5 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH: Nâng ý thức, tăng diện bao phủ
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh đã tạo nên những bước chuyển tích cực. Tuy nhiên, những khó khăn phát sinh cần sớm có giải pháp phù hợp thực tiễn.
Nhiều kết quả
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 28, toàn hệ thống chính trị và nhân dân đã có sự thay đổi ý thức về tầm quan trọng của chính sách an sinh, tỷ lệ người dân tham gia chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm sau luôn cao hơn năm trước.
Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 28, tỷ lệ dân số toàn tỉnh tham gia BHYT là 92,4%, cuối năm 2022 tỷ lệ đạt trên 96%; lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH năm 2018 hơn 180 nghìn người, cuối năm 2022 đạt hơn 215 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 158 nghìn người lên 180 nghìn người tham gia.
Thời gian qua, BHXH tỉnh Quảng Nam đã thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua 3 hình thức gồm trực tiếp tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh và BHXH cấp huyện; qua dịch vụ bưu chính công ích (chi phí do cơ quan BHXH chi trả) và qua giao dịch điện tử. Hầu hết hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đều tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả kịp thời.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tiếp tục duy trì làm việc vào sáng thứ Bảy hằng tuần tại BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã, thành phố theo Quyết định số 125 ngày 28/1/2011 của BHXH Việt Nam.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn năm 2022 đạt 97,71%. Tỷ lệ giao dịch điện tử trong thực hiện chính sách BHXH năm 2022 đạt 92,92% (tăng 8,5% với năm 2018). Các chính sách BHXH đã thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Có 63 dịch vụ công trong tổng số 25 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành.
Đồng thời trong năm 2022, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến trong việc đóng tiếp BHXH tự nguyện (thanh toán trực tuyến); thực hiện chi trả chế độ trợ cấp BHXH thất nghiệp trên cổng dịch vụ công quốc gia. Việc triển khai các dịch vụ công đã giảm rất nhiều thời gian đi lại và nộp hồ sơ cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Nỗ lực vượt khó
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết 28 cũng gặp nhiều khó khăn phát sinh. Đơn cử: hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH bắt buộc, tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định hiện hành chưa thực sự phù hợp và chưa tương thích để tạo động lực cho người lao động, người sử dụng lao động tham gia nên việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH gặp nhiều khó khăn.
Các chế độ BHXH chưa thể hiện đầy đủ nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng - bình đẳng, chia sẻ - bền vững. Các chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, đang tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức...
Tỷ lệ người tham gia BHXH, BHTN còn thấp so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28, Chương trình số 17 của Tỉnh ủy và lực lượng lao động trong độ tuổi của tỉnh. Việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện tuy có chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng số người tham gia vẫn còn hạn chế...
Tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH còn xảy ra, nhất là tình hình nợ BHXH, BHTN kéo dài, với số lượng lớn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết năm 2022, các đơn vị sử dụng lao động để nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 161 tỷ đồng, chiếm 3,42% số phải thu.
Chính sách về tiền lương và cách tính lương hưu vẫn còn bất cập, điển hình như đối với giáo viên mầm non thuộc diện truy thu BHXH từ năm 1995, thậm chí có người xin bỏ thời gian đã đóng BHXH trước đó để tiền lương hưu được hưởng cao hơn.
Việc thẩm định hồ sơ và chi trả BHTN vẫn chưa chặt chẽ. Nhiều trường hợp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, BHXH tỉnh đã báo cáo Sở LĐ-TB&XH để ban hành quyết định chấm dứt, hủy hưởng hoặc thu hồi.
Tính đến 31/12/2022, có 2.829 lượt thu hồi, với số tiền hơn 10,4 tỷ đồng. Đã thu hồi 2.185 trường hợp với số tiền hơn 8,1 tỷ đồng, còn 644 trường hợp chưa thu hồi được với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2018 là 10.081 người, năm 2019 là 12.232 người, năm 2020 là 14.204 người, năm 2021 là 20.058 người, năm 2022 là 13.448 người.
Cần điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn
Chia sẻ và đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam nói:
Trước tiên cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm để được hưởng chế độ hưu trí. Bổ sung quy định đối tượng là người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia BHXH bắt buộc, đóng đầy đủ các quỹ BHXH với mức lương hiện hưởng để được hưởng các chế độ như cán bộ, công chức, viên chức khác.
Bổ sung các chính sách, chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện như chế độ tai nạn rủi ro…; đồng thời bổ sung chế độ được cấp thẻ BHYT khi tham gia BHXH tự nguyện từ 5 năm trở lên.
Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ BHXH 1 lần nhằm phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, hạn chế tối đa số người thoát khỏi lưới an sinh do đã nhận BHXH một lần mà không nhận được chế độ hưu trí.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, ban hành chính sách về chế độ tiền lương hưu đối với giáo viên mầm non thuộc diện truy đóng BHXH phù hợp với tình hình thực tế.
Trung ương cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện không trái với Bộ Luật lao động, các luật liên quan; hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp bị nợ đọng BHXH, doanh nghiệp có chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích.
Với việc thực hiện Nghị quyết 28, chúng tôi đề xuất cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng đối với việc triển khai thực hiện chính sách BHXH.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức về BHXH, BHTN, tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách BHXH.
Các cấp ngành, nhân dân tiếp tục tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH. Cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công tác phối hợp thực hiện chính sách BHXH.
Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, giám sát, kiến nghị việc thực hiện chính sách BHXH đảm bảo theo đúng quy định. Trong thực tế cần nâng thêm mức hỗ trợ đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện từ nguồn ngân sách địa phương (nhất là với đối tượng yếu thế trong xã hội).