Đặc điểm chung nổi bật của các cơ sở tôn giáo là hoạt động (phù hợp với quy định của pháp luật) trên cơ sở tự chủ về tài chính mà không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng như không có đóng góp gì cho ngân sách Nhà nước.

Như vậy, để tiến hành thực hiện một “dự án xây dựng cơ sở tôn giáo” được coi có mục đích “vì lợi ích quốc gia, công cộng” thì cần phải nêu rõ các tiêu chí cụ thể của cơ sở tôn giáo đó như thế nào (để được coi là vì lợi ích quốc gia, công cộng), nhằm bảo đảm việc thu hồi đất cho “dự án” này không gây ra phản ứng của người dân cũng như không gây ra sự bất bình đẳng giữa các tôn giáo với nhau trong một xã hội đa tôn giáo. Mặt khác, cũng để làm cho pháp luật về đất đai không bị các nhóm lợi ích lợi dụng để trục lợi trong việc “kinh doanh tâm linh”, gây thất thoát ngân sách cùng nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Bổ sung điều kiện mở công nhận quyền sử dụng đất

Điều 138 về “Công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất”, khoản 4 quy định: “Tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất được công nhận quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Được Nhà nước cho phép hoạt động; b) Đất không có tranh chấp; c) Không phải là đất chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng tặng cho sau ngày 1/7/2004”.

Cùng với những điều kiện trên, Phan Thọ - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc tôn giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) đề nghị dự thảo luật xem xét bổ sung điều kiện mở là “địa điểm công nhận quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và cá nhân, hộ gia đình có đơn đề nghị UBND thu hồi đất để giao cho tổ chức tôn giáo”.

Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các địa phương trong việc cấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo. Trên thực tế, quỹ đất của địa phương nhiều nơi khó khăn, để tìm được địa điểm giao đất cho tôn giáo không phải dễ. Trong khi nhiều tín đồ có đất muốn chuyển nhượng cho tổ chức tôn giáo thì không chuyển được.

Trước đây, Quảng Nam từng vận dụng một cách sáng tạo để giải quyết tình trạng này. Đó là, thứ nhất, xem xét lại địa điểm hộ gia đình muốn chuyển nhượng cho tổ chức tôn giáo có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; thứ hai, tổ chức tôn giáo đó có được Nhà nước công nhận không; thứ ba, hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển nhượng có văn bản, đơn đề nghị UBND thu hồi đất của họ để giao cho tổ chức tôn giáo, thì lúc đó Nhà nước mới công nhận quyền sử dụng cho tổ chức tôn giáo. Bởi thế, quỹ đất giao cho tôn giáo ở Quảng Nam chủ yếu từ đất của hộ gia đình, cá nhân. Do đó, dự thảo Luật Đất đai cần bổ sung điều kiện mở để tạo thuận lợi cho địa phương trong việc công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo.

TÂM ĐAN