Gỡ điểm nghẽn mua sắm, đấu thầu thuốc
Nghị định 07 và Nghị quyết 30 vừa được Chính phủ ban hành trong các ngày 3 và 4/3 đã góp phần khơi thông nhiều điểm nghẽn về công tác mua sắm, đấu thầu thuốc tại các địa phương.
Chậm tổ chức đấu thầu
Ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Quảng Nam cho rằng, các cơ sở y tế công lập hiện nay đối diện với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng. Riêng BV Đa khoa tỉnh, mỗi ngày bình quân chuyển viện 30 - 40 bệnh nhân vì không có thuốc, vật tư y tế hay thiết bị đã hư hỏng không điều trị được.
Tháo gỡ khó khăn về tự chủ tài chính
Trước thực trạng các cơ sở y tế có hệ điều trị gặp khó khăn trong công tác tự chủ tài chính như phản ánh trong loạt bài “Tổng lực cải thiện y tế cơ sở” (Báo Quảng Nam đăng tải từ ngày 20 - 27/2), bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho biết, hiện nay, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 36 quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương năm 2022. Theo đó, các cơ sở y tế điều trị bảo đảm chi thường xuyên từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, trường hợp trong năm 2022, tiền lương của số lao động thực tế có mặt trong phạm vi chỉ tiêu biên chế nhà nước giao chiếm tỷ trọng lớn dẫn đến nguồn thu hoạt động dịch vụ không đảm bảo nhu cầu chi hoạt động thường xuyên theo quy định thì ngân sách phân bổ trên cơ sở giường bệnh thực tế với mức chi hoạt động thường xuyên là 65 triệu đồng/giường bệnh/năm, sau khi đã xác định dự toán thu, chi. Đồng thời để hỗ trợ các trung tâm y tế có hệ điều trị, Nghị quyết 36 đã sửa đổi theo cách quy định này được áp dụng kéo dài đến năm 2025.(X.H)
Trong khi đó, việc tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao năm 2023 - 2024 ở cấp địa phương lại mới chỉ trong giai đoạn thẩm định giá hoặc xác định giá kế hoạch, thậm chí có gói thầu mới chỉ xây dựng được danh mục. Đại diện Sở Y tế cho rằng, các vướng mắc này xuất phát từ việc thay đổi một số văn bản từ Bộ Y tế về căn cứ xây dựng giá kế hoạch làm chậm tiến độ xây dựng danh mục thầu cũng như khó khăn trong xây dựng giá kế hoạch.
Chưa kể, hướng dẫn xây dựng giá kế hoạch yêu cầu phải có 3 báo giá hoặc giá trúng thầu tối đa không quá 90 ngày. “Thời gian gần đây rất ít sở y tế, BV tổ chức đấu thầu, từ đó giá vật tư trên cổng điện tử của Bộ Y tế cập nhật không đầy đủ.
Vì vậy, việc chọn giá dự kiến cho các mặt hàng trong thời gian 90 ngày không đầy đủ và tốn rất nhiều thời gian tra cứu nên dẫn đến chậm trễ. Một số mặt hàng hóa chất, vật tư nhà cung cấp độc quyền trên toàn quốc nên rất khó để có 3 báo giá theo quy định” - đại diện Sở Y tế cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Tải - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Quảng Nam (Điện Bàn) cho rằng, công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế tại Quảng Nam năm nào cũng trễ. Do đó, cần có cơ chế với các đơn vị tự chủ, cũng như có văn bản cụ thể về phân cấp phê duyệt các gói thầu trong giai đoạn chờ kết quả các gói thầu tập trung.
Nhiều đơn vị đề xuất UBND tỉnh cho phép các cơ sở y tế là BV tuyến tỉnh tự đấu thầu và tự chịu trách nhiệm về các gói thầu do đơn vị tổ chức đấu thầu qua mạng. Bên cạnh đó, đề xuất cho phép Sở Y tế phê duyệt kết quả đấu thầu các gói thầu thuốc, vật tư, hóa chất và sinh phẩm có giá trị nhỏ hơn 1 tỷ đồng cho các đơn vị tuyến huyện...
Gỡ điểm nghẽn
Việc thiếu thuốc men, vật tư y tế xảy ra ở hầu khắp cơ sở y tế trên cả nước. Do vậy, trong hai ngày 3 và 4/3, Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu vật tư y tế và sẽ cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại nhiều BV thời gian qua.
Cụ thể, Nghị định 07 cho phép gia hạn các loại giấy phép liên quan mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) trong tình hình tiến độ cấp mới số lưu hành TTBYT chậm, không đáp ứng nhu cầu. Nghị định 07 cũng cho phép chỉ thực hiện kê khai giá đối với TTBYT khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thiết bị, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT)... Khác với trước đây, hơn 200.000 chủng loại TTBYT với nhiều cấu hình, tính năng kỹ thuật khác nhau phải được kê khai giá đầy đủ đã gây quá tải cho ngành y tế.
Với Nghị quyết 30, nhiều điểm nghẽn trong mua sắm, đấu thầu TTBYT cũng được tháo gỡ. Cụ thể, nghị quyết này sửa quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT như cho phép tiếp tục thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất; cho phép các cơ sở y tế được thanh toán BHYT và sử dụng các TTBYT đã được hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các TTBYT liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, nếu theo quy định trước đây, BV hay gặp vướng mắc khi phải tham khảo đủ 3 báo giá khi đấu thầu TTBYT thì với hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023, vấn đề này đã được tháo gỡ.
Theo đó, nếu chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá, BV được sử dụng các báo giá đã nhận được để xây dựng giá gói thầu. BV cũng được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối với trường hợp chỉ có một nhà (máy độc quyền) hoặc để đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ đơn vị khác...
Đây chính là cơ sở pháp lý để các cơ sở y tế bắt đầu triển khai công tác đấu thầu theo quy định. Ngành chức năng cần nhanh chóng tập huấn và hướng dẫn các cơ sở y tế, ban ngành liên quan triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30 để từng bước gỡ khó trước thực trạng thiếu thốn nghiêm trọng TTBYT như hiện nay...