Nguyễn Thị Thanh - người nông dân và chặng đường đến sự thật
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thanh ở Phong Nhị (phường Điện An, thị xã Điện Bàn) mấy ngày qua đón rất nhiều khách, bà con lối xóm đến chia sẻ niềm vui thắng kiện trong phiên tòa sơ thẩm kiện chính phủ Hàn Quốc về việc quân đội Đại Hàn đã gây ra vụ thảm sát Phong Nhị năm 1968, giết hại 5 người trong gia đình bà. Để có ngày được thỏa ước này, bà đã trải qua nhiều năm nỗ lực hết mình cho sự thật và công lý.
Tuổi thơ dữ dội
Buổi sáng ngày 14/2/1968, cô bé Nguyễn Thị Thanh lúc ấy mới 8 tuổi, đang ở nhà với anh, em trai và dì, thì một toán lính Đại Hàn kéo vào làng. Sau loạt súng nổ ngoài đường làng, bọn lính bước vào nhà và lần lượt bắn từng người. Trước khi rút đi chúng bật lửa đốt nhà.
Bé Thanh ôm vết thương ở bụng, lê bước chạy đi tìm mẹ trong tiếng giục giã của anh trai khi thấy lửa đã bùng cháy lan ra sân. Hình ảnh cuối cùng trong mắt Thanh là xác người dì gục chết bên đứa con nhỏ, và đứa em trai 5 tuổi bị bắn vào miệng, vẫn còn đang thở dốc, không biết rằng mẹ mình cũng đã bị bắn chết ở một nơi khác trong làng.
“Tại Quốc hội, một đạo luật đặc biệt nhằm điều tra sự thật vụ thảm sát dân thường của quân đội Hàn Quốc đã được đề xuất, nhưng kỳ họp đã kết thúc mà không có cuộc thảo luận công khai nào. Nay “Đạo luật đặc biệt về điều tra các vụ án thường dân là nạn nhân” sẽ sớm được đề xuất. Phán quyết này rất đáng khích lệ vì dự luật đặc biệt đã đạt được tính hợp pháp. Và tôi tin rằng chính phủ có thể giải quyết vấn đề lịch sử chiến tranh Việt Nam trong quá khứ nếu họ có thiện chí”, Hyun Woo Kwon - Tổng thư ký Quỹ hòa bình Hàn - Việt (theo Mindle News).
Nhiều năm về sau, mỗi khi nhớ về những ký ức kinh hoàng, bà Thanh vẫn còn bị cảnh tượng ấy ám ảnh với niềm ân hận giày vò khôn nguôi là đã chạy đi mà để em mình lại đó, nhưng một đứa bé chỉ mới 8 tuổi ruột đang đổ ra ngoài vì vết thương ở bụng có thể làm gì hơn?
Từ sau buổi sáng định mệnh đó, cuộc đời Thanh bước sang trang khác. Được máy bay cứu thương của quân đội Mỹ đưa ra Đà Nẵng chữa trị, lúc tỉnh lại và rất nhiều lần trong những năm tháng tuổi thơ cơ cực sau này, Thanh đã trách ông trời sao không để mình được chết cùng mẹ và em.
Ngày thống nhất đất nước, Thanh trở về quê sau thời gian giúp việc ở Đà Nẵng, làm ruộng, lấy chồng rồi sinh con. Khó khăn của cuộc sống những năm sau hòa bình không khiến người làng Phong Nhị quên chuyện bi thương cũ.
Hàng năm, đúng ngày 24 tháng Giêng, cả làng tổ chức ngày giỗ chung cho 74 nạn nhân của vụ thảm sát, gọi là ngày “giỗ Đại Hàn”. Một tấm bia tưởng niệm được dựng lên ghi khắc ký ức hãi hùng ngày hôm ấy. Những ghi nhớ này, 50 năm sau, trước Tòa án Seoul, đã trở thành chứng cứ được luật sư đưa ra để khẳng định vụ thảm sát là sự thật.
Đường đến sự thật
Rồi đất nước mở cửa. Một buổi sáng năm 2000, có một người Hàn đầu tiên trở lại Phong Nhị sau chiến tranh…
Đó là một cô gái Hàn nói tiếng Việt giỏi như người Việt - tiến sĩ Ku Su Jeong - vào năm 1999, đã viết những bài đầu tiên trên báo Hankyoreh về các vụ thảm sát của lính Đại Hàn trong chiến tranh Việt Nam, gây rúng động dư luận Hàn Quốc vốn chưa hề biết đến sự thật này.
“Mặc dù chúng ta đã chiến thắng nửa thế kỷ trước, nhưng những vết sẹo rách sâu chúng ta để lại trên tâm hồn của người Việt Nam vẫn chưa bao giờ được chữa lành hay biến mất.
Những vết sẹo mà đế quốc Nhật Bản để lại cho chúng ta 80 năm trước cũng chưa bao giờ biến mất và hậu quả của nó sẽ khắc sâu trong tim chúng ta. Vì vậy nếu chúng ta sai, chúng ta có thể chấm dứt một vết thương tương tự trên đất nước Việt Nam, để chúng ta, như một con người trưởng thành, kiến tạo hòa bình thực sự ở châu Á và trên thế giới.
Chúng ta phải hành động chân thành, khiêm nhường và can đảm để chữa lành, chứ không phải khỏa lấp đi những vết thương trong lòng. Tôi tin rằng lần này phán quyết tư pháp của chúng ta sẽ là bước khởi đầu” - Woo Il Kang - Chủ tịch Quỹ hòa bình Hàn - Việt.
Bà Thanh còn nhớ: “Tôi nghe nói có người Hàn Quốc tới làng, đang làm cỏ lúa, tôi bỏ đó chạy tới. Tôi đứng lên kể chuyện gia đình, những người ngồi đó ai cũng khóc. Rồi mọi người nói thôi, lính Đại Hàn đánh thuê cho Mỹ thì trách chi. Tôi nói tôi không biết ai đánh thuê cho ai, nhưng ai cầm súng giết chết gia đình tôi để tôi quá đau khổ thì tôi căm hận kẻ đó.
Lúc đó tôi rất căm thù, nhưng rồi những năm sau, cùng với Ku Su Jeong, những người Hàn khác đến, thăm hỏi, trò chuyện, xin lỗi và nói rằng đó là lỗi lầm của thế hệ trước, tôi dần vơi bớt nỗi đau trong lòng, chứ lúc đầu tôi vừa sợ vừa căm thù. Nhìn thấy đàn ông Hàn Quốc, nhất là những người có râu là tôi sợ tôi chạy trốn, tôi không cho họ vào nhà”.
Năm 2015, được sự hỗ trợ của Quỹ hòa bình Hàn - Việt và các tổ chức xã hội dân sự, bà Thanh được mời sang Hàn Quốc cùng một nạn nhân vụ thảm sát Bình Hòa ở Quảng Ngãi.
“Tôi là người nông dân cả đời chỉ biết ruộng vườn, con cái, chưa hề đi đâu ra khỏi lũy tre làng. Trước khi đi, tôi hỏi ý kiến anh tôi - người cũng từng thoát chết trong vụ thảm sát, anh không cho tôi đi. Anh nói: “Đại Hàn đã giết cả gia đình mình, em qua đó họ giết luôn em mất” - nhưng tôi vẫn quyết đi, đi để lên tiếng cho người Hàn biết về sự thật này”.
Và tiếng nói của bà trước diễn đàn quốc hội năm đó như một quả bom nổ giữa Seoul, hơn một nghìn cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam kéo đến biểu tình đòi giết bà và TS. Ku Su Jeong. Nhưng bất chấp, phong trào hòa bình đòi minh bạch lịch sử trong xã hội Hàn Quốc ngày càng mạnh mẽ.
Niềm tin ở lương tri
Năm 2018, cái tên Nguyễn Thị Thanh cùng một nạn nhân vụ thảm sát Hà My - Điện Dương được xướng lên trong lễ trao Giải thưởng Hòa bình. Đây là giải thưởng lớn được lập bởi Tổ chức phi chính phủ Jeju 3 tháng 4 với tôn chỉ tin tưởng vào những giá trị hòa giải và dung hòa khác biệt trong giải quyết hệ lụy của thảm sát Jeju, nơi gần như toàn bộ người dân hòn đảo này bị thảm sát đẫm máu vào năm 1948.
Năm 2020, được sự hỗ trợ của nhóm luật sư Vì một xã hội dân chủ, bà Thanh đại diện cho 74 nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị đệ đơn ra Tòa án Seoul, đòi chính phủ Hàn xin lỗi và bồi thường thiệt hại.
Ba năm theo đuổi vụ kiện với hơn 10 phiên tranh tụng, hàng chục cuộc tiếp xúc với các luật sư và họp báo với truyền thông Hàn Quốc, nhiều lần bà Thanh thấy nản, nhưng nghĩ đến 74 con người đã bị giết hại dã man trong buổi sáng hơn 50 năm trước, nghĩ đến đứa em trai miệng đầy máu hồi còn sống mà không thể cứu khiến bà day dứt cả đời, nghĩ đến những năm tuổi thơ không gia đình tủi cực, bà lại ra mộ mẹ và tấm bia tưởng niệm cầu nguyện cho có thêm sức mạnh và lòng can đảm để sự thật được minh định.
Bao đêm mất ngủ, hồi hộp căng thẳng giữa Seoul, chờ hôm sau gặp luật sư, trình bày với Ủy ban Sự thật và Hòa giải, với quốc hội và báo chí Hàn quốc và ra tòa, bà chỉ ước mình được học hành đến nơi đến chốn để ăn nói thuyết phục chứ không phải chỉ là một người nông dân mới học hết lớp ba. Được sự động viên của những người bạn Hàn Quốc, cuối cùng bà hiểu rằng, sức mạnh lớn nhất của mình chính là niềm tin ở sự thật.
Và lời nguyện cầu đã thành hiện thực, hay sự thật vốn không thể che giấu dù tuyên ngôn hoặc phủ nhận cách nào, phiên tòa sơ thẩm ngày 7/2 vừa qua đã đi vào lịch sử tư pháp Hàn Quốc, với bản án được đưa ra cho chính phủ Hàn: “Phải bồi thường cho nạn nhân vụ thảm sát thường dân ở Phong Nhị 30 triệu won”.
Ngày “giỗ Đại Hàn” lần thứ 55 ở Phong Nhị cũng vừa đi qua, đến hôm nay, với dân làng, 74 linh hồn ấy đã được an ủi. Bản án sơ thẩm đã đem lại cho bà Thanh một niềm tin mạnh mẽ vào lương tri và phẩm giá con người.