Chờ đợi ở một thể loại nhiếp ảnh mới

BẢO ANH 13/03/2023 08:19

Thay vì hướng ống kính về phía những cái có sẵn trong cuộc sống và bấm máy, giờ đây việc sáng tác ảnh bằng cách “hướng ống kính vào tâm tưởng của mình và... chụp” đang là xu hướng được nhiều người quan tâm. Thể loại ảnh có phương thức “chụp” kỳ lạ này được định danh là ảnh ý tưởng, còn có tên gọi khác là ảnh ý niệm, ảnh đồ họa.

Bánh xe thời gian. Ảnh ý tưởng của Lê Trọng Khang, được chọn trưng bày ở hạng mục ảnh ý tưởng tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 - VN2023.
Bánh xe thời gian. Ảnh ý tưởng của Lê Trọng Khang, được chọn trưng bày ở hạng mục ảnh ý tưởng tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 - VN2023.

Cuộc chơi kỳ thú

Ở Quảng Nam, người tiếp cận, thử sức mình với ảnh ý tưởng vào loại sớm nhất và giành được những thành công nhất định là nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) trẻ Lê Trọng Khang. Từ năm 2016, anh đã thử mày mò dàn dựng, sắp đặt hình ảnh trên nền những cái sẵn có để chụp, rồi dần dần tiến đến việc hình thành những ý tưởng sắp đặt hoàn toàn mới, chưa có trong thực tế hoặc đã có nhưng chưa được kết nối, bố trí vào chung trong một chỉnh thể... để chụp.

Lúc bấy giờ, ở Việt Nam ảnh ý tưởng chưa được nhìn nhận như một thể loại độc lập nên những bức ảnh được chụp từ những hình ảnh được hình thành từ ý tưởng của anh thường được công bố không kèm theo định danh thể loại. Cho đến năm 2019, tại Festival nhiếp ảnh trẻ toàn quốc - ảnh ý tưởng của Khang chính thức được gọi tên là “ảnh ý tưởng”.

Năm đó, bức ảnh “Ô nhiễm trắng” của Khang, được dàn dựng và chụp trên nền ý tưởng về những âu lo chung quanh tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa, đã được vinh danh. Năm 2020, thêm một tác phẩm ảnh ý tưởng khác của Lê Trọng Khang là “Nốt hạnh phúc” được vinh danh, với việc giành được tấm huy chương vàng duy nhất tại Liên hoan ảnh nghệ thuật truyền thống TP.Hồ Chí Minh lần thứ 45.

“Thật sự rất thú vị khi được tự do sáng tạo theo ý tưởng chủ quan để gửi gắm thông điệp, suy nghĩ của mình về cuộc sống. Đó là một việc làm không đơn giản nhưng hấp dẫn và đặc biệt là rất vui khi ý tưởng của mình được ghi nhận và chia sẻ” - Lê Trọng Khang tâm sự.

Cũng vậy, một số NSNA trẻ khác của Quảng Nam đã tiếp cận và thử sức mình với ảnh ý tưởng. Thừa nhận đây là một thể loại hấp dẫn, kỳ thú và... không đơn giản nên tất cả đều thử nghiệm khá thận trọng và chậm rãi. Bởi lẽ, với nhiếp ảnh truyền thống, hoạt động sáng tạo dựa vào, khai thác hoàn toàn từ những cái có sẵn trong cuộc sống chung quanh.

Còn với ảnh ý tưởng, mọi thứ nằm trong suy nghĩ, tính toán của người sáng tác. Để có được một bức ảnh, chủ thể sáng tạo phải tìm tòi, xây dựng ý tưởng, tiếp theo là thiết kế, dàn dựng, chụp, rồi chỉnh sửa để bức ảnh ấy trở thành một tác phẩm đúng nghĩa, “có hình, có chuyện, nói được điều muốn nói”...

Theo NSNA Huỳnh Hà, mặc dù sự tưởng tượng, hình thành ý tưởng cho ảnh ý tưởng là không có giới hạn, nhưng việc xây dựng ý tưởng để thiết kế hình ảnh cho việc sáng tác ảnh ý tưởng vẫn không hề đơn giản. Bởi lẽ, nếu không khéo thì ý tưởng, hình ảnh mình tạo dựng nên trong tác phẩm ảnh trở nên vô bổ, không chuyển tải được một thông điệp, một ý nghĩa nào. Một khi khắc chế, tránh được “cái bẫy” đó, cuộc chơi sẽ trở nên rất hấp dẫn, hứng khởi và nhiều cảm xúc.

Dư địa lớn cho sáng tạo

Năm 2023 này, lần đầu tiên Hội NSNA Việt Nam dành một hạng mục thi riêng cho thể loại ảnh ý tưởng tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 - VN2023. Có lẽ do còn khá mới mẻ, số người tham gia chưa nhiều và lượng tác phẩm “đủ chuẩn” cũng không lớn nên ở hạng mục này, chỉ có 58 tác phẩm lọt vào vòng triển lãm, xét giải (trong khi ảnh “truyền thống” có gần 300 tác phẩm được chọn).

Vũ điệu tinh khôi. Ảnh ý tưởng của Huỳnh Hà, được chọn trưng bày ở hạng mục ảnh ý tưởng tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 - VN2023.
Vũ điệu tinh khôi. Ảnh ý tưởng của Huỳnh Hà, được chọn trưng bày ở hạng mục ảnh ý tưởng tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 - VN2023.

Ở Quảng Nam, ngoài một số tác giả trẻ, đến lúc này ảnh ý tưởng vẫn khá lạ lẫm đối với đa số hội viên nhiếp ảnh. Tuy nhiên, trên thực tế, trong hoạt động sáng tác ảnh lâu nay, không ít NSNA của Quảng Nam đã có những thao tác sáng tạo gần giống với “quy trình” sáng tạo ảnh ý tưởng; qua đó tạo ra được những tác phẩm có thể xếp vào thể loại ảnh ý tưởng.

Đó là những bức ảnh hiện thực được can thiệp, xử lý bằng các phần mềm chuyên dụng, hay những bức ảnh được chụp sau khi chủ thể sáng tạo lập bố cục, dàn dựng, bổ sung chi tiết trên khung cảnh thực. Cá biệt, có những bức ảnh được chụp hoàn toàn tự nhiên, không có bất cứ sự dàn dựng nào trên thực tế, cũng không hề được can thiệp, chỉnh sửa hậu kỳ, song tác phẩm lại không khác gì ảnh ý tưởng...

Vì vậy, theo NSNA Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam, mảnh đất cho sáng tạo ảnh ý tưởng là rất rộng và hầu như ai cũng có thể có được những bức ảnh ý tưởng - được chụp có chủ ý hoặc tình cờ.

“Tất nhiên, ảnh ý tưởng có những yêu cầu thể loại mang tính chuyên sâu riêng và khá khắt khe cả về nghệ thuật lẫn kỹ thuật, nên có thể nói không phải ai cũng có thể sáng tác được những bức ảnh ý tưởng đúng nghĩa” - NSNA Đặng Kế Đông nói thêm.

Cũng theo NSNA Đặng Kế Đông, dù còn mới mẻ nhưng với tinh thần dám tìm tòi, thử sức với cái mới - vốn là giá trị mang tính truyền thống của nhiếp ảnh xứ Quảng, thời gian tới chắc chắn sẽ có sự hiện diện của ảnh ý tưởng nhiều hơn, phong phú và đúng nghĩa hơn. Và một trong những tín hiệu để củng cố niềm hy vọng ấy là từ cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 - VN2023: Quảng Nam có tới 3 tác giả có tác phẩm được chọn vào vòng triển lãm, xét giải: Lê Trọng Khang, Huỳnh Hà, Nguyễn Hữu Khiêm.

BẢO ANH