"Chat" với học trò

HỨA XUYÊN HUỲNH 19/02/2023 07:41

Người ta đang lo ngại, nếu mai này học trò chỉ lo “chat” (chuyện phiếm, tán gẫu) với chương trình trả lời tự động ảo thì vị thế người truyền dạy sẽ không còn như cũ. Nhưng sao chúng ta không “chat” ngay từ bây giờ, để biết các em muốn gì?

Tranh minh họa về một lớp học trước đây, trong sách Quốc văn giáo khoa thư.
Tranh minh họa về một lớp học trước đây, trong sách Quốc văn giáo khoa thư.

 - Tại sao nhiều học trò bây giờ không mấy say mê môn văn?

- Không có bằng chứng chính thức để chứng minh số lượng “nhiều” học trò không mấy say mê môn văn. Tuy nhiên, có một số lý do khiến học trò không-mấy-say-mê môn văn. Đó là…

- Tại sao nhiều người đã qua tuổi học trò vẫn đau đáu những chuyện xưa cũ của tuổi học trò?

- Không có bằng chứng chính thức để chứng minh số lượng “nhiều” người đã qua tuổi học trò mà bây giờ họ vẫn đau đáu. Tuy nhiên, có một số lý do khiến những người lớn tuổi luôn quan tâm chuyện học hành, chuyện cảm nhận của giới trẻ. Đó là…

*
*           *

Tôi vừa mượn hình thức “chat” giữa người dùng và chương trình trả lời tự động ảo đang gây chú ý trên toàn thế giới, để thử đặt câu hỏi xoay quanh chuyện muôn thuở của tuổi học trò: yêu thích hay không yêu thích môn văn.

Quả thực, chatGPT (GPT, viết tắt của Generative Pre-trained Transformer, nghĩa là chương trình Sinh chữ đã được huấn luyện theo phương pháp Transformer) vừa xuất hiện đã gần như “xới tung” các lĩnh vực, nhất là chuyện dạy - học. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: ChatGPT ra đời, giáo dục phải thay đổi? Giáo viên có sợ ChatGPT? Giáo dục trong “thời đại ChatGPT” sẽ ra sao?…

Đầu tuần này, hôm 13/2, Bộ GD&ĐT thậm chí mở tọa đàm để bàn về những chuyện được - mất của ChatGPT, chủ đề “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo - lợi ích và thách thức đối với giáo dục”.

Vào cuộc truy tìm, nhiều chuyên gia nhận thấy GPT đời đầu được tạo ra với mục đích chính là “Sinh chữ”, một dạng chơi trò nối từ với trí tuệ nhân tạo. Sau khi “ai” đó viết một câu, thì “AI” (Artificial Intelligence - trí tuệ nhân tạo) sẽ dựa trên kiến thức đang lưu trữ trong bộ nhớ mà “sinh ra chữ” để nối tiếp vào. Và cũng chính vì phụ thuộc dữ liệu - đang lưu trữ hoặc đã được dạy - mà các câu trả lời của ChatGPT có thể cho ra thông tin không chính xác, tính đến thời điểm này.

*
*          *

Những “dữ liệu” về hỏi - đáp kiểu như thế đã đánh động không ít đến chuyện dạy - học.

Bạn đừng vội nghĩ câu hỏi mà tôi vừa thử “nhại” ChatGPT, rằng “nhiều học trò không mấy say mê môn văn”, là… lạc đề. Bởi trước khi ChatGPT thực sự chiếm lĩnh không gian hỏi - đáp trong tương lai không xa, có lẽ cách thức hỏi - đáp bây giờ cần soi rọi lại. Rộng hơn là soi rọi chuyện truyền dạy, chuyện đánh thức niềm đam mê… Hãy bắt đầu với lối đọc văn và dạy văn.

Tôi nhớ giáo sư Cao Huy Thuần từng có lần thủ thỉ xung quanh lối đọc văn - dạy văn. Trong cuốn tản văn có tựa “Chuyện trò”, ông gợi ý cần sớm vượt ra ngoài khuôn khổ của cách dạy cổ điển, tức cách dạy chỉ tập trung trên bài văn, khép kín trên bài văn, mổ xẻ như mổ tử thi. “Như mổ tử thi”, lần đầu tiên tôi thấy có người so sánh đầy hình ảnh như vậy khi bàn về lối dạy văn quá cứng nhắc.

“Mổ xẻ như mổ tử thi: này tác giả, này văn phạm, này chữ khó, này cách ngắt câu, cách hành văn, nói chung là cú pháp, nói chung là phải phân tích “khách quan”. Rồi cũng “khách quan”, rút ra một nội dung, một ý nghĩa, cho là của bài văn, cho là của tác giả, nói chung là chỉ có một ý nghĩa đó thôi, học trò phải húp như húp cháo” (Chuyện trò, NXB Trẻ 2013, trang 237).

Lại nhớ có lần nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ trên tài khoản cá nhân về cảm giác không ưng ý khi có người hỏi “hoàn cảnh sáng tác” bài thơ “Bài học đầu cho con”. Bài thơ này sau đó được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thành ca khúc “Quê hương” quen thuộc.

Dĩ nhiên, nhà thơ họ Đỗ không muốn mở rộng phản hồi trước câu hỏi máy móc ấy thôi, chứ nhiều người biết rõ ông viết tặng bài thơ này cho con gái nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Và thật ngẫu nhiên, ở khổ thơ đầu đã xuất hiện những “câu hỏi”, hơi gấp gáp, với hình ảnh em bé, người mẹ và cả cô giáo. Khổ thơ này vốn dĩ không có trong ca từ mà nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc, nguyên do 4 câu ấy không có trong bản in đầu tiên năm 1986:

“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều”.

*
*            *

Đọc văn có cái thú ngồi nơi góc hè mà ngao du với ông Jules Verne tận đáy bể, tức ngao du qua những trang sách “Hai vạn dặm dưới đáy biển”. Nhưng giáo sư Cao Huy Thuần cho cái thú ấy chỉ đến từ lối đọc tự do, đọc ngoài nhà trường.

Còn đến khi phải đọc bài văn trong lớp dưới cái nhìn lạnh lùng của ông thầy, để cắt nghĩa, để bình giảng… thì ông bảo không chừng cái thú biến đâu mất, nhất là bài văn khó. “Những lúc ấy, vai trò của ông thầy là phải gợi thích thú cho người đọc”, ông viết.

Từ lối hình dung “ngao du với ông Jules Verne tận đáy bể” của giáo sư Cao Huy Thuần, tôi lan man nghĩ đến phút giây tưởng tượng bay bổng của những độc giả trẻ, khi cùng chú bé tí hon Nils Holgersson bám vào cổ con ngỗng bay khắp các vùng quê Thụy Điển trong kiệt tác “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils Holgersson” của nữ văn sĩ Selma Lagerlöf. Cũng từng có đứa trẻ Việt Nam lén chùi nước mắt vì quá thương cậu bé Rémy bất hạnh đang lưu lạc đâu đó tận nước Pháp xa xôi, sau khi gấp cuốn “Không gia đình” của Hector Malot.

Tự nhiên, tôi muốn “nhại” ChatGPT để hỏi - đáp thêm một lần nữa:

- Tại sao nhiều học trò bây giờ không say mê môn văn?

- Không có bằng chứng chính thức để chứng minh số lượng “nhiều” học trò không mấy say mê môn văn. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách khơi gợi niềm yêu thích thì hãy tin rằng các em sẽ biết cách tán gẫu với nhân vật trên trang sách…

Tôi có chút băn khoăn, liệu rồi “con” chatbot (chương trình trả lời tự động) sẽ phải gom góp những dữ liệu gì để đưa ra câu trả lời giống như những gì tôi vừa “nhại”. Tôi cũng không hình dung mai này chuyện hỏi - đáp “tự động hóa” ấy rồi sẽ ra sao và liệu người truyền dạy có mất hẳn chỗ đứng hay không.

Tương lai thật khó đoán định… Nhưng tôi vẫn có niềm tin vào người đối diện, vào cảm xúc khi chia sẻ và rằng không phải bất cứ thắc mắc nào cũng bị quẳng vào hộp chat với kẻ giấu mặt thông minh.

Tôi không tiếp tục “nhại” ChatGPT để chat hỏi xem học trò bây giờ thường muốn nhận lãnh những gì trên hành trình theo đuổi con chữ và kiến thức. Hãy tự trả lời, trước khi các em đặt câu hỏi.

HỨA XUYÊN HUỲNH