V-League 2023: Đang vui bỗng đứt dây đàn!
Sau khi trải qua vòng thứ 4 với nhiều trận đấu cân sức cân tài cuối tuần qua, V-League 2023 sẽ bước vào giai đoạn tạm dừng dài ngày để các đội tuyển quốc gia tập trung. Điều này khiến cho các đội bóng và người hâm mộ có cảm giác hụt hẫng “đang vui bỗng đứt dây đàn”.
“No dồn, đói dập”
V-League 2023 thay đổi phương thức tranh tài so với mùa giải 2022 khi chuyển sang thi đấu hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 tất cả 14 đội bóng thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm xếp hạng rồi phân thành 2 nhóm trước khi bước vào giai đoạn 2.
Nhóm 8 đội cao nhất sau khi kết thúc giai đoạn 1 sẽ thi đấu cùng nhau để xếp hạng từ thứ 1 đến 8; tương tự nhóm 6 đội xếp sau cũng thi đấu với nhau để xếp hạng từ thứ 9 đến 14 (tất cả đều thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm).
Sau thất bại đáng quên ở trận khai màn, Topenland Bình Định đã xuất sắc có được 3 chiến thắng liên tiếp để vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng với 9 điểm. Trong khi đó, ở vòng đấu thứ 4 cuối tuần qua, cả 4 đội đang có phong độ tốt là Hà Nội gặp Thanh Hóa, Viettel gặp Thép Xanh Nam Định đều cầm chân nhau và cùng nằm ở nhóm đầu bảng xếp hạng. Ngược lại, sau 4 vòng đấu, SHB Đà Nẵng và Becamex Bình Dương nắm giữ hai vị trí cuối cùng.
Không như lịch thi đấu thường lệ mỗi tuần diễn ra một vòng đấu, mùa giải năm nay V-League được đôn lên, các đội chỉ có 3 - 4 ngày nghỉ để chuẩn bị cho vòng đấu kế tiếp. Chẳng hạn, Hoàng Anh Gia Lai vừa ra sân ngày 4/2 ở trận khai màn phải tức tốc di chuyển đến làm khách của Becamex Bình Dương vào ngày 8/2 ở vòng đấu tiếp theo.
Tương tự, Hà Nội sau trận thắng trên sân Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ngày 13/2 thì 4 ngày sau tiếp đón Thép Xanh Nam Định tại Hàng Đẫy; hay Công An Hà Nội cũng vừa có trận đấu khó khăn với Viettel tối ngày 14/2 đã vội xách hành lý lên Gia Lai để làm khách đội bóng bầu Đức vào ngày 19/2…
Không có nhiều ngày nghỉ để các cầu thủ phục hồi thể lực, các huấn luyện viên buộc phải xoay tua đội hình để có thể gặt hái được kết quả tốt và giúp học trò tránh chấn thương do quá tải.
V-League 2023 khai mạc vào ngày 3/2 nhưng đến ngày 17/2 đã diễn ra vòng đấu thứ 4. Mỗi vòng đấu được rải đều 3 ngày nên không còn “độc quyền” vào các ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, giờ đây rất nhiều trận đấu rơi vào ngày làm việc giữa tuần. Gần như ngày nào cũng có đá bóng, thậm chí sân Hàng Đẫy mùa giải này có đến 3 đội bóng chọn làm sân nhà nên khán giả thủ đô xem bóng đá “mệt nghỉ”.
“No dồn” nhưng cũng “đói dập” khi mùa giải vừa mới sôi động trở lại đã bước vào giai đoạn tạm nghỉ kéo dài lên đến gần 50 ngày. Chưa hết, vòng đấu thứ 5 sẽ trở lại từ đầu tháng 4 và cũng chỉ sau 3 vòng đấu lại tiếp tục “điệp khúc” tạm dừng với thời gian hơn 1 tháng (đến 19/5 mới trở lại).
Kẻ buồn, người vui
Với lý do gì đi chăng nữa thì việc mùa giải nghỉ quá dài và nhiều lần bị cắt vụn là một bất cập về lịch thi đấu, từng bị các huấn luyện viên phản ứng. Và đây cũng không phải lần đầu tiên giải vô địch quốc gia tạm dừng dài ngày đến như vậy, như V-League 2022 diễn ra chỉ được 4 vòng đầu đã bước vào quãng nghỉ 4 tháng cũng bởi lý do tương tự.
Thời gian nghỉ dài khiến tất cả hụt hẫng cũng là điều dễ hiểu; bởi các đội bóng mới bắt đầu “nóng máy”, còn cầu thủ cũng vừa bước vào giai đoạn có được chuyên môn lẫn thể lực tốt nhất lại phải ngưng cuộc chơi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phong độ của cầu thủ và khi trở lại cũng phải mất thêm vài vòng đấu nữa mới lấy lại trạng thái sung sức.
Tất nhiên những đội bóng đang có phong độ thiếu ổn định như SHB Đà Nẵng, Becamex Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh hay tân binh Khánh Hòa có lẽ hài lòng với quãng nghỉ này. Sau 4 vòng đấu, đoàn quân của HLV Phan Thanh Hùng chỉ có được 1 điểm và xếp chót bảng.
Đội bóng của HLV Lư Đình Tuấn cũng chẳng khá hơn khi mới có được 2 trận hòa dù trong đội hình sở hữu 2 chân sút đáng gờm là Tiến Linh và Rimario. Kể cả Hoàng Anh Gia lai hay Sông Lam Nghệ An dù bất bại nhưng cũng chưa có được chiến thắng nào và cần có thời gian để các cầu thủ trẻ hòa nhập. Tương tự, Công An Hà Nội với đội hình nhiều sao cũng cần có quãng nghỉ để có thêm thời gian cải thiện lối chơi, gắn kết đội hình.