Thêm bệnh nhân được chữa khỏi HIV

NAM VIỆT 22/02/2023 14:59

(QNO) - Một bệnh nhân người Đức vừa trở thành bệnh nhân thứ 5 trên thế giới được công bố khỏi HIV sau khi cấy ghép tế bào gốc.

Xét nghiệm y khoa. Ảnh: Neoteryx
Xét nghiệm HIV. Ảnh: Neoteryx

Theo nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí Nature Medicine, bệnh nhân HIV ở thành phố Dusseldorf, Đức (biệt danh là bệnh nhân Dusseldorf để bảo vệ quyền riêng tư), điều trị HIV kèm với một căn bệnh ung thư và được cấy ghép tủy xương, thay thế tế bào của bệnh nhân bằng tế bào gốc kháng HIV của người hiến tặng. 

Theo phát đồ điều trị, bệnh nhân Dusseldorf được cấy ghép tế bào gốc vào năm 2013 từ một người hiến tặng có một đột biến ngăn chặn protein mà HIV sử dụng để xâm nhập vào tế bào.

Sau đó, bệnh nhân Dusseldorf cũng được điều trị bằng ART - liệu pháp điều trị sử dụng các thuốc kháng vi rút, hay còn gọi là thuốc ARV nhằm ngăn không cho HIV tạo ra các bản sao của chính nó. Điều này giữ cho lượng vi rút trong cơ thể của bệnh nhân ở mức thấp, bảo vệ hệ thống miễn dịch của bệnh nhân.

Theo nghiên cứu trên Nature Medicine, trong khi HIV vẫn tồn tại trong cơ thể trong quá trình điều trị ARV, việc cấy ghép tế bào gốc có thể làm giảm đáng kể ổ chứa vi rút - nơi vi rút vẫn tồn tại.

Tuy nhiên, suốt 4 năm qua, bệnh nhân Dusseldorf không tái phát bệnh dù đã ngừng điều trị thuốc ARV. 

Tiến sĩ Bjorn-Erik Ole Jensen - người tham gia đội ngũ y tế chữa trị cho bệnh nhân Dusseldorf nói: "Bệnh nhân Dusseldorf thực sự được chữa khỏi bệnh HIV chứ không chỉ thuyên giảm lâu dài, mở ra hy vọng mới trong điều trị HIV nhưng còn nhiều việc phải làm". 

Trước đó, 4 bệnh nhân khác cũng được công bố điều trị khỏi bệnh HIV bao gồm 1 bệnh nhân người Đức, 1 bệnh nhân người Anh và 2 bệnh nhân người Mỹ. Cả 4 bệnh nhân này đều được cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư máu.

Thế giới hiện chưa có thuốc đặc trị HIV cũng như vắc xin phòng ngừa căn bệnh này. Ảnh: Shutterstock
Thế giới hiện chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng ngừa đối với HIV. Ảnh: Shutterstock

Theo số liệu của Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV và AIDS (UNAIDS), tính đến cuối năm 2021 thế giới có khoảng 38,4 triệu người nhiễm HIV.

Đối với hầu hết bệnh nhân, HIV là một bệnh lây nhiễm suốt đời và vi rút không bao giờ bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhờ thuốc hiện đại, những người nhiễm HIV có thể sống lâu và khỏe mạnh.

Các nhà khoa học cũng thừa nhận, cấy ghép tế bào gốc là một thủ tục phức tạp đi kèm với nhiều rủi ro và việc cung cấp nó như một phương pháp chữa trị cho tất cả người nhiễm HIV là quá mạo hiểm.

Theo Nature Medicine, phương pháp điều trị này có thể sẽ không được sử dụng cho những bệnh nhân HIV không mắc bệnh bạch cầu.

Do đó, các nhà khoa học đang thử nghiệm điều gì sẽ xảy ra nếu tế bào gốc của chính bệnh nhân được sửa đổi để có đột biến cần thiết ngăn chặn HIV, điều đó có nghĩa là họ sẽ không cần người hiến tặng.

NAM VIỆT