Khóc ở… Trung Phường
Một gốc dừa lớn sõng soài mé nước, rễ đen dài, to lớn, những tua dài đùn lại rồi duỗi ra như tóc những nhân vật hit hop người da màu ở châu Mỹ. Một bao cát cột túm miệng, có lẽ để chần mái nhà nằm cạnh. Đá, rác, cả mấy thanh giường… Mọi thứ xâm xấp mặt nước, như bắt đầu mủn ra. Sắp đặt rời rạc nhưng điểm xuyết cho cái lạnh lẽo như tiếng thở dài gấp gãy, phụ họa cho ngôi nhà trắng như chòi ngắm sóng cô đơn, không người.
Nhà dưới đáy sông
Tôi cố nhớ. Tháng 5/2018 tôi tới đây, lúc đất ven biển Duy Hải (Duy Xuyên) đang sôi lên. Lúc đó hình như chưa có ngôi nhà này. Mé nước ở xa ngoài kia. Bên trái tôi là nhà bà Là. Lúc đó bà chuẩn bị bán cho ai đó, giá gần 3 tỷ đồng.
Ngôi nhà đó giờ không còn nữa. Cạnh nó là ngôi nhà chỉ còn một mảng tường cụt chừa lại cửa sổ hun hút, thông thống gió lùa, dưới chân ngổn ngang gạch vỡ, cỏ rác. Bà Là đã đi vào xóm trên, xây nhà.
Một người đàn ông chạy xe tới, cười mỉa: “Nhà báo thì làm chi, lở sạch hết rồi”. Tôi cố vớt: “Anh có nhà bị lở không?”. “Nó ở tuốt ngoài kia rồi”. “Chừng bao nhiêu mét”. “Hai chục mét”.
Ông đi, mắt không lộ biểu cảm. Tôi nghĩ chút mỉa mai không dành cho tôi, mà là biển. Chua chát và đau đớn. Nhà ông, như bao nhà, giờ nằm dưới đáy sông, có khi nó bị lôi tụt ra ngoài Cửa Đại rồi.
Sóng xé bờ, quăng quật, lôi tuồn tuột, nhấn chìm, nước chèn hết lên, sòng phẳng mọi thứ như chính gương mặt biển. Nó chỉ chừa lại ngôi nhà cô đơn màu trắng kia nhưng không đưa ra tờ lệnh… đáo hạn phải nộp mình.
Bùi Văn Anh - một thanh niên địa phương góp chuyện: “Họ xây 4 cái, sụp 3, còn cái đó, kiểu làm homestay đó anh. Nền nhà bằng chỗ mình đây, chừ ra ngoài kia, chừng 15m, họ làm móng kỹ nên lòi chân mà không sụp.
Em nhớ năm ngoái nó nghiêng, sóng lôi cát từ bờ ra, đẩy nó thăng bằng lại. Đó là nhà ông Dũng Tỵ bán lại cho ông nào đó”. Nhưng rồi sẽ sụp. Bùi Văn Anh ngồi xổm xuống, phóng mắt, đưa tay: “Em sinh năm 1990 khi nhà còn ở ngoài đó, tới 1998 bị lở mới lùi vô”. “Nhà chỗ nào ngoài đó?”.
Sóng bạc đầu nhấp nhô. Bùi Văn Anh chỉ: “Chỗ hai cái bù”. Bù là phao nổi, đứng gần cồn cát ở Cửa Đại. Từ đây ra đó khoảng 1km. “Em nhớ hồi đó đất rộng lắm, ngoài đó có sân banh” - rồi Anh nhẩm - “khoảng 10 nhà trôi sụp rồi”. Năm, bảy thúng chai máy sấp, ngửa. Anh ngó cái thúng, thêm: “Hồi đó tới chừ, 4 bận ôm thúng chạy chỗ để rồi”.
Bốn bận, nghĩa là đã 4 trận lở. Bà con nói mấy năm trước thì đỡ, nhưng cuối năm tới chừ, lở nhanh như chớp, lấn vô chừng 20m. Hễ trời động, sóng lớn, là lở. Nhà ai gần bờ, là chạy trối chết. Nhà ông Trần Văn Hai gần đó, phần trước sân đi ra tới bờ khoảng 50m, nhưng sau hè, bờ sóng đã ăn vô 500m2 đất vườn.
Anh Trần Văn Trung - con ông Hai, nói: “Kinh lắm anh, không biết nó hốt nhà khi nào”. Ngồi trên nền gạch, bà Phùng Thị Minh - vợ ông Hai, mắt đỏ hoe: “Đi thì thôi chứ về là tôi ra hè ngó sông rồi khóc. Khóc miết”.
Dùng dằng đi - ở
Nước mắt theo sông, hòa ra biển, như bọt, ích chi, vô nghĩa, vì biển đâu thèm giương mắt ngó, chẳng ậm ừ, chỉ có lòng người như muối xát.
Giọng bà Bùi Thị Hường - vợ ông Trương Công Trực nghẹn đi: “Rồi hắn sẽ lở tới, nhà đông con, đi rồi đất mô mà ở cho đủ”. Bà phân trần, nấn ná chưa vô tái định cư vì đất vườn rộng, làm hoa màu, nuôi con bò con gà cũng khỏe. Nhà bà Minh, 3 đứa con chưa tách hộ, tâm trạng không khác.
Đứng trên vạt đậu phụng mướt xanh, nắng chiều tạt qua bóng dừa in dấu trên mặt bà, khúc xạ trên lá đậu, tôi như thấy nước mắt bà có màu của đậu bị nắng che trong chập choạng mây mù, nó bợt ra, xám buồn, khác xa màu biển ngoài kia xanh ngạo nghễ.
Tại sao lở đã báo động, nhà cửa tạm bợ, mà họ chưa đi? Đơn giản, đất tái định cư có, nhưng đất của họ được giới buôn đất thổi lên nên họ chần chừ. Cách nhà bà Minh mấy căn, có một người vừa bán đất với giá 11 tỷ đồng. Vẫn nóng. Nhưng bà Minh thì… rầu. Năm ngoái họ định mua, nhưng đến giờ vẫn hẹn. Sóng biển đang ngoạm vào, ai dám mua nữa?
Tôi nhớ anh Anh lúc nãy cười: “Lở biển, chừ thêm mấy nhà gần đây lỡ khóc lỡ cười!”. Quỹ đất của xã có, họ sẽ di dời vào đó, mỗi nhà sẽ được 200m2 để làm. So với đất vườn hiện tại, là quá ít về diện tích lẫn giá trị, nhưng đành thôi, đó là quy định rồi.
Xót. Nếu không lở, họ sẽ ôm đống bạc khi bán. Hoặc không bán, họ sẽ cắt chia cho con, nhưng nằm trong quy hoạch thì không thể tách hộ, lập vườn. Thiệt cho họ quá. Trời không thương thì thua.
Sóng xé từ bến An Lương kéo xéo về đây. Từ đây nhìn qua Cửa Đại, cồn cát nhô lên thấy rõ. Cái cồn hình khủng long đó, làm khổ bao người từ dân đến chính quyền. Nó làm tai nạn chết người.
Nhưng khi nó không hiện hình, thì nó chụp hết biệt thự, nhà hàng phía Hội An, cả kè biển nữa. Nó nổi lên, lặn xuống theo quy luật dòng chảy, không ai tài giỏi khiến được nó. Nhưng dân Duy Hải ở đây sợ nó lắm. Nó hiện lên, dòng chảy bồi cát bên đó thì xé bên này. Te tua.
Nỗi niềm bãi ngang
Bên này hay bên kia, đều là tài sản, là ước mơ, là phận người gửi vào đó. Tôi đứng trên bờ, nhớ những đánh giá của giới khảo cổ về cảng Trung Phường xưa, từng là cảng thị của người Chămpa với nhiều hiện vật tìm thấy. Cái cảng đó giờ nằm đâu đó tới đáy sông, ngoài biển.
Một trăm năm sau hoặc hơn thế nữa, những đôi dép, thanh gỗ, viên gạch của bà con mấy năm rồi bị sóng cướp, biết đâu lại được coi là hiện vật của một thời kỳ con người làm ăn sinh sống? Giá trị của tương lai chẳng có nghĩa gì với nỗi đau khổ bây giờ, khi cái nhìn thất thần, ậng nước, lo thắt tim mùa biển động.
Mấy trăm năm trước, cha ông họ đã đến đây, cắm sào, dựng trại, đỏ lửa ven bờ để sống nổi nênh một đời dân rồi lập làng cất xóm, gửi mạch truyền đời vào đất, gửi khát vọng theo đuôi con cá mà mưu sinh và viết lên những trang sử làng sử nước. Hành trình dằng dặc của đời người được đo bằng cái nhìn mảnh vườn, căn nhà của họ đứng được bao lâu với thời gian, vậy hỏi làm sao không đau đớn khi phút chốc nó thành bọt sóng?
Nhưng, trời đất là vậy đó. Mấy trăm mấy ngàn năm trước, biết đâu chỗ căn nhà bị vùi dập hôm qua, là sông là biển. Cuộc dạo chơi dâu bể của tạo hóa, trong cái chớp mắt, nó đùn đất lên để một sinh vật gọi là người cựa quậy. Và bây giờ, nó lặp lại cuộc chơi. Đành chịu.
Ông Nguyễn Họp - Trưởng thôn Trung Phường nói: “Khổ lắm anh, cứ mưa gió lớn là mấy người ở đây đâu có dám ở. Chúng tôi họp, kiến nghị miết, nhưng chuyện lớn, đâu có dễ”.
Chuyện lớn là bởi, kè hay không Trung ương mới quyết định được. Chủ tịch UBND xã Duy Hải - ông Nguyễn Văn Thống nhẩm, rằng kè bờ là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT. Nó lở kéo dài chừng 2,5km, nếu kè thì tính ra tốn trên dưới 100 tỷ đồng. Chỉ có kè mới giữ được đất. Tất nhiên, đó là lý thuyết và để an dân. Còn di dời, tái định cư cho mấy hộ sát bờ biển là tất nhiên, chuyện gấp phải làm.
Nhưng cợm trong tôi những mảnh vỡ đớn đau của bờ kè Cửa Đại bên kia, tạo hóa mà, những cơn giận dữ đi kèm lời đáp trả, rằng “của thiên phải trả địa” đã bủa vây. Lại phải sống thuận thiên, đừng có dại mà xưng hùng bá đi ngược quy luật. Biết làm sao bây giờ…? Sáng hôm sau tôi ra bến bãi ngang, sóng bắt đầu lớn, lại nghe đợt không khí lạnh sắp vào.