Làm rõ cơ chế thu hồi đất và xây dựng bảng giá đất
(QNO) - Nhiều trường hợp bị thu hồi đất ở nhưng không được hưởng cơ chế bố trí đất tái định cư (TĐC), trong khi muốn vào TĐC phải bỏ ra số tiền lớn so với giá trị thực nhận bồi thường (BT). Trong khi đó, bảng giá đất áp dụng mỗi nơi một kiểu nên góp ý dự Luật Đất đai sửa đổi, nhiều ý kiến đề xuất cần thống nhất trong cơ chế thu hồi đất và xây dựng bảng giá đất.
Tiền BT đất ở không đủ mua đất TĐC
Ông Nguyễn Hữu Phúc, thôn Phú Đông, xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) cho biết, nguyên trước đây gia đình ông được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tờ bản đồ số 24, thửa 277, diện tích 657m2 (đất ở 300m2, đất trồng cây lâu năm 327m2). Theo Quyết định số 5.600, ngày 16/11/2022 của UBND TP.Tam Kỳ, Nhà nước thu hồi diện tích đất của hộ ông Phúc 563,2/657m2 đất (300m2 đất ở và 263,2m2 đất trồng cây lâu năm) trên thửa đất số 277, tờ bản đồ số 24 để thực hiện dự án Khu dân cư – TĐC thôn Phú Đông (xã Tam Phú).
Theo đó, tổng số tiền Nhà nước BT đất, cây cối, hoa màu, hỗ trợ (HT) di dời…, cho gia đình ông gần 270 triệu đồng. Ông Phúc cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi đang thường trú tại thôn Phú Quý (xã Tam Phú), có ba người con đang ở chung với ba mẹ và chưa có đất ở cố định. Cho nên, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền quyền xem xét bố trí một lô TĐC 300m2 theo cơ chế đất đổi đất và Nhà nước hỗ trợ cấp quyền sử dụng đất và hỗ trợ tiền thuế phí chênh lệch”.
Theo ông Phúc, với số tiền BT, HT về đất ở, đất trồng cây lâu năm như hiện nay, thì chắc chắn gia đình ông không thể mua được lô đất TĐC tại chỗ theo giá phê duyệt của Nhà nước bởi số tiền nhận BT thấp hơn rất nhiều lần lô đất ở trong khu TĐC. Trong khi đó, cơ quan chức năng căn cứ theo các quy định, không giải quyết TĐC cho gia đình ông.
Ông Nguyễn Hữu Phúc phân trần, năm 2020, Tam Kỳ ra thông báo thu hồi đất nhưng đến 2022 mới có quyết định thu hồi và thành phố vận dụng cơ chế chính sách theo Quyết định số 42 ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh đã gây thiệt thòi quyền lợi cho gia đình ông.
Theo ông Nguyễn Văn Ba – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú, thực tế người dân nhận tiền BT về đất ở nhưng không đủ điều kiện để Nhà nước xem xét bố trí TĐC, họ phải nộp tiền chênh lệch sử dụng đất tại khu TĐC.
“Cho nên với các hộ dân thực sự có nhu cầu về đất ở khi bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, thì Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, hoặc cho nợ tiền sử dụng đất với thời gian phù hợp. Sửa đổi Luật Đất đai cần phải hướng đến chính sách thiết thực, cụ thể” - ông Nguyễn Văn Ba nói.
Tại xã Tam Phú, hầu hết dự án khu TĐC đều vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. 20 năm qua, nhiều người dân ở các khu TĐC trên địa bàn xã vẫn chưa được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp do rắc rối về hồ sơ pháp lý đất đai trước đây.
Cho nên, góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, bà Trần Thị Bình – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Phú đề nghị, Nhà nước cần quy chế rõ về thời gian đối với trường hợp điều chỉnh hồ sơ pháp lý về đất đai phần còn lại sau khi thu hồi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nơi ở cho người bị thu hồi đất. Quy định giá trị BT cụ thể đối với đất cùng một thửa, với đất ở.
Tại các diễn đàn góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều ý kiến đã chỉ ra sự bất hợp lý trong quá trình thu hồi đất, BT, HT, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp… Đồng thời, đề xuất với các dự án khai thác quỹ đất, khu dân cư, đô thị phải giảm sự chênh lệch lớn “giá BT” với “giá TĐC” và “giá giao dịch thực tế”.
Thống nhất một bảng giá đất
Theo UBND tỉnh, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện hành thì quy định có 3 loại giá đất (bảng giá đất, hệ số giá đất hằng năm và giá đất cụ thể), trong khi đó về nguyên tắc, phương pháp định giá đất quy định phải đảm bảo phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường nên phát sinh bất cập trong việc triển khai thực hiện, tiềm ẩn nhiều sai phạm đối với cán bộ thực thi nhiệm vụ và các khiếu nại, khiếu kiện có liên quan.
Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Quảng Nam đề nghị nên ban hành 1 loại giá đất để áp dụng cho tất cả trường hợp. Hiện nay tại Quảng Nam, sau khi UBND tỉnh có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì Sở TN-MT mới thực hiện các thủ tục xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (đối với các dự án thuộc thẩm quyền). Điều này đã dẫn đến bất cập trong việc thực hiện do không xác định được thời điểm và căn cứ để thực hiện thủ tục xác định giá đất.
Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ căn cứ, thời điểm tổ chức xác định giá đất để đảm bảo có giá đất và được ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định. Góp ý cho giá đất, ông Phạm Bê – nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai nói: “Dự thảo luật cần có quy định về phương pháp xác định giá đất cho phù hợp để có thể xác định giá đất trước khi có quyết định giao đất”.
Phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ TN-MT phối hợp tổ chức ngày 8/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mấu chốt là phương pháp tính toán, định giá đất. Bởi nếu định giá đất đai không chính xác sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.
Theo Phó Thủ tướng, hiện có 5 phương pháp định giá đất đai nhưng rất khó chính xác nếu không xây dựng được cơ sở dữ liệu rõ ràng, phản ánh, thống kê đầy đủ giá trị đất đai, hoạt động kinh doanh đất đai. Dữ liệu đất đai là cơ sở để xây dựng bảng giá đất sát với giá trị thị trường trong điều kiện bình thường, ổn định, có sự điều tiết của Nhà nước.
Thực tế, doanh nghiệp tự thỏa thuận, giá đền bù thường cao do lợi nhuận thu về lớn. Còn các dự án quy mô lớn do nhà nước thực hiện, thu hồi đất thường áp giá đền bù thấp hơn do phải đảm bảo sự công bằng, các mục tiêu, kể cả về lợi ích kinh tế, vấn đề xã hội và lâu dài. Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp tự thỏa thuận được giá đền bù thu hồi đất đối với dự án quy mô lớn, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng đất đai.