Đan Mạch lưu trữ khí thải dưới đáy biển để giảm phát thải khí nhà kính
(QNO) - Đan Mạch vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lưu trữ khí thải CO2 dưới đáy biển, góp phần ngăn chặn sự nóng lên của trái đất.
Dự án Greensand
Hôm qua 8/3, Đan Mạch khai trương dự án Greensand để lưu trữ khí thải cácbon điôxít (CO2) ở độ sâu 1.800m dưới đáy Biển Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ, Thái tử Đan Mạch Frederik nói: "Hôm nay chúng tôi mở ra một chương mới cho Biển Bắc về phát triển xanh".
Dự án có tên Greensand do công ty hóa chất Ineos của Anh và công ty dầu khí Wintershall Dea của Đức làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ lưu trữ tới 8 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030.
Theo thống kê, hiện có hơn 200 dự án thu hồi và lưu trữ CO2 đang hoạt động hoặc đang được phát triển trên khắp thế giới. Tuy nhiên, không giống như các dự án khác lưu trữ lượng khí thải CO2 từ các khu công nghiệp gần đó, Greensand lưu trữ khí thải này từ nước ngoài.
Theo đại diện của dự án Greensand, đầu tiên, CO2 được thu giữ tại nguồn (Bỉ). Sau đó, CO2 được hóa lỏng và được vận chuyển bằng tàu với các thùng container nhưng có khả năng là bằng đường ống chuyên dụng đến mỏ Nini West và bơm vào bể chứa ở độ sâu 1.800m dưới đáy biển.
Chính quyền Đan Mạch đặt mục tiêu đạt được mức trung hòa CO2 sớm nhất là vào năm 2045 và cho biết Greensand là công cụ rất cần thiết trong bộ công cụ khí hậu của Đan Mạch.
Giám đốc điều hành công ty Ineos - Brian Gilvary khẳng định dự án có thể đáp ứng 40% yêu cầu của Đan Mạch để đạt số 0 ròng và có thể chiếm 2,5% hoặc tối đa 3% yêu cầu của châu Âu về giảm phát thải khí nhà kính.
Lợi thế Biển Bắc
Biển Bắc đặc biệt thích hợp cho loại dự án tương tự như Greensand vì khu vực có các đường ống dẫn và các địa điểm lưu trữ tiềm năng sau nhiều thập kỷ sản xuất dầu khí.
Ông Morten Jeppesen - Giám đốc Trung tâm công nghệ ngoài khơi Đan Mạch tại Đại học Kỹ thuật Đan Mạch (DTU) nói: "Các mỏ dầu khí cạn kiệt có nhiều lợi thế vì chúng được hiểu rõ và có sẵn cơ sở hạ tầng có thể được tái sử dụng".
Gần địa điểm Greensand, TotalEnergies của Pháp đang khám phá khả năng lưu giữ CO2 với mục tiêu giữ lại 5 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.
Na Uy - quốc gia láng giềng của Đan Mạch có các cơ sở lưu trữ và thu giữ CO2 đã đi vào hoạt động để bù đắp lượng khí thải tại Na Uy. Tuy nhiên, Na Uy sẽ nhận thêm hàng tấn CO2 hóa lỏng trong thời gian vài năm tới, được vận chuyển từ châu Âu bằng tàu.
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các quốc gia thành viên của EU thải ra 3,7 tỷ tấn khí nhà kính chỉ riêng trong năm 2022, số lượng được lưu trữ vì thế vẫn là một phần nhỏ trong tổng lượng khí thải.
[VIDEO] - Đan Mạch khai trương dự án lưu trữ khí thải CO2 ở độ sâu 1.800m tại Biển Bắc (nguồn YouTube):
Theo các chuyên gia, việc thu hồi và lưu giữ CO2 được xem là một trong các biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là đưa chúng vào lưu trữ trong các mỏ dầu khí đã hết hạn giai đoạn khai thác. Nếu không được thu hồi, CO2 đi vào khí quyển, làm tăng nhiệt độ của bề mặt trái đất.