Mạnh tay với quy hoạch "treo"

NGUYÊN ĐOAN 15/03/2023 08:26

Câu chuyện quy hoạch “treo” đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều hộ gia đình ở vùng Đông của tỉnh vì đi không được, ở cũng không xong. Rất nhiều kiến nghị của cử tri về giải quyết dứt điểm trình trạng các dự án đầu tư “treo” trong nhiều năm...

Một dự án khai thác quỹ đất tại Điện Bàn bị “treo” nhiều năm gây lãng phí nguồn lực đất đai. Ảnh: P.V
Một dự án khai thác quỹ đất tại Điện Bàn bị “treo” nhiều năm gây lãng phí nguồn lực đất đai. Ảnh: P.V

Quy hoạch “treo” làm cho công dân bị hạn chế thậm chí không thể thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật. Tối thiểu là nhu cầu tách thửa cho các con có đất làm nhà ổn định cuộc sống sau khi đã lập gia đình của nhiều bậc cha mẹ cũng không thực hiện được. Có gia đình với 3 - 4 thế hệ phải sinh sống chen chúc, bất tiện dưới cùng mái nhà, chỉ vì đất nằm trong vùng quy hoạch dự án bị “treo”.

Cần thống nhất trong triển khai

Ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ cho hay, hiện nay việc thực thi chính sách đất đai không đồng bộ giữa các địa phương. “Có rất nhiều chính sách, trong đó có chính sách về bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp, mỗi nơi làm một kiểu. Hiện đơn giá quy định 1m2 đất chỉ có 357 nghìn đồng, bao gồm cả chính sách chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng một số tỉnh miền Nam có nơi hỗ trợ đến 3 triệu đồng/m2. Đây là sự thiếu thống nhất giữa các văn bản cụ thể hóa Luật Đất đai của các địa phương, do đó cần phải điều chỉnh” - ông Trai nói.

T.C - H.Q

Theo ông Phạm Bá Sang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Sơn (Tam Kỳ), nhiều ý kiến người dân góp ý dự thảo Luật Đất đai cho rằng, khi quy hoạch đất đai phải công khai đến nhân dân để giám sát.

“Quy hoạch thời gian thực hiện dự án về phát triển kinh tế 3 năm; nhưng sau 3 năm không thực hiện thì báo cáo cấp tỉnh hủy bỏ chứ cấp huyện không được điều chỉnh. Nếu quy hoạch quá 5 năm thì người dân có quyền xây dựng nhà ở, tách thửa cho con cái” - ông Sang nói.

Ông Đoàn Văn Tri - Tư vấn viên Trung tâm Tư vấn pháp lý (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, dự thảo lần này đã làm rõ việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ Điều 60 đến Điều 76. Trong đó việc tổ chức thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quy định tại các khoản 2, 3, 4, Điều 74 dự thảo Luật Đất đai đã giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong cuộc sống.

Tại khoản 5 Điều 74 quy định: “Hằng năm UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, Bộ TN-MT”.

Quy định này đã tháo gỡ nút thắt về việc cơ quan có thẩm quyền thường xuyên (hằng năm) rà soát, xử lý, công khai việc hủy bỏ, thu hồi, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện.

Quy định trên là cần thiết để hạn chế, tiến đến ngăn chặn có hiệu quả các trường hợp lập dự án để đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, sau đó thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng chậm triển khai (chờ chuyển nhượng dự án, hoặc huy động vốn…), kéo dài gấp 2 - 3 lần thời gian thực hiện dự án được phê duyệt và quá thời hạn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng không được rà soát, điều chỉnh hoặc hủy bỏ.

Theo ông Tri, UBND cấp tỉnh giao quyền/phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện và báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ TN-MT công khai trên cổng thông tin của UBND tỉnh và Bộ TN-MT. Bởi căn cứ kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, việc thu hồi đất của tổ chức, cá nhân, chuyển mục đích sử dụng đất của từng thửa đất, từng chủ sử dụng đều phải qua cơ quan quản lý đất đai và UBND cấp xã, cấp huyện.

“Do đó, việc cập nhật thông tin, đăng ký, chỉnh lý biến động hằng năm tại cấp huyện vừa trực tiếp, thuận lợi và nhanh hơn các cơ quan quản lý đất đai, UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh thực hiện quyền giám sát, xử lý kết quả rà soát do cấp huyện trình” - ông Trí nói.

Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ThS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Quy hoạch, Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT) đề nghị sửa lại khoản 5, Điều 60 thành: “Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến địa bàn cấp xã”.

Ông Hiếu luận giải, việc quy định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất sẽ gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lập cũng như triển khai thực hiện quy hoạch.

Ngoài quy hoạch sử dụng đất, để triển khai các dự án đầu tư còn có các quy hoạch xây dựng chi tiết thể hiện rõ các khu chức năng, diện tích, ranh giới... Do vậy, quy hoạch sử dụng đất nên quy định mang tính chất định hướng và tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ, bảo đảm tính linh động trong quá trình thực hiện.

NGUYÊN ĐOAN