Người cộng sản kiên trung mẫu mực
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 3/1945. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII. Đồng chí từ trần ngày 30/9/1989, thọ 76 tuổi.
Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết.
Tinh thần, trách nhiệm cao trước Đảng và Nhân dân
Ngay từ khi còn trẻ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp khoa kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1938, đồng chí hành nghề kiến trúc sư và sớm nổi tiếng ở Sài Gòn, nhưng không quan tâm đến việc làm giàu mà tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đồng chí tích cực tham gia phong trào “Truyền bá quốc ngữ”, phong trào “Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ”; là một trong những người tổ chức, cổ vũ, lãnh đạo phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam, phong trào “Thanh niên tiền phong”, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh yêu nước do Đảng lãnh đạo.
Lực lượng “Thanh niên tiền phong” do đồng chí tham gia tổ chức và lãnh đạo đóng vai trò xung kích quan trọng trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tại Sài Gòn và Nam Bộ, ngày 25/8/1945.
Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các dân tộc, tôn giáo, các đảng phái yêu nước và các tầng lớp nhân dân đã tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam và tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương. Với trọng trách của mình, đồng chí tìm mọi cách vào Sài Gòn, móc nối, tập hợp lại lực lượng, thành lập Ban cán sự Trí vận nội thành; hàng loạt cán bộ trẻ được bồi dưỡng về đường lối cách mạng miền Nam và phương pháp hoạt động bí mật, nên trụ vững giữa mạng lưới công an, cảnh sát dày đặc của Mỹ và ngụy quyền.
Đứng trước những diễn biến mang tính bước ngoặt của tình hình trong và ngoài nước sau thắng lợi của chiến dịch Mậu Thân năm 1968, với công tác chuẩn bị kỹ và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, từ ngày 6 - 8/6/1969, Đại hội Đại biểu quốc dân toàn miền Nam khai mạc trọng thể tại vùng Tà Nốt (Tây Ninh), đã bầu chọn những nhà trí thức tiêu biểu thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Chính phủ.
Tôn chỉ hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xác định là thực hiện chính sách hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời và hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi. Những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Huỳnh Tấn Phát ngay trong những ngày đầu mới thành lập đã góp phần tăng đáng kể uy tín quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng thời giúp cho các nước thừa nhận đây là đại diện hợp pháp cho nhân dân miền Nam Việt Nam...
Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cả về tinh thần và vật chất to lớn chính là động lực để quân dân Việt Nam dồn sức thực hiện đấu tranh quân sự, chính trị, đưa cách mạng miền Nam nhanh chóng đi đến thắng lợi với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Sau khi đất nước thống nhất, trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách quy hoạch đô thị, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã giành nhiều thời gian đi tìm hiểu thực tế và kiểm tra công tác quy hoạch, đặc biệt là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để có cái nhìn tổng thể và có nhiều đóng góp vào công việc chung của Chính phủ, đặc biệt với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải tạo, khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh...
Tháng 6/1982, đồng chí được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ II MTTQ Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 12 - 14/5/1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Trên cương vị công tác nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhân dân giao phó và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại của Hội đồng Nhà nước cũng như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Làm cách mạng trọn vẹn cả tâm và lực
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, cả đời gắn bó với nhân dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân với trí tuệ và tình cảm của một trí thức yêu nước, một nhà chính trị lớn - nhà văn hóa lớn - kiến trúc sư có tâm và có tầm. Ở đồng chí, các mặt chính trị, văn hóa, đạo đức luôn hòa quyện.
Là một kiến trúc sư nổi tiếng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát có rất nhiều điều kiện để sống cuộc sống giàu sang dư giả về vật chất, danh lợi. Vượt lên trên hết, khi quyết định đi theo con đường cách mạng, đồng chí phải chịu sức ép không nhỏ từ chính quyền thực dân. Tuy nhiên, đồng chí đã thể hiện một nhân cách lớn, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân, quyết tâm đi theo cách mạng.
Từ khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương tháng (3/1945) cho đến khi trở về cõi vĩnh hằng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tuyệt đối trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn. Lý tưởng và tố chất của người cộng sản đã làm cho tài năng và đức độ của đồng chí tỏa sáng. Suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn tin vào sức mạnh của quần chúng và sự tất thắng của cách mạng, đồng chí luôn lạc quan với nụ cười rộng mở không bao giờ tắt trên môi trong mọi cuộc tiếp xúc.
Nhận thức được chính nghĩa, giá trị nhân văn to lớn của sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã làm cách mạng một cách trọn vẹn cả tâm và lực. Là một trí thức lớn và là một cán bộ cấp cao nhưng trong sinh hoạt, đồng chí luôn thể hiện phong cách bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với mọi người; là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản kiên trung, suốt đời hy sinh, phục vụ nhân dân, đất nước.
Cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát cho thấy rõ: Khi có lòng yêu nước thương dân nồng nàn, khi đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích bản thân, khi đề cao đạo đức trong sáng, khiêm nhường và biết sử dụng tài năng của mình “phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân” thì mặc cho thành phần xuất thân thế nào, phong thái ra sao, vẫn sẽ rất gần dân, được nhân dân tin yêu, đón nhận và đi theo. Đồng chí là người tiêu biểu cho tư tưởng, phong cách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hiểu đúng, hiểu sâu và hiện thực hóa rất tốt tư tưởng đặc biệt quan trọng ấy của Người.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và Nhân dân. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở Nam bộ và cơ quan Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và Nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên hết.
Trong ngục tù của kẻ thù, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đến khi trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Nét nổi bật trong phong cách của đồng chí Huỳnh Tấn Phát là tác phong làm việc tỉ mỉ, cụ thể, cởi mở, dân chủ; thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân để suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Mỗi quyết sách của đồng chí đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng.
Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Tấm gương kết đoàn
Cả cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Cùng với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những cống hiến nổi bật trong sự nghiệp tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến thắng lợi tại khu Sài Gòn - Gia Định và trên toàn miền Nam Việt Nam, có công lớn trong việc hình thành và củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam...
Đồng chí là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế. Rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật tiêu biểu và nhân dân tiến bộ trên thế giới xem ông là một trong những “đầu mối” để thiết lập tình đoàn kết, gắn bó với nhân dân Việt Nam. Trên cả hai mặt trận, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, đồng chí đều làm tròn trách nhiệm, có những đóng góp đặc biệt quan trọng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại mà đồng chí là một trong những nhân tố then chốt.
------------------------
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương)