Lắng nghe hộ nghèo, cận nghèo

GIANG BIÊN 02/03/2023 07:44

Đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng đang được chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình thực hiện nghiêm túc trong những ngày qua. Từ nguyện vọng phù hợp, chính quyền địa phương phân công Mặt trận và các hội đoàn thể cùng vào cuộc hỗ trợ, giúp sức để các hộ thoát nghèo.

Hộ nghèo, cận nghèo xã Bình Trị bày tỏ nguyện vọng tại buổi đối thoại. Ảnh: G.B
Hộ nghèo, cận nghèo xã Bình Trị bày tỏ nguyện vọng tại buổi đối thoại. Ảnh: G.B

Tại hội nghị đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo mới đây, Mặt trận và các đoàn thể xã Bình Minh đã được nghe nhiều ý kiến, nguyện vọng từ nhiều hộ dân; trong đó có 2 hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo, 6 hộ mong muốn được hỗ trợ sửa chữa nhà và làm nhà mới.

Bà Phan Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho biết, đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo là một trong những bước quan trọng để lắng nghe xem hộ nghèo, cận nghèo cần gì.

“Những cuộc đối thoại này, chúng tôi đề nghị các cơ sở hội phải tham gia đầy đủ, ghi chép cẩn thận, sau đó nắm danh sách, nguyện vọng các hộ gửi về huyện hội để tổng hợp. Đến nay qua nắm tình hình, có 26 hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có nhu cầu hỗ trợ gà, bò giống sinh sản, máy may, cửa hàng tạp hóa để buôn bán” - bà Trang nói.

Năm 2022, hội LHPN xã, thị trấn trên địa bàn Thăng Bình đã giúp 44 hộ thoát nghèo, với số tiền hỗ trợ 383 triệu đồng. Hằng năm, hội LHPN các cấp đề xuất nguồn quỹ vì người nghèo của huyện, xã để giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo.

Hội thực hiện theo phương pháp đối ứng dựa trên nhu cầu cần hỗ trợ của hộ, cụ thể nguồn hỗ trợ từ Ban vận động Quỹ vì người nghèo huyện 60% và hội đối ứng 40%; riêng hộ làm nhà, sửa nhà được hỗ trợ 100%.

Cùng với nguồn đề xuất thì nguồn lực quan trọng và thường xuyên là vận động trong hội viên phụ nữ và các mạnh thường quân. Hằng năm, hội giao chỉ tiêu cho 22 cơ sở hội vận động mỗi hội viên phụ nữ tiết kiệm để ủng hộ xây dựng nguồn hỗ trợ phụ nữ nghèo của hội, qua đó đã vận động được từ 80 - 100 triệu đồng/năm/xã.

Hàng năm Hội LHPN huyện tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện làm hồ sơ giải ngân cho gần 300 hộ vay vốn. Tổng nguồn vốn đến nay đạt 272,3 tỷ đồng với 6.178 hộ vay, trong đó có hơn 2.000 lượt hộ nghèo được vay. Nhờ có nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, hội duy trì và xây dựng 21 mô hình thực hành tiết kiệm làm theo gương Bác, có hơn 2.600 thành viên, hàng năm thu được 80 - 90 triệu đồng và từ 3 - 4 tấn gạo để giúp hồi viên phụ nữ, trẻ em nghèo; duy trì 107 nhóm góp vốn quay vòng tại các chi, tổ hội, có 12.563 hội viên tham gia, với nguồn vốn tiết kiệm từ 10 - 30 triệu đồng/năm, đã giúp chị em đầu tư mua sắm dụng cụ sản xuất, con giống, sửa chữa nhà ở.

Năm 2022, toàn huyện Thăng Bình giảm được 105 hộ nghèo, đạt 140% chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy và HĐND huyện đề ra (75 hộ) và đạt 250% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao (42 hộ). Đến nay, toàn huyện giảm còn 1.397 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,5%.

Bà Võ Thị Ngọc Ánh – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình cho hay, năm 2023, huyện Thăng Bình phấn đấu giảm 52 hộ nghèo. Hiện nay, chỉ tiêu giảm nghèo của huyện cũng đã được giao cho các xã, thị trấn. Trong đó, giảm nhiều nhất là xã Bình Giang, Bình Trung, Bình Minh (4 hộ/xã).

Trên cơ sở này, các địa phương rà soát, tổ chức đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo và có các giải pháp hỗ trợ kịp thời để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

GIANG BIÊN