Chính phủ Anh giảm thiểu tác động sau vụ sụp đổ SVB
(QNO) - Ngày 11/3/2023, Silicon Valley Bank - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ gây chấn động khi tuyên bố phá sản. Chính phủ Anh điều phối cuộc họp khẩn cấp với các công ty công nghệ để ngăn chặn hiệu ứng domino đối với hàng trăm công ty.
"Địa chấn" SVB
Silicon Valley Bank (Ngân hàng thung lũng Silicon, gọi tắt SVB) - là một trong những ngân hàng lớn nhất thung lũng Silicon (Mỹ) với tài sản khoảng 209 tỷ USD. Ngân hàng sụp đổ khiến nhiều công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ lo lắng về số tiền của họ tại SVB.
Đây cũng là ngân hàng chuyên cung cấp vốn cho các công ty công nghệ vay tiền, cung cấp nhiều dịch vụ cho vốn mạo hiểm.
Theo các nhà phân tích, SVB bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy thoái của cổ phiếu công nghệ trong năm qua cũng như kế hoạch tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ để chống lạm phát.
Bởi, SVB đầu tư quá nhiều vào trái phiếu và tiêu tốn khá nhiều tiền vào các khoản đầu tư mạo hiểm nhưng không có lãi. Công ty mất khả năng thanh toán trong khi không tìm được nhà đầu tư bên ngoài.
Sự sụp đổ của SVB là thất bại lớn nhất của một tổ chức tài chính kể từ khi Ngân hàng Washington Mutual (Mỹ) sụp đổ ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.
Sau đó, các cơ quan quản lý áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về vốn đối với các ngân hàng Mỹ nhằm đảm bảo sự sụp đổ của từng ngân hàng sẽ không gây hại cho hệ thống tài chính và nền kinh tế rộng lớn hơn.
Các chuyên gia cho rằng vụ SVB không phải là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khác. Nhưng lo lắng là tâm lý chung của những công ty và cá nhân gửi tiền tại SVB.
Nỗ lực của Chính phủ Anh
Theo báo Guardian, Chính phủ Vương quốc Anh điều phối một cuộc họp khẩn cấp với các công ty công nghệ để tránh sự phá sản của hàng trăm công ty sau khi SVB UK - công ty con của SVC tại Anh dừng hoạt động.
Bộ trưởng Tài chính Anh - Jeremy Hunt cũng có cuộc nói chuyện với Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey chỉ vài giờ sau sự sụp đổ công ty mẹ của SVB UK.
"Chính phủ nhận ra rằng các công ty trong lĩnh vực công nghệ thường không có dòng tiền dương khi họ phát triển và họ dựa vào tiền mặt từ tiền gửi để trang trải chi phí hàng ngày" - ông Jeremy Hunt nói.
Ngày 11/3, Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) thông báo đang nỗ giảm thiểu hiệu ứng domino phá sản của các công ty công nghệ tại Anh.
Theo Reuters, hơn 250 giám đốc điều hành của công ty công nghệ Vương quốc Anh đã ký một lá thư gửi tới Bộ trưởng tài chính Anh kêu gọi sự can thiệp của Chính phủ.
"Hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động với lợi nhuận rất tốt trong nền kinh tế hiện tại và sự lây lan từ những vụ vỡ nợ ban đầu sẽ rất lớn và tác động đến nền kinh tế, vượt xa lĩnh vực công nghệ", bức thư có đoạn viết.
Sky News đưa tin, Ngân hàng Luân Đôn đang xem xét một gói thầu giải cứu chi nhánh SVB UK.
Theo thủ tục phá sản đối với các ngân hàng ở Anh, người gửi tiền đủ điều kiện nhận khoản bồi thường lên tới 85 nghìn bảng Anh (102.000 USD) cho tiền gửi tại ngân hàng hoặc 170 nghìn bảng Anh cho các tài khoản chung.
Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ Anh đang thảo luận với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và cho biết các vấn đề đang ảnh hưởng tới SVB chỉ liên quan trực tiếp tới ngân hàng này và không có tác động tới những ngân hàng khác hoạt động tại Anh.