Chuyến bay đầu tiên ở Đà Nẵng

LÊ THÍ 19/02/2023 07:51

Lịch sử của ngành hàng không nước ta đã hơn một thế kỷ, được đánh dấu bằng chuyến bay ở Sài Gòn ngày 10/12/1910 của phi công người Pháp Van Den Borg. Chuyến bay đầu tiên ở Đà Nẵng diễn ra sau đó gần 3 năm vào giữa tháng 8/1913, còn được nhắc lại trong bài vè “Coi tàu bay tại Lầu Đèn”.

Marc Pourpe và các quan chức Pháp - Việt trước chuyến bay ở Huế.
Marc Pourpe và các quan chức Pháp - Việt trước chuyến bay ở Huế.

Bay biểu diễn ở Huế và Đà Nẵng

Nhằm làm cho dân bản xứ, nhất là dân miền Trung - nơi vừa diễn ra các cuộc biểu tình “kháng thuế cự sưu” long trời lở đất - khâm phục nền văn minh của “mẫu quốc”, người Pháp đã cho tổ chức mấy chuyến bay biểu diễn ở Huế và Đà Nẵng.

Hai chuyến bay ở Huế được tổ chức vào hai ngày 4/8 và 6/8/1913 nhân “đại khánh” (sinh nhật) của vua Duy Tân. Cuộc trình diễn lần thứ nhất được khai mạc vào lúc 17h30 ngày 4/8/1913 do Ủy ban Pháp - Việt chủ trì trên khoảnh đất trước Ngọ môn và Kỳ đài với sự chứng kiến của hoàng đế Duy Tân, các quan chức Pháp, Việt cùng 30.000 dân chúng.

Nhà vua, các vị trong Tôn nhân phủ và hoàng thân quốc thích cùng Khâm sứ Trung Kỳ Charles ngự trên khán đài danh dự được dựng trên Kỳ đài. Các bà hậu ngồi dưới các lầu màu xanh của Ngọ môn. Dân chúng ngồi dày đặc trên bờ thành nhìn ra phía sông Hương.

Cuộc trình diễn thứ 2 (6/8/1913) đúng vào ngày đại khánh của nhà vua nên kết hợp cả đốt pháo bông, bắn cửu vị thần công, thả khinh khí cầu và đua thuyền để chào mừng. Người Pháp cũng cử đội nhạc hơi thuộc liên đội 9 bộ binh đến thổi bài quốc ca Pháp - La Marseillaise. Máy bay cất cánh bay qua khán đài danh dự rồi lướt trên mặt nước sông Hương trước khi vọt lên vùng đồi núi ở phía tây kinh đô.

Không có tài liệu nào nói cụ thể về chuyến bay đầu tiên ở Đà Nẵng, chỉ biết chuyến bay diễn ra sau hai chuyến bay ở Huế mấy ngày, tức là sau ngày 6/8/1913. Địa điểm thực hiện chuyến bay là bãi cát Lầu Đèn thuộc làng Thạch Thang, nay là khu vực phường Tam Thuận và Xuân Hà thuộc quận Thanh Khê.

Ngày trước nơi đây người Pháp xây một cái lầu cao, bên trên vào ban đêm có treo một ngọn đèn có công dụng như một ngọn hải đăng định vị cho các tàu thuyền đánh cá trên vịnh Đà Nẵng biết để ra vào nên có tên gọi như thế.

Có lẽ ngày đó khu vực hai bên đường Trần Cao Vân ngày nay kéo dài từ đường Điện Biên Phủ ra đến biển chưa có dân cư. Người xem máy bay đứng trên đường đất mà ngày nay là đường Điện Biên Phủ, lúc đó được xem là Rue de Huế nối dài (đường Lý Thái Tổ ngày trước là Rue de Hue).

Những gì ta biết về chuyến bay này chỉ dựa vào bài vè “Coi tàu bay tại Lầu Đèn” còn truyền trong dân gian. Sự kiện đặc biệt này được bài vè giới thiệu bằng 2 câu: “Đời xưa cho chí đời nay/ Đời này mới thấy tàu bay nửa lừng”.

Chuyến bay được chuẩn bị khá kỹ lưỡng: “Quan gia chầu chực hẳn hòi/ Sức bàn sức ghế lại đòi đến dân/ Khắp nơi cờ đón rần rần/ Sức rơm un khói cực dân ba bốn ngày/…/ Dân canh lính gác tự ngày chí đêm”.

Về cảnh người đi xem: “…Từ Hàn (Đà Nẵng) chí Phố (Hội An) rần rần đi coi/…/ Đàn bà chí những đàn ông/ Bà già con nít cũng bồng ra đi/…/ Người ta như rác họ đùa/ Hai bên đàng cái không thua kiến bò”.

Chuẩn bị kỹ như vậy nhưng chuyến bay chỉ diễn ra ngắn ngủi: “Mười giờ tàu lại một khi/ Cò đánh, lính ví ra gì nữa đâu/…? Rùng rùng máy nổ thất kinh / Chiếc tàu cất cánh thình lình bay lên/ Bay lên trên mọi trên Lào/ Nghe tiếng ào ào ở tận trên mây”… Và bài vè được kết thúc bằng một câu đánh giá: “Không ai mà giỏi như Tây!”.

Hai chuyến bay ở Huế và Đà Nẵng được thực hiện bởi một phi công trẻ người Pháp tên Marc Pourpe, năm đó mới 26 tuổi và chiếc máy bay hiệu Blériot XI khá hiện đại.

Đánh giá về kết quả hai chuyến bay này, Khâm sứ Trung Kỳ đã cho rằng: “Chuyến bay đã làm nảy sinh lòng khâm phục trong đám cử tọa bản xứ và ngay trong các tầng lớp của xã hội An Nam” (Les ailes Francais en Annam, INDOCHINE số 185 ngày 16/3/1944 - Dẫn lại Nguyễn Sinh Duy trong Quảng Nam và những vấn đề sử học, NXB Cảo Thơm, 2006, trang 162).

Phi công trẻ tài năng Marc Pourpe

Phi công Marc Pourpe sinh ngày 17/5/1887 tại Lorient - một quận thuộc tỉnh Morbihan, vùng Bretagne, miền Tây Bắc nước Pháp. Ông là con trai của Armand Pourpe - một sĩ quan hải quân và sau này trở thành một sĩ quan cao cấp của Công ty Kênh đào Suez và bà Lianre de Pougy - được xem là một kỹ nữ có hai dòng máu Pháp - Tây Ban Nha. Cuộc hôn phối của cha mẹ Marc Pourpe không thuận lợi. Mẹ ông bỏ lên Paris và để ông lại cho người cha. Cha ông phải gửi ông đến nương nhờ ông bà nội sống tại Suez.

Thời trẻ Marc Pourpe học tại Harrow với ước vọng sẽ tiếp tục tại một trong hai đại học nổi tiếng của Anh là Cambridge hoặc Oxford nhưng rồi bất thành. Năm 1912, Marc Pourpe tham gia ngành hàng không và sau lần gặp nhau ở Calcutta (Ấn Độ), ông cùng với người bạn của mình là thợ máy Raoul Lucfbery thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại châu Á, châu Âu và châu Phi.

Năm 1913 ông lưu diễn ở Đông Dương tại Muôm Pênh rồi Huế, Đà Nẵng và sau đó tại Hải Phòng.

Từ ngày 2/1 đến 12/1/1914, Marc Pourpe đã tham gia “Tuần lễ Hàng không” được tổ chức tại Cairo (Ai Cập). Lần này ông tham gia một chuyến bay dài 1.250 dặm từ Cairo (thủ đô Ai Cập) đến Khartoum (thủ đô của Sudan). Ông trở nên nổi tiếng là người đầu tiên thực hiện được chuyến bay dài nhất ở châu Phi. Sau sự kiện này, một con tem đặc biệt đã được phát hành để kỷ niệm và việc gửi thư bằng đường hàng không đã bắt đầu được thực hiện.

Khi thế chiến thứ I bùng nổ, Marc Pourpe tham gia lực lượng không quân Pháp với tư cách phi công ném bom. Ông mất ngày 2/12/1914 khi mới 27 tuổi, trên chuyến bay trinh sát ở Somme do sự cố có lẽ vì thời tiết bất lợi (có tài liệu cho là tai nạn xảy ra ở cuối chuyến bay do thời tiết quá lạnh, ông mất quyền kiểm soát máy bay của mình sau khi thoát ra một đám mây, làm máy bay lật nghiêng và rơi xuống đất).

Ông yên nghỉ ở nghĩa trang Larmel tại quê nhà Lorient. Tên của ông từng được đặt cho một số đường phố ở Pháp, Huế, Sài Gòn và Đà Nẵng.

Đối với người Việt Nam, Thượng thư Nguyễn Hữu Bài có một bài thơ Nôm nói về chuyến bay ở Huế đã ca ngợi phi công Marc Pourpe:

“Mới đó giập giầng vừa khỏi đất
Bỗng đâu phất phới đã ngang trời
Qua qua lại lại đều như ý
Xuống xuống lên lên rõ thiệt tài

Then máy mối giường cầm vững chặt
Lên trời xuống đất dễ dàng thay
Tinh thông hóa học có tài bay
Ngàn dặm xa chơi mới tới đây
Tên họ là ông Ma-Phi-Bắt
Quê nhà ở nước Phật-Lăng-Tây
Đông Dương quản hạt đều hay tiếng
Nam Việt đô thành đã biết tay
Tuổi tác đôi mươi người lịch sự
Khen cho can đảm mấy ai tày!”.

Đường Phan Châu Trinh ngày nay ở Đà Nẵng vào thời trước năm 1955 được người Pháp đặt tên là Marc Pourpe, chính là để vinh danh người phi công trẻ tài năng đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trên vùng đất này!

LÊ THÍ