Bài cuối: Không để người dân thiệt thòi

THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN 03/03/2023 04:24

Đề nghị điều chỉnh lại địa giới hành chính cho đúng với hiện trạng lịch sử trước khi thực hiện xác lập hồ sơ, bản đồ theo Chỉ thị 364 là nguyện vọng chung của người dân thôn 3, xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My). Các ý kiến từ cơ quan quản lý hành chính cũng cho rằng có sự sai sót trong xác lập ranh giới hành chính và việc giải quyết vướng mắc phải đảm bảo nguyên tắc lấy dân làm gốc.

Do vướng mắc về địa giới hành chính nên việc đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: C.Đ
Do vướng mắc về địa giới hành chính nên việc đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: C.Đ

Đề nghị điều chỉnh hơn 3.000ha

Sau khi xác lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Chị thị 364, vướng mắc về địa giới hành chính nảy sinh. Đường ĐGHC theo Chỉ thị 364 không trùng khớp với thực tế quản lý, canh tác, sinh sống tại địa phương.

Theo hồ sơ, bản đồ ĐGHC 364: một phần thôn 2 và toàn bộ thôn 3 với 232 hộ, 1.047 khẩu gồm 7 làng (làng Ông Tình, Ông Gieo, Ông Lâm, Tu Preo, Tu Riết, Tăk Du và làng Tăk Yêu) đang sinh sống và canh tác trên đất của xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Tổng diện tích khu vực tranh chấp là 6.198ha đất tự nhiên, với chiều dài toàn tuyến tranh chấp hơn 10km

Từ kết quả khảo sát của tổ công tác hai tỉnh Quảng Nam - Kon Tum cuối năm 2022, Sở Nội vụ có báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và cho biết, sau khi xác lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính (ĐGHC) theo Chỉ thị 364 thì nảy sinh vướng mắc khi đường ĐGHC không trùng khớp với thực tế quản lý, canh tác, sinh sống tại địa phương.

Tổng diện tích khu vực chồng lấn giữa thôn 3, xã Trà Vinh (Nam Trà My) với xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, Kon Tum) hơn 6.198ha. Trong phạm vi hơn 3.000ha mà Quảng Nam đề xuất phương án điều chỉnh ĐGHC theo thực tế sinh sống, canh tác của nhân dân, có 392,4ha đất các hộ gia đình xã Trà Vinh sinh sống, canh tác (đất lúa, đất trồng cây lâu năm, đất ở, trường học...).

Trong phạm vi này có 32,84ha là diện tích đất nhân dân xã Đăk Nên sản xuất đan xen với nhân dân xã Trà Vinh. Phần đất đan xen này nằm sát đường ranh giới đề xuất của tỉnh Quảng Nam.

Là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc xác lập hồ sơ ĐGHC theo Chỉ thị 364, với hơn 70% cử tri thôn 3, Trà Vinh tham gia bỏ phiếu thăm dò được Sở Nội vụ hai tỉnh Quảng Nam - Kon Tum tổ chức, có 99,3% trong số này đồng ý điều chỉnh ĐGHC theo hướng đưa phần diện tích đang sinh sống, canh tác về Quảng Nam; không đồng ý chuyển hộ tịch, hộ khẩu về Kon Tum.

Điểm trường số 2 của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Vinh là nơi khang trang nhất của người dân thôn 3 do một đơn vị hảo tâm tài trợ. Ảnh: Đ.C
Điểm trường số 2 của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Vinh là nơi khang trang nhất của người dân thôn 3 do một đơn vị hảo tâm tài trợ. Ảnh: Đ.C

Theo bà Phùng Thị Thương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Trà My, quan điểm của huyện, cũng như của người dân xã Trà Vinh là mong điều chỉnh lại ĐGHC theo ranh giới truyền thống trước kia. Đồng thời khẳng định, trong 392,4ha người dân đang sinh sống và canh tác xen lẫn với nhau, thật ra cũng không phải nguồn gốc đất của người xã Đăk Nên, mà do cha mẹ người xã Trà Vinh cho con dâu, hoặc rể là người xã Đăk Nên để canh tác, sinh sống.

“Bà con muốn ở ổn định tại vị trí cũ; canh tác, sản xuất ở đó, nhưng không muốn chuyển hộ khẩu, hộ tịch của mình thành người Kon Tum, vẫn mãi là người Quảng Nam. Vừa rồi dự án điện nông thôn tới thôn 3 xã Trà Vinh không làm được do vướng mắc ĐGHC này.

Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sớm giải quyết theo hướng đã thống nhất là điều chỉnh 3.001ha về Quảng Nam, để vừa phù hợp với nguyện vọng của người dân Trà Vinh, xác đúng với truyền thống và thực tế quản lý, canh tác đất đai của bà con” - bà Thương kiến nghị.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết thêm, khi Nam Trà My phát triển cây sâm Ngọc Linh thì người dân Trà Vinh đã vào rừng để trồng sâm. Hiện nay có 30 hộ trồng sâm trên đó, nên vấn đề cần rạch ròi về ĐGHC dần “nóng lên”, chứ giữa người dân hai xã Trà Vinh và Đăk Nên không xảy ra tranh chấp đất đai bởi có quan hệ sui gia rất gần gũi. Trong 392,4ha đất canh tác, sinh sống nêu trên có 4 hộ là dâu, rể người Đăk Nên.

“Do chồng lấn ĐGHC nên tất cả nguồn đầu tư rất khó khăn. Bây giờ, giữa thôn với nhau đi họp phải ghi giấy mời gửi trước ít nhất một ngày, chứ không có sóng điện thoại. Cuộc sống người dân vô cùng khó khăn” - ông Mẫn nói.

Không để người dân chịu thiệt thòi

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, ngày 9/11/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với UBND tỉnh Kon Tum để giải quyết các vướng mắc về ĐGHC giữa hai tỉnh. Tại buổi làm việc, UBND hai tỉnh chưa thống nhất được quan điểm xử lý (UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh ĐGHC theo thực tế sinh sống, canh tác của nhân dân; UBND tỉnh Kon Tum đề nghị giữ nguyên đường ĐGHC theo hồ sơ 364 đã được xác lập). Do đó, lãnh đạo hai tỉnh thống nhất đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ chủ trì giải quyết.

Cử tri thôn 3, xã Trà Vinh đi bỏ phiếu lấy ý kiến thăm dò về việc “đi hay ở lại” do Sở Nội vụ Quảng Nam và Kon Tum tổ chức cuối năm 2022. Ảnh: Đ.C
Cử tri thôn 3, xã Trà Vinh đi bỏ phiếu lấy ý kiến thăm dò về việc “đi hay ở lại” do Sở Nội vụ Quảng Nam và Kon Tum tổ chức cuối năm 2022. Ảnh: Đ.C

Trên cơ sở kết quả làm việc giữa hai tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ Nội vụ chủ trì giải quyết. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với tỉnh Kon Tum ký pháp lý hồ sơ, bản đồ ĐGHC để hoàn thành Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐGHC (Dự án 513) trước khi đề xuất giải quyết vướng mắc ĐGHC.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, chồng lấn ĐGHC giữa Quảng Nam - Kon Tum không có gì căng thẳng, vấn đề là tập trung giải quyết sớm để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Theo yêu cầu của Dự án 513, có một nội dung là điều chỉnh, giải quyết những vướng mắc trước đây do xác lập hồ sơ, bản đồ ĐGHC theo Chỉ thị 364. Trên cơ sở đó, số hóa cơ sở dữ liệu chung cho cả nước. Hai địa phương phải thống nhất giải quyết chống lấn ĐGHC bằng văn bản. Nguyện vọng người dân thôn 3, xã Trà Vinh muốn ở lại Quảng Nam, phía Kon Tum cũng biết. Họ thừa nhận dân này là người Quảng Nam, đất cũng vậy.

“Chúng ta cần làm hết trách nhiệm, theo đúng quy trình lấy ý kiến nhân dân. Hai bên tích cực phối hợp giải quyết vướng mắc ngay từ địa phương, nếu không tìm được thì đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì giải quyết” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Đường vào thôn 3, xã Trà Vinh chưa được đầu tư xây dựng, giao thương đi lại rất khó khăn. Ảnh: Đ.C
Đường vào thôn 3, xã Trà Vinh chưa được đầu tư xây dựng, giao thương đi lại rất khó khăn. Ảnh: Đ.C

Nhắc lại chuyến khảo sát thực tế tại khu vực chồng lấn ĐGHC vào giữa tháng 6/2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chia sẻ, nếu không xảy ra chồng lấn ĐGHC thì điều kiện giao thông đi lại của người dân thôn 3, xã Trà Vinh sẽ thuận lợi hơn.

Các công trình hạ tầng thiết yếu cũng sẽ được đầu tư xây dựng phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nguyện vọng của bà con đều muốn sinh sống ổn định trên đất Quảng Nam như lịch sử truyền thống từ bao đời nay.

Việc chồng lấn ĐGHC do cơ quan chức năng làm sai thì cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp theo tinh thần tôn trọng lịch sử truyền thống, phong tục tập quán, nguyện vọng chính đáng của người dân chịu tác động trực tiếp, vì mục tiêu cuối cùng ổn định cuộc sống của dân.

“Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND tỉnh làm việc với UBND tỉnh Kon Tum trao đổi lại các nội dung lần cuối để thống nhất phương án giải quyết, thể hiện rõ bằng văn bản. Nếu không tìm được tiếng nói chung thì hoàn chỉnh hồ sơ cùng thống nhất đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì giải quyết chồng lấn ĐGHC giữa hai địa phương” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nêu rõ.

Để giải quyết chồng lấn ĐHHC giữa hai địa phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Võ Xuân Ca cho rằng, phải trên tinh thần hết sức cầu thị, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người dân thôn 3, xã Trà Vinh, bởi họ là nạn nhân, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp do việc chồng lấn ĐGHC từ hơn 30 năm nay.

“Quyền lợi cuộc sống của người dân không được đảm bảo vì không được đầu tư các công trình hạ tầng. Vấn đề chồng lấn ĐGHC giữa hai tỉnh cần được giải quyết dứt điểm, không để kéo dài khiến người dân phải chịu thiệt thòi thêm nữa” - ông Võ Xuân Ca nêu quan điểm.

THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN