Làng Phú Xuân Trung xưa

PHÚ BÌNH 26/02/2023 08:06

Chợ Lò xưa nằm ở trung tâm làng Phú Xuân Trung - một làng luyện sắt nổi tiếng khắp vùng Hà Đông - Tam Kỳ xưa với biệt danh “xứ lò rèn”.

Cây sợp cổ thụ ở trung tâm làng Phú Xuân Trung. Ảnh: PHÚ BÌNH
Cây sợp cổ thụ ở trung tâm làng Phú Xuân Trung. Ảnh: PHÚ BÌNH

Dấu tích xóm Chợ Lò hiện còn ở địa bàn xã Tam Thái (Phú Ninh), ven tỉnh lộ Tam Kỳ - Tiên Phước. Xưa, đa số cư dân xóm này làm nghề rèn nông cụ và các sản phẩm gia dụng lưu hành khắp vùng Tam Kỳ - Tiên Phước và phụ cận. 

Làng Phú Xuân Trung qua tư liệu

Đầu thế kỷ 19, trong địa bạ lập thời Gia Long (dẫn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu – TP.Hồ Chí Minh) làng/xã Phú Xuân Trung (nay là thôn Xuân Phú, xã Tam Thái, Phú Ninh) được ghi tứ cận như sau: “đông giáp xã Phú Trà, tây giáp xã Khánh Thọ, nam giáp thôn Trung Đàn, bắc giáp xã Trường Xuân”.

Sớm hơn trước đó, hồi hạ bán thế kỷ 18, sách “Phủ biên tạp lục” (1776) cũng đã ghi nhận tên Phú Xuân Trung cùng với tên Trung Đàn, Phú Trà, Khánh Thọ (và trong mấy văn khế ruộng đất năm Thái Đức thứ tám - 1785 hiện còn ở địa phương có tên làng Trường Xuân).

Từ địa bạ thời Gia Long đến địa chí thời Đồng Khánh (Đồng Khánh địa dư chí - 1887, 1888) và mãi đến trước năm 1945, tên Phú Xuân Trung xuất hiện là một làng xã độc lập cùng với các làng nói trên, chưa tìm thấy tư liệu nào cho biết Phú Xuân Trung từng sáp nhập vào một làng nào khác.

Trong sách “Quảng Nam đất nước và nhân vật” (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001) ở chú thích (1) cuối trang 175, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng đã viết về làng Trường Xuân như sau: “Hồi mới lập làng tên là Trường Xuân, đời vua Quang Trung đổi là Phú Xuân Trung xã. Năm Tự Đức thứ 24 - 1871 gọi lại là Trường Xuân như hiện nay”.

Chưa rõ kết luận trên dựa vào tư liệu nào. Thực ra, như đã nêu, tên làng Trường Xuân và Phú Xuân Trung đã cùng xuất hiện trong địa bạ thời Gia Long (1802 - 1820) và trước đó (1776, 1785), Phú Xuân Trung và Trường Xuân cũng đã là hai làng riêng biệt.

Người nổi tiếng của Phú Xuân Trung

Hậu duệ của tộc Lê ở Phú Xuân Trung cho biết, ở làng này có các ông Lê Văn Thủ và Lê Văn Long là hai võ tướng từng phục vụ trong quân đội  Tây Sơn. Ông Lê Văn Thủ là cha ông Lê Văn Long; ông Lê Văn Long có con trai là ông Lê Vĩnh Trinh.

Ông Trinh từng hai lần đỗ tú tài trong các khoa thi thời Nguyễn và có tên ghi trong văn bia của Văn hội Nho học huyện Hà Đông lập khoảng cuối năm Tự Đức thứ 3 - 1850, hiện còn lưu ở Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ).

Theo ông Lương Ngọc (ở thôn Xuân Phú, xã Tam Thái, Phú Ninh) - nhà nghiên cứu chuyên phiên âm, dịch và hệ thống gia phả, thì tộc Lê vùng Phú Xuân Trung - Trường Xuân còn lưu bản gia phả do ông Lê Vĩnh Trinh lập năm Tự Đức thứ 8 (1855).

Bản gia phả đó cho biết ông Lê Văn Thủ là chồng của một bà công chúa tên là Trịnh Thị Hoa Dung. Tên ông Lê Văn Thủ cũng được ghi trong sắc phong ký vào ngày mùng 6 tháng 11 năm Quang Trung thứ 2 - 1789 với chức Cai đội (tước) Thủ tài hầu.

Bản sao sắc phong này hiện còn lưu tại nhà thờ tộc Lê - Trường Xuân (phường Trường Xuân, Tam Kỳ). Mộ ông Lê Văn Thủ trước an táng tại làng Phú Xuân Trung về sau di dời về nghĩa trang chính của tộc Lê ở đồi Cây Cốc - phường Trường Xuân, Tam Kỳ.

Cũng trong bản gia phả nói trên, ông Lê Vĩnh Trinh ghi tên ông Lê Văn Long nhưng không có dòng cước chú nào về chức tước và võ công của thân phụ mình. Tại nhà thờ tộc Lê (phường Trường Xuân) còn lưu một bản sao sắc phong cấp cho ông Lê Văn Long (ký ngày 5 tháng 2 năm Quang Trung thứ 2 - 1789) chức Võ tướng Hữu quân.

Ông Lê Văn Long được gia tộc Lê (Phú Xuân Trung và Trường Xuân) khẳng định chính là Đô đốc Long - một võ tướng kiệt xuất từng theo vua Quang Trung đánh tan quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu - 1789. Mộ phần ông Lê Văn Long trước đây an vị tại làng Phú Xuân Trung, về sau được cải táng và vinh danh tại nghĩa trang tộc Lê tại Trường Xuân ở đồi Cây Cốc.

Ngoài ra, ông Lương Ngọc còn cho biết, con cháu tộc Lê (Phú Xuân Trung và Trường Xuân) hiện còn giữ mấy sắc bằng triều Nguyễn cấp cho ông Lê Văn Long trong thời gian ông này tiếp tục phục vụ trong quân đội thời Gia Long, Minh Mệnh.

Nghề luyện sắt  và nghề rèn ở Phú Xuân Trung

Ông Trần Ngọc Lân (91 tuổi, ở tổ 6 thôn Xuân Phú, xã Tam Thái) kể, làng/xã Phú Xuân Trung đa số là vùng gò đồi, đất hẹp và cằn cỗi. Xưa dân làng phải dựa vào nghề luyện sắt và nghề rèn để mưu sinh. Phía nam làng có ngọn núi nhiều quặng sắt (núi Quánh), dân làng đến đó khai quặng đem về bán cho các chủ lò luyện.

Khắp làng Phú Xuân Trung xưa, chỗ nào cũng có lò luyện sắt. Hình dạng các lò luyện này giống lò nung vôi nhưng lớn hơn. Mặt lò kết dính vững chãi và chịu lực được nhờ có dạng phễu cạn - đáy phễu tựa vào nền đất ở trung tâm.

Các ống thụt hơi thổi vào lò được đặt chung quanh. Hơi thổi vào lò, sẽ thoát ra qua các lỗ nhỏ cách đều trên mặt lò. Người luyện sắt cứ sắp một lớp than rồi đến một lớp quặng sắt chồng lên nhau thành nhiều lớp trên mặt lò.

Hơi gió nung đỏ than và than đỏ nung chảy quặng. Khoảng hơn hai ngày đêm than sẽ kiệt, quặng được nung chảy sẽ đọng thành mảng sát mặt lò. Đợi nguội, thợ lò luyện sẽ kẹp từng mảng ra, đặt lên các tảng đá phẳng, rồi dùng búa ghè mỏng và cuộn lại thành từng “con sắt”. Các con sắt này sau đó được chuyển về các lò rèn (khá nhiều trong làng) để chế tác thành các nông cụ hoặc đồ dùng gia đình.

Hoạt động luyện sắt và rèn chủ yếu dựa vào sức người, nặng nhọc nhất là người tiếp xúc với lửa và sắt nung đỏ, chỉ khi nào dụng cụ thành hình, bỏ vào nước kêu một tiếng “xèo” mới là xong đoạn khó nhất. Ở Phú Xuân Trung các âm thanh quai búa lớn búa nhỏ vào sắt nung và tiếng “xèo” nói trên được đúc kết thành câu “Hì... hục, hì… hục, cùng... cực, cùng… cực, xèo… nghèo, xèo… nghèo”, với ý châm biếm “làm cho lắm nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Các sản phẩm rèn được người Phú Xuân Trung gánh đi tỏa khắp các vùng Tam Kỳ, Tiên Phước, vào An Tân rồi đến giáp giới Quảng Ngãi để bán, phần lớn là đổi lúa khoai đem về.

Đến khoảng đầu thế kỷ 20, khi người Pháp bắt đầu mang sắt tinh luyện đến bán ở thuộc địa, nghề luyện sắt ở Phú Xuân Trung tàn lụi dần như nhiều vùng khác, một phần vì các “con sắt” làm thủ công mang nhiều tạp chất, dễ vỡ, không bền, phần vì chính quyền thực dân cấm các lò luyện sắt kiểu cũ, buộc các lò rèn phải mua phôi sắt của người Pháp.

Đến nay, qua bao biến đổi cách thức sản xuất nông nghiệp và đối mặt với các sản phẩm thép gia dụng sản xuất hàng loạt, làng Phú Xuân Trung chỉ còn lại cái tên “dân xứ lò rèn” và “chợ Lò” một thời nổi tiếng.

PHÚ BÌNH