Dai dẳng sạt lở ven sông ở Điện Bàn

KHÁNH LINH 28/02/2023 08:29

(QNO) – Nhiều năm nay, tình trạng sạt lở ở Điện Bàn vẫn diễn ra dai dẳng, hàng nghìn khối đất thổ, bãi biền lần lượt đổ sập cuốn theo dòng nước song chính quyền địa phương vẫn chưa thể đề xuất giải pháp nào hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng này. 

Ông Hà Phước Ánh chỉ khoảng cách bờ sông bị sạt lở những năm qua. Ảnh: K.L
Ông Hà Phước Ánh chỉ khoảng cách bờ sông bị sạt lở những năm qua. Ảnh: K.L

Ông Hà Phước Ánh tần ngần nhìn bụi tre vẫn còn xanh lá đang dần chìm nghỉm dưới dòng nước xoáy trên dòng sông Thu Bồn đoạn chạy qua thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn). Vài năm trước nơi bụi tre đổ vẫn còn là bãi biền hoa màu, nhưng rồi sau mỗi mùa mưa đất cứ sụp dần trôi tuột theo con nước.

“Sạt lở ở đây đã diễn ra hơn mười năm rồi, nguyên nhân do sông đổi dòng chảy đâm trực diện vào bãi nên năm nào cũng xói lở bên này bồi bên kia, tính đến nay sạt lở ăn sâu vào cũng gần trăm mét đất” - ông Ánh kể.

Cả đời làm ăn trên bãi bồi này nên ông chứng kiến tốc độ sạt lở nhanh chóng của bờ sông. Thời điểm này, tuy không phải là mùa mưa nhưng thỉnh thoảng từng đoạn bờ sông lở dần, những mảng đất lớn đổ sập bị dòng nước cuốn đi. Phía bên kia sông, đoạn qua thôn Hòa Giang của xã Điện Trung những vách đất nham nhở dựng đứng kéo dài tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ khi nước lũ về.

[VIDEO] - Nhiều bờ sông ở Điện Bàn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ:

Sạt lở là vấn đề nan giải của Điện Bàn suốt nhiều năm qua.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, trên địa bàn thị xã xuất hiện gần 20 điểm sạt lở lớn nhỏ với chiều dài trên 20km, chủ yếu ven các sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bình Phước, Thanh Quýt, Tứ Câu…

Tại thôn Lạc Thành Đông (xã Điện Hồng), hơn 400m bờ sông Bình Phước đang trong tình trạng sạt lở nặng nề để lộ ra những vách đất dựng đứng nham nhở, cùng đó hàng loạt vết rạn nứt có thể đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào.

Ông Phạm Đệ, người dân thôn Lạc Thành Đông cho biết, tình trạng sạt lở đã diễn ra từ nhiều năm trước, nhất là khi đến mùa mưa lũ, không chỉ cuốn trôi đất canh tác mà còn đe dọa đường dây điện cao thế và nghĩa địa cận kề, nếu không kịp thời gia cố, mùa mưa tới sạt lở chắc chắn sẽ càng trầm trọng hơn.

“Rất nhiều đoàn của tỉnh, thị xã đã đến đây xem xét, khảo sát nhưng rồi chẳng thấy làm gì, sạt lở vẫn cứ sạt lở, người dân thì sống trong lo âu bất lực” - ông Đệ nói.

Z
Tình trạng sạt lở diễn ra nhiều năm nay trên các sông ở Điện Bàn. Ảnh: K.L

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn thừa nhận, khó thể kè chống hết các điểm sạt lở, bởi kinh phí rất cao, trong khi ngân sách thị xã có hạn.

Theo tính toán, để kè kiên cố 1km sạt lở chi phí trên 35 tỷ đồng, với hàng chục ki lô mét sạt lở như hiện nay vài năm tới Điện Bàn vẫn khó thể kè chống toàn bộ được. Nên dù biết tình trạng sạt lở ở một số điểm nghiêm trọng nhưng địa phương không thể làm gì được.

Mới đây, thị xã Điện Bàn đã triển khai dự án kè cứng sạt lở đoạn sông gần khu vực đập ngăn mặn Tứ Câu (khối phố Ngân Câu, phường Điện Ngọc), tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 2,6 tỷ đồng, còn lại ngân sách thị xã, dự kiến cuối tháng 3 sẽ hoàn thành.

Đây là công trình kè chống sạt lở duy nhất đang được thực hiện trên địa bàn lúc này.

Để kè chống xói lở hàng nghìn mét bờ sông đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, vượt khả năng của Điện Bàn. Ảnh: K.L
Để kè chống xói lở hàng nghìn mét bờ sông đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, vượt khả năng của Điện Bàn. Ảnh: K.L

Với những khu vực sạt lở lớn hơn, hầu như chưa thể triển khai được do không có kinh phí mặc dù thị xã đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo, kiến nghị tỉnh hỗ trợ kè chống những điểm cấp thiết nhưng đến nay vẫn phải chờ nguồn vốn hỗ trợ, đồng nghĩa trong thời gian ngắn hạn người dân tiếp tục sống chung sạt lở.  

KHÁNH LINH