Đô thị và nước

HÀ SẤU 19/02/2023 07:52

Tại các đô thị ven sông - biển, nước hiện hữu, bao bọc phần lớn các con phố. Nương tựa vào nước là quy luật tất yếu nếu muốn phát triển đô thị bền vững. 

Tam Kỳ là đô thị “đậm đặc” yếu tố nước và đang loay hoay với bài toán giảm thiểu ngập lụt trong mùa mưa. Ảnh: H.S
Tam Kỳ là đô thị “đậm đặc” yếu tố nước và đang loay hoay với bài toán giảm thiểu ngập lụt trong mùa mưa. Ảnh: H.S

Giá trị của nước

“Nhất cận thị, nhị cận giang”, từ ngàn xưa luôn đề cao yếu tố nước khi tính kế an cư, sinh nhai. Nước không chỉ có yếu tố sinh thái mà còn giúp hình thành các cộng đồng.

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng để phát triển đô thị, cung cấp cho chuỗi hoạt động như: sinh hoạt, trồng trọt, giao thông, thương mại… và cả cảnh quan. Các siêu đô thị trên thế giới gần như cũng đều hình thành, vươn mình bên một dòng sông hoặc cửa biển.

Không khó để nhận ra giá trị của nước. Ở các khu đô thị mới hay khu nghỉ dưỡng đắt đỏ, những lô đất hay căn biệt thự sang trọng nhất đều đi kèm yếu tố nước - tức là hướng sông, hướng hồ, hướng biển… Ở một loạt resort ven biển, ven sông Hội An - Điện Bàn, giá các phòng “view biển”, “view sông” luôn mặc định cao hơn 20 - 30% so với phần còn lại. 

KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, ở Việt Nam có khoảng 100 đô thị đậm đặc yếu tố nước. Trong số này, có tầm 70 đô thị gắn được với chữ “sông” và “biển”.

Các đô thị ở Việt Nam cơ bản gắn với chữ nước, đô thị ở Quảng Nam càng gắn chặt với yếu tố nước. Câu chuyện nước trong đô thị cũng có thể hiểu là sự tương tác giữa “âm” và “dương”. Câu chuyện “âm” - “dương” không hài hòa chắc chắn dẫn đến các hình thái thời tiết gây tổn thương cho đô thị…

Đáng tiếc là các đô thị trọng điểm của tỉnh đều đang ít nhiều gặp vấn đề với nước.  Đô thị Tam Kỳ mấy năm qua vật lộn với ngập lụt do dòng nước ngoại lai đổ về quá lớn trong khi khả năng thoát nước khá kém. Khu phố cổ Hội An với địa hình thấp hơn cốt ngập lụt nên cũng thường xuyên bị ngập vào mùa mưa. Một số khu vực đô thị vùng đông Điện Bàn thì ứ cục bộ trong khi sông Cổ Cò, hồ chứa nước Lai Nghi… đều đang trong quá trình nạo vét, cải tạo.

Nương vào nước

Khi nguồn tài nguyên quý giá là nước đang bị lãng quên thậm chí đe dọa đến tiến trình phát triển đô thị, nước cần được nhận diện như thành phố đồng hành của phố. KTS.Ngô Trung Hải chia sẻ rằng, trước đây khi ông được tiếp xúc học tập ở nước ngoài thì phương pháp thông dụng nhất để tránh ngập lụt cho đô thị thường làm đê.

Bây giờ cần phải xem lại khái niệm đê bởi quan trọng nhất phải là không gian cho nước. Nếu một thành phố đủ không gian cho nước thì nước sẽ tích trữ ở đó một thời gian rồi tuần hoàn và sẽ giảm thiểu tối đa được thiệt hại. 

Việc khơi thông dòng sông Cổ Cò sẽ có tác động rất lớn đến tiến trình phát triển đô thị dọc theo con sông. Ảnh: H.S
Việc khơi thông dòng sông Cổ Cò sẽ có tác động rất lớn đến tiến trình phát triển đô thị dọc theo con sông. Ảnh: H.S

“Có thành phố dọc theo bờ sông ở Anh thiết lập cả một chiến lược xanh để giữ lại nước chỗ nào, dung chứa tạm thời như thế nào, phát triển mô hình gì để biến nguồn nước đó thành tài nguyên tái tạo, phát triển đô thị.

Ở Việt Nam hiện có nhiều đô thị dọc theo bờ sông nhưng ngoảnh lại với sông, không tương tác với nó vừa lãng phí tài nguyên vừa có thể khiến đô thị chịu nhiều hiệu ứng tiêu cực” - ông Hải nói. 

Ý kiến từ chuyên gia về phát triển đô thị cho rằng, đô thị nước nói chung và đô thị biển nói riêng cần phát triển theo trục “3 đa” gồm: đa ngành, đa chiều và đa giai đoạn. Với khung quy hoạch hợp nhất của “3 đa” trên thì chúng ta sẽ quản lý hài hòa đô thị nước.

Bên cạnh đó, có 5 giải pháp quy hoạch đô thị nước được đề xuất gồm: nước phải cân bằng được trong đô thị, không gian cho nước, tăng hệ số thấm đô thị, giải pháp đa chức năng và mềm, quản lý tích hợp. 

Khi các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng tác động khốc liệt lên phố cả về tần suất lẫn mức độ, nương vào nước càng là xu thế quan trọng để đô thị thích ứng biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn với Tam Kỳ, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, có nhiều giải pháp công trình và phi công trình có thể áp dụng để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra với đô thị.

Một trong số đó là việc đưa vào vận hành hệ thống kênh thoát lũ từ hồ Sông Đầm đến sông Trường Giang, từ đó ra biển. Bằng cách này có thể cung cấp thêm dung tích tạm thời cho lượng mưa chảy tràn giảm áp lực ngập lụt phố.

Theo TS. Vũ Tuấn Vinh - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cần phải lồng ghép các kế hoạch ứng dụng giải pháp thoát nước bền vững trong quy hoạch đô thị ở Quảng Nam. Trong đó phải thỏa mãn các tiêu chí sau: quy hoạch và quản lý dòng chảy, chất lượng nước, bổ sung tiện ích đô thị, tính đa dạng sinh học. Điều này là cần thiết và hoàn toàn khả thi.

HÀ SẤU