Các ưu tiên của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN
(QNO) - Với vai trò Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2023, Indonesia vừa công bố các ưu tiên của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC).
Ngày 28/2, phát biểu tại Hội nghị các quan chức cấp cao ASCC, Thứ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia kiêm Chủ tịch ASCC Warsito nhấn mạnh, ASEAN cần duy trì vai trò trung tâm và trở thành khu vực ổn định và thịnh vượng thông qua việc củng cố cấu trúc y tế, thúc đẩy phát triển nông thôn, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ và nâng cao năng lực lao động và tăng cường phát triển hòa nhập cho người khuyết tật.
Về việc tăng cường cấu trúc y tế, ASEAN cần ứng phó tốt hơn với các rủi ro sức khỏe trong khu vực.
Các khu nông thôn cần được trao quyền để giúp đẩy nhanh quá trình phát triển nông thôn tại khu vực ASEAN bằng cách khai thác các nền tảng hợp tác để chia sẻ kiến thức và các cơ hội hợp tác.
ASCC nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác môi trường để bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực khu vực để bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Để bảo vệ tốt hơn người lao động di cư ASEAN trên đất liền, trên biển và nâng cao năng lực của người lao động cho công việc tương lai, ASCC sẽ tăng cường bảo vệ quyền của người lao động nhập cư trong các tình huống khủng hoảng và trên các tàu cá, đồng thời thúc đẩy đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai.
Tăng cường phát triển hòa nhập cho người khuyết tật thông qua tăng cường quan hệ đối tác. Nhiệm vụ này sẽ đảm bảo quyền của người khuyết tật thông qua việc thực hiện Kế hoạch tổng thể hỗ trợ ASEAN 2025 và xa hơn.