Liên hiệp quốc đạt thỏa thuận về bảo vệ đại dương
(QNO) - Ngày 5/3/2023, sau hơn 10 năm đàm phán, các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc đã nhất trí về văn bản thỏa thuận hay hiệp ước quốc tế biển cả lịch sử nhằm bảo vệ đa dạng sinh học vùng biển quốc tế.
Vào năm 1982, Thỏa thuận quốc tế về bảo vệ đại dương hay Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được ký kết và chính thức đi vào hiệu lực vào năm 1994.
UNCLOS năm 1982 thiết lập một khu vực gọi là biển cả - vùng biển quốc tế nơi tất cả quốc gia có quyền đánh bắt cá, vận chuyển tàu và nghiên cứu nhưng chỉ có 1,2% vùng biển này được bảo vệ.
Trong khi đó, văn bản về thỏa thuận bảo vệ vùng biển quốc tế vừa được thông qua nhằm mục đích đặt 30% diện tích biển vào các khu vực được bảo vệ vào năm 2030 để bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học.
Hiệp ước sẽ cho phép thành lập các khu bảo tồn trong các vùng biển quốc tế, nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia cũng như buộc các quốc gia phải đánh giá tác động của các hoạt động được đề xuất trên đại dương đối với môi trường.
Theo các nhà phân tích, việc các quốc gia tìm được tiếng nói chung đi đến nhất trí văn bản thỏa thuận bảo vệ đa dạng sinh học ở biển cả vào cuối tuần qua sau 2 tuần đám phán tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ) là bước ngoặt lịch sử để bảo vệ vùng rộng lớn của hành tinh.
Tiến sĩ Rebecca Helm - nhà sinh vật học biển của Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết: "Việc bảo vệ một nửa bề mặt trái đất này là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của hành tinh chúng ta".
Bà Nichola Clark - chuyên gia về đại dương tại Pew Charitable Trusts và là một trong những người quan sát các cuộc đàm phán vừa qua ở New York gọi văn bản hiệp ước được chờ đợi từ lâu là một thắng lợi lớn cho đa dạng sinh học ở các đại dương.
Ông Steffi Lemke - Bộ trưởng Môi trường và bảo vệ người tiêu dùng của Đức nói: "Việc bảo vệ toàn diện các loài và môi trường sống có nguy cơ tuyệt chủng giờ đây có thể thực hiện trên gần một nửa bề mặt trái đất".
Bà Gladys Martínez de Lemos - Giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo vệ môi trường liên Mỹ tập trung vào các vấn đề môi trường trên khắp Mỹ La tinh đánh giá, thỏa thuận cũng giúp ích cho đa dạng sinh học ven biển và các nền kinh tế bao gồm sinh kế của các cộng đồng ven biển.
Tuy nhiên, con đường để thỏa thuận chính thức được thông qua vẫn còn ở phía trước. Thỏa thuận cần phải được đưa ra xem xét tại các cơ quan pháp lý và được dịch sang 6 ngôn ngữ chính thức của Liệp hiệp quốc bao gồm tiếng Ả-rập, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha.
[VIDEO] - Các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả (Nguồn: YouTube):
Theo đánh giá mới nhất về các loài sinh vật biển toàn cầu, gần 10% được phát hiện có nguy cơ tuyệt chủng. Nhà sinh vật học Malin Pinsky của Đại học Rutgers (Mỹ) khẳng định, đại dương không phải là nguồn tài nguyên vô hạn và đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu để sử dụng đại dương một cách bền vững.