Đình làng Phước Sơn
(VHQN) - Đình làng Phước Sơn (khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) là di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân nơi đây.
Đình làng Phước Sơn được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 5/1/2023. Vào ngày Rằm tháng Giêng (5/2) vừa qua, người dân làng Phước Sơn đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh trong niềm vui của mỗi người.
Lai lịch đình làng
Nội dung của tấm bia đá hiện lưu giữ tại đình làng Phước Sơn cho biết, đình được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740) dưới thời vua Lê Hiển Tông. Lúc bấy giờ, dinh thờ được làm bằng gỗ, lợp tranh và gọi tên là “Phước Lãnh Hương Đình”. Địa điểm dân làng chọn để dựng dinh thờ ngay trên khu đất rộng 500m2 mà ông Nguyễn Phủ Quân (tiền hiền làng Phước Sơn) từng cư ngụ.
Theo các vị cao niên làng Phước Sơn, sau khi dinh được dựng lên một thời gian thì có một biến cố lớn xảy ra. Đó là trong một lần phát cây, đốt rẫy để làm nương, người dân đã vô tình để đám cháy lan rộng làm cháy luôn cả dinh thờ.
Sau khi đám cháy được dập tắt, những gì còn sót lại là hai tấm bia đá khắc bằng chữ Nho và những cây cột bị cháy sém. Từ đó, người dân gọi dinh thờ này bằng một cái tên mới là Đình Cháy và cái tên này vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.
Khoảng đầu năm 1800, nhằm phòng tránh hỏa hoạn về sau, dân làng đã chọn một khu đất trên Cồn Đình, bên bờ phía đông con suối Ba Loai (hiện thuộc tổ 11, khối phố Phước Sơn) để lập dựng lại dinh thờ mới và đặt tên là đình làng Phước Sơn.
Ông Phạm Đình Kim - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khối phố Phước Sơn cho biết, đình làng Phước Sơn không những là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, thờ cúng, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân mà còn là chứng nhân của bao sự kiện lịch sử bi hùng của làng xã, của quê hương.
Đình làng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Quảng Nam nói chung, mảnh đất Hiệp Đức nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong khuôn viên đình làng Phước Sơn còn có nhà sinh hoạt văn hóa, nơi diễn ra các cuộc họp, hoạt động văn hóa, văn nghệ của khối phố.
Gửi gắm mong ước an cư, lạc nghiệp
Chia sẻ về điểm đặc biệt của vùng đất Phước Sơn, ông Mâu Xuân Châu (82 tuổi, tổ 12, khối phố Phước Sơn) cho biết, đây tuy là vùng đất nhỏ hẹp, nhưng thuận lợi phát triển các nghề nông, lâm, thủy sản, giao thương đường thủy giữa miền núi với miền xuôi. Những người làm nghề buôn bán gốc Việt, gốc Hoa từ Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn cũng đã lần lượt lên làng Phước Sơn an cư lập nghiệp.
An cư tại vùng đất mới, người dân vẫn chia thành bốn phái mà không theo địa giới. Đó là phái Làng (gồm những người gốc tại làng Phước Sơn), phái Vạn (gồm những người sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông nước), phái Nguồn (gồm những người làm nghề buôn bán), phái Ban (gồm những người gốc Hoa ở phố cổ Hội An di cư lên)...
Trải những thăng trầm của thời cuộc, thiên tai, chiến tranh, đình làng Phước Sơn đã qua 5 lần trùng tu.
Ông Mâu Xuân Châu cho biết, dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm, người dân làng Phước Sơn đều chuẩn bị lễ vật, tập trung về khu vực nền đình Phước Sơn, dựng lều để tổ chức lễ cúng, dâng hương tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền hiền, hậu hiền, các vị thần có công phù hộ, độ trì cho dân làng...
“Ngày trước, cuộc sống còn gian khó, đến ngày Rằm tháng Giêng, bà con vào rừng săn thú, ra sông bắt cá để chế biến những món ăn ngon dâng lên các bậc tiền hiền. Khi chưa xây dựng đình, người dân chỉ trải lá chuối để đặt phẩm vật cúng” - ông Châu nhớ lại.
Vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, con cháu làng Phước Sơn từ mọi miền đều tập trung về đình làng để tham gia lễ cúng. Đình làng đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh ý nghĩa của người dân. Ngày Rằm, mùng Một hay lễ tết, người dân thường đến đình làng để gửi gắm mong ước, cầu mong sự bình an trong cuộc sống.