Nhiều hạn chế trong phòng chống bệnh dại
Những năm qua, bệnh dại gây thiệt hại không nhỏ đối với động vật và đặc biệt là người. Trong khi đó, công tác phòng chống của ngành liên quan và chính quyền các địa phương còn nhiều hạn chế.
Nguy cơ cao
Ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam cho biết, giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 ổ bệnh dại động vật với 7 con bò và 30 con chó bị mắc ở 12 xã, thị trấn gồm: Bình Lâm, Bình Sơn, Thăng Phước (Hiệp Đức); Bình Trị, Bình Lãnh (Thăng Bình); Tà Pơơ, Thạnh Mỹ, Đắc Pree (Nam Giang); Tiên Hà, Tiên An (Tiên Phước); Quế Thuận, Quế Xuân 1 (Quế Sơn). Năm 2022, tiếp tục xuất hiện 4 ổ bệnh dại động vật ở 4 xã gồm: Trà Đốc (Bắc Trà My), Bình An (Thăng Bình), Bình Sơn (Hiệp Đức), Tam An (Phú Ninh) khiến 1 con bò và 10 con chó bị mắc bệnh.
Từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2/2023, tại xã Đại Hòa và Đại Thắng (Đại Lộc) có 2 con chó lên cơn dại cắn người. “Bệnh dại động vật xảy ra liên tiếp trong những năm qua, ở tất cả tháng trong năm và có chiều hướng gia tăng” - ông Hoàng nói.
Vừa qua, Sở NN&PTNT phối hợp Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030. Theo mục tiêu đặt ra, thời gian tới UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành liên quan, chính quyền các địa phương thống kê và báo cáo chính xác, bảo đảm quản lý được ít nhất 50% số hộ nuôi chó, mèo giai đoạn 2022 - 2025 và 70% số hộ nuôi chó, mèo giai đoạn 2026 - 2030.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, Quảng Nam phấn đấu tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đạt tỷ lệ hơn 70% tổng đàn và trong giai đoạn 2026 - 2030 đạt tỷ lệ 80%...
Hiện tổng đàn chó toàn tỉnh khoảng 141.000 con với gần 90.000 hộ nuôi. Hầu hết người dân nuôi chó theo hình thức thả rông, không đăng ký với chính quyền địa phương, chưa có cam kết hoặc có cam kết nhưng không thực hiện việc khai báo số chó nuôi theo đúng thực tế ở từng thời điểm nên không thể thống kê chính xác số hộ nuôi chó cũng như tổng số chó nuôi trong hộ dân. Đáng chú ý là phần lớn hộ dân không nuôi nhốt, xích chó, rọ mõm chó theo quy định.
Những năm qua, ngành thú y đã có nhiều cố gắng trong phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin, nhưng do hầu hết chó nuôi thả rông và người dân không tích cực hưởng ứng nên tỷ lệ chích ngừa bệnh dại đạt rất thấp, nhất là ở các huyện miền núi. Đó là nguyên nhân chính khiến bệnh dại tiềm ẩn, lan truyền dai dẳng trong cộng đồng.
Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho hay, giai đoạn 2010 - 2022 tại Tiên Phước, Thăng Bình, Núi Thành, Nông Sơn, Tam Kỳ, Phú Ninh, Quế Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My, Duy Xuyên, Hiệp Đức có tổng cộng 27 người tử vong do mắc bệnh dại. Trong đó, Tiên Phước có số người tử vong vì bệnh dại nhiều nhất, với 6 ca.
Khó kiểm soát
Trong năm 2022, tỷ lệ đàn chó và mèo được tiêm vắc xin phòng bệnh dại toàn tỉnh chỉ đạt bình quân gần 19,5%. Tam Kỳ, Hội An, Đại Lộc có tỷ lệ tiêm phòng đạt 70%, đây là mức cần thiết để đạt mục tiêu kế hoạch phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030. Bảy huyện gồm Bắc Trà My, Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh, Nam Trà My, Nông Sơn, Hiệp Đức tỷ lệ tiêm phòng chỉ từ 3 - 23,5%. Năm ngoái có 3 huyện không tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại là Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang.
Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh nhìn nhận, những năm qua công tác giám sát, chẩn đoán bệnh dại động vật cũng còn bị động. Nhiều địa phương không phát hiện được bệnh dại trên chó, hầu hết chỉ phát hiện sau khi có ca bệnh xảy ra trên người hoặc trên gia súc khác (bò).
Nhiều ý kiến cho rằng, các trường hợp người bị mắc bệnh dại và tử vong thường không xác định được tình trạng của súc vật gây ra vết thương. Nguyên nhân là chó chạy mất tích sau khi cắn người hoặc bị đập chết, cũng có trường hợp chủ nuôi chó không nhận là chó nhà nuôi vì e ngại với láng giềng và sợ phải bồi thường thiệt hại.
Vấn đề đáng quan tâm là không ít người bị chó cắn chưa hiểu rõ tác hại của bệnh dại hoặc vẫn còn chủ quan nên không đến các cơ sở y tế để điều trị dự phòng mà tới những nơi không được cơ quan y tế cấp phép để chữa trị bệnh dại. Một số người bị chó cắn đi điều trị dự phòng vẫn còn e ngại, cho rằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe...