Bài 1: "Sống gửi" trên đất Kon Tum

THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN 01/03/2023 06:57

Từ năm 2008 - 2021, các ngành của Quảng Nam và chính quyền Nam Trà My đã nhiều lần tổ chức làm việc với các ngành và địa phương liên quan của tỉnh Kon Tum nhưng vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết chồng lấn địa giới hành chính sau khi xác lập hồ sơ, bản đồ theo Chỉ thị 364 của Chính phủ. “Sống khổ” giữa vùng chồng lấn, nhiều người dân tha thiết chờ đợi một quyết định hợp lý.

Một góc thôn 3, xã Trà Vinh (hiện được xác định thuộc đất của Kon Tum). Ảnh: C.Đ
Một góc thôn 3, xã Trà Vinh (hiện được xác định thuộc đất của Kon Tum). Ảnh: C.Đ

Không đường, không điện, không hạ tầng và không biết số phận mình sẽ về đâu, rất nhiều cư dân của thôn 3 xã Trà Vinh (Nam Trà My) vẫn khắc khoải ngóng chờ quyết định cuối cùng về vấn đề chồng lấn địa giới hành chính. Những mảnh giấy tờ đã ố vàng, ám khói được mang ra, cùng với những tên đất, tên làng, chỉ để minh chứng một điều dường như đã đóng đinh vào ý niệm: Chúng tôi là con dân của Quảng Nam!

“Chúng tôi là con dân Quảng Nam”

Con xe máy “bộ phận nào cũng kêu, trừ cái còi” của Trần Văn Tiến, dân quân xã Trà Vinh chồm lên, thả tôi rơi tự do xuống một vũng bùn. Rất may, tôi kịp giơ chiếc máy ảnh lên cao để khỏi ướt, nhưng đôi kính cận bị gãy gọng, người ngợm lấm lem sau cú “hạ cánh” đột ngột. Tiến quay lại, cười như thanh minh: “Anh thông cảm, đường xấu quá”.

Chúng tôi và Tiến mất hơn một giờ đồng hồ từ trung tâm xã Trà Vinh để vào thôn 3 bằng con xe máy của Tiến. Những cú xóc lộn ruột. Đường rất xấu, nhiều đoạn tôi phải đi bộ ngược dốc trong khi Tiến thở hắt ra sau những đoạn đường phải gồng mình giữ lấy thăng bằng trên chiếc xe máy cũ. Đếm sơ sơ, có đến 12 đoạn suối.

“Suối nước Pương”, Tiến nói, chỉ tay vào một căn nhà gỗ nhỏ lọt thỏm giữa đồng lúa đang đoạn trổ đòng. Đó là rẫy của một người bà con, mà năm nào Tiến cũng vào phụ giúp họ thu hoạch. Tôi nhìn theo, một mái nhà gỗ nhỏ đã bạc màu. “Mấy chục năm rồi. Cứ đến mùa lúa là mình ở đó suốt” - Tiến nói.

Hết vật lộn với đèo dốc và đường xấu, rồi chông chênh trên cây cầu gỗ chỉ đủ cho chiếc xe máy lưu thông đan bằng dây thép bắc qua suối Tăk Meo, chúng tôi đến được điểm trường số 3 của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS xã Trà Vinh. Rất đông người dân đã chờ sẵn.

Đinh Thị Phuốn ngồi dưới một chòi gỗ đựng lúa, chờ bạn của mình. Vài ngày trước, Phuốn đã được thông báo về việc lấy ý kiến của người dân về vấn đề “đi hay ở”. Cô tưởng chúng tôi là cán bộ của phía Kon Tum tham gia khảo sát.

“Mình lớn lên, đi học ở đây, rồi xuống xã, ra trường nội trú ở Tăk Pỏ, từ nhỏ đến giờ là dân của xã Trà Vinh. Ai hỏi, mình cũng nói vậy thôi” - Phuốn nói, nửa khẳng định, nửa như giải thích về sự hiểu nhầm.

Nhiều ruộng rẫy cũ của người dân thôn 3 đã canh tác lâu đời. Ảnh: C.Đ
Nhiều ruộng rẫy cũ của người dân thôn 3 đã canh tác lâu đời. Ảnh: C.Đ

Không đủ chỗ ngồi cho đám đông đến tại điểm trường. Dường như không thể chờ đợi thêm vì sốt ruột, ngay sau khi lãnh đạo hai địa phương thông tin về việc lấy ý kiến cử tri, ông Nguyễn Minh Hải (thôn 3, xã Trà Vinh) cầm lấy micro, nói dõng dạc: “Người dân ở đây sinh sống đã bao nhiêu đời, chú ruột tôi hy sinh tại đây, mồ mả còn đó, không phải là đất Kon Tum mà là Quảng Nam - Đà Nẵng. Tôi nói rõ, cử tri ở đây không về Kon Tum”. Tiếng vỗ tay rộn lên.

Tôi hỏi một cán bộ xã Trà Vinh đi theo đoàn công tác. Anh nói, từ thôn 3 xuống xã chỉ khoảng gần mười cây số, lâu nay mọi chính sách bà con đều được hưởng với danh nghĩa con dân xã Trà Vinh.

Con cái học hành, người dân đi mua bán đều xuống xã, họ chỉ qua xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, Kon Tum) khi muốn thăm bà con, sui gia. Ít ai chọn con đường đi về xã Đăk Nên. Tiếp nối câu chuyện của cán bộ xã, ông Trần Hoàng Viên, người đứng ngay bên cạnh chúng tôi nói thêm, bố mẹ ông làm du kích của xã, theo cách mạng.

“Gia đình tôi bao đời sinh sống ở đây. Tôi mong muốn điều chỉnh để chúng tôi vẫn được ở Quảng Nam, vì anh em họ hàng đều còn đó, mồ mả người mất còn đó. Chúng tôi từ xưa đến nay quen thuộc, lâu đời rồi, là người Trà Vinh” - ông Viên nói.

Những cứ liệu lịch sử

Căn nhà nhỏ của ông Toàn, một người dân thôn 3 nằm chênh vênh trên sườn đồi. Ông Toàn lấy ra tờ giấy đã ám khói đen: Tấm bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký ngày 5/12/1977, ghi công liệt sĩ Đình Plôi, là đội viên du kích xã Trà Vân, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ông Toàn cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công của anh trai ông ghi địa chỉ ở Trà Vân, Nam Trà My. Ảnh: C.Đ
Ông Toàn cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công của anh trai ông ghi địa chỉ ở Trà Vân, Nam Trà My. Ảnh: C.Đ

Theo lời ông Toàn, liệt sĩ Plôi là anh ruột của ông, hy sinh ở suối Nước Cho. “Chúng tôi không ngờ mình đang sinh sống trên đất Kon Tum. Tôi muốn giữ hộ khẩu là Quảng Nam vì đã quen thuộc, cán bộ Quảng Nam làm việc trực tiếp với nhân dân ở đây. Thành tích công lao của bà con, anh em trước đây hoàn toàn là tỉnh Quảng Nam làm rõ, từ đời ông nội tôi đến bây giờ.

Chúng tôi mong muốn chính quyền quan tâm điều chỉnh lại địa giới hành chính, tạo điều kiện cho nhân dân ở đây sống ổn định. Tôi không quan tâm chuyện đó (việc chính quyền xã Đăk Nên, huyện Kon Plông hứa đầu tư hạ tầng, giải quyết các giấy tờ liên quan… khi người dân thôn 3, xã Trà Vinh đồng ý chuyển hộ tịch, hộ khẩu về Kon Tum - PV).

Bao đời nay, cha ông chúng tôi sống ở Quảng Nam và mong muốn người làng bây giờ cũng vậy, không có gì thay đổi. Gia đình tôi 100% Quảng Nam” - ông Toàn nói chắc nịch, sau khi đã bỏ phiếu lấy ý kiến thăm dò “đi hay ở” của ngành chuyên môn hai tỉnh vào cuối năm 2022.

Chủ tịch UBND xã Trà Vinh - ông Trần Văn Thương chia sẻ, lãnh đạo hai địa phương đều rất quan tâm lắng nghe, giải quyết kiến nghị của bà con.

“Vướng mắc hiện nay là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, do liên quan các thủ tục pháp lý nên nảy sinh nhiều yếu tố, khiến việc đầu tư gặp khó. Tuy nhiên, lâu nay mọi chế độ chính sách liên quan đến đời sống bà con đều được hưởng, không bỏ sót.

Chính quyền xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My đều triển khai rất đầy đủ để chăm lo cho bà con. Xã cũng đã nhiều lần kiến nghị, UBND huyện đã chỉ đạo tìm nhiều cách để xây dựng trường, trạm bằng cách xã hội hóa cho bà con thôn 3” - ông Thương nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Minh - Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho hay, cử tri xã này không đồng ý việc điều chỉnh địa giới hành chính.

“Cơ sở pháp lý cao nhất là hồ sơ theo Chỉ thị 364, đây là điều không bàn cãi. Tâm tư nguyện vọng bà con xã Đăk Nên là không muốn điều chỉnh, do lo ngại ảnh hưởng đến diện tích đất, công tác quản lý bảo vệ rừng. Nếu điều chỉnh địa giới hành chính, cái khó lớn nhất là không hợp ý, không đúng tâm tư cử tri Đăk Nên” - ông Minh nói.

Theo thông tin UBND huyện Nam Trà My cung cấp, thôn 3 mới có 248 hộ, với hơn 1.000 nhân khẩu, được đầu tư xây dựng 4 điểm trường và 2 nhà sinh hoạt cộng đồng do nhân dân quản lý, sử dụng. Nhân dân đã sinh sống, sản xuất, chôn cất mồ mả ông bà từ nhiều đời nay trên mảnh đất này.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp (từ năm 1975 trở về trước) nhiều hộ dân ở thôn 5, xã Trà Vân (thôn 3, xã Trà Vinh bây giờ) đã chiến đấu, hy sinh được Đảng, nhà Nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương kháng chiến, Bằng Tổ quốc ghi công gắn liền với hộ khẩu thường trú của họ là xã Trà Vân, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Năm 1991 trở về trước (trước khi Chỉ thị 364), việc quản lý, canh tác, sinh sống của nhân dân hai xã đảm bảo không có tranh chấp xảy ra. Chính quyền xã Trà Vinh đã quản lý xã hội, quản lý dân cư, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thôn 3 xã Trà Vinh đảm bảo an ninh trật tự để phục vụ đời sống nhân dân.

Hiện vẫn còn hai nhân chứng, trong đó, có ông Đinh Văn Tân, nguyên là cán bộ Địa chính - xây dựng xã Đắk Nên trước kia có tham gia cùng đoàn công tác tỉnh Kon Tum đi lên vị trí ngã ba suối Nước Rong tiến hành cắm cột mốc ranh giới giữa 3 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum (mốc địa giới hành chính cũ).

-------------------
Bài cuối: Không để người dân thiệt thòi

THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN