"Xin lỗi các bạn!"
Những giọt nước mắt hối lỗi của ông Kim Chang Sup - Trưởng đoàn Quỹ Hòa bình Hàn - Việt trong lễ Tưởng niệm Vụ thảm sát 135 người dân vô tội tại Xóm Tây, làng Hà My, phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) sáng hôm qua 14/2 đã phần nào xoa dịu nỗi đau trong ký ức kinh hoàng của 55 năm về trước.
Bà Trương Thị Thu (85 tuổi) ngồi bất động nhìn vào tấm bia tưởng niệm, nơi có tên hai đứa con bà. “Tụi hắn còn nhỏ lắm, con chị mới 9 tuổi còn thằng nhỏ mới 7 tuổi” - bà nói như thầm thì với chính mình.
Trong ký ức bà Thu, buổi sáng 24 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968) là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Hai đứa con bà Thu nằm trong số 135 nạn nhân vô tội bị binh lính thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh (Nam Triều Tiên) giết hại trong vụ thảm sát lớn nhất trên địa bàn huyện Điện Bàn lúc bấy giờ.
Ông Nguyễn Cọi (78 tuổi), nhân chứng vụ thảm sát nói rằng, nỗi đau đớn khi cùng lúc 12 người thân của ông bị giết chết đến bây giờ vẫn không thể nào nguôi.
Tròn 55 năm vụ thảm sát xảy ra, quá khứ dù đã khép lại nhưng nỗi đau như vết thương lòng ứa máu mỗi khi nhắc đến. Ngày 24 tháng Giêng hằng năm trở thành ngày giỗ tập thể Xóm Tây, làng Hà My, một ngày sau đó các gia đình tự tổ chức giỗ riêng cho từng nạn nhân trong gia đình.
Năm 1999, phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” được hình thành tại Hàn Quốc sau loạt phóng sự của nữ Tiến sĩ - nhà báo Ku Su Jeong đăng trên Tạp chí Hankyoreh 21 về những vụ thảm sát của quân đội Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam.
Thông qua phong trào, các tổ chức dân sự Hàn Quốc, trong đó có Quỹ hòa bình Hàn - Việt đã thường xuyên đưa những người Hàn Quốc đến Quảng Nam để tạ lỗi với nạn nhân và thân nhân những người đã bị binh lính Nam Triều Tiên thảm sát trong chiến tranh.
Tại khu tưởng niệm vụ thảm sát Xóm Tây làng Hà My hôm qua, những giọt nước mắt và những lời chia sẻ, xin lỗi chân thành được những người Hàn Quốc trải lòng với sự ăn năn sâu sắc.
Trong bài phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Kim Chang Sup - Trưởng đoàn Quỹ Hòa bình Hàn - Việt nói: “Xấu hổ thay khi đứng ở đây ngày hôm nay... tôi xin lỗi hương linh của 135 vị đã nằm xuống nơi đất Hà My.
Sinh mệnh của các vị đã dừng lại trong ngày 24 tháng Giêng năm 1968 ấy, nhưng các vị sẽ sống mãi trong cuộc sống và ký ức của chúng tôi. Xin lỗi các bạn, những người 55 năm qua mỗi sáng chiều lại phải dâng hương cho người thân đã mất”.
Ông Kim Chang Sup khẳng định sẽ luôn cố gắng có thể giúp đỡ người dân nơi đây để vơi bớt nỗi đau của Hà My.
Trong số 37 thành viên đoàn Quỹ hòa bình Hàn - Việt tham dự lễ Tưởng niệm vụ thảm sát Hà My hôm qua còn có đại diện giáo viên, giảng viên, nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc.
Bà Kang Min Jung - Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc chia sẻ, tuy không phải là người đại diện Chính phủ Hàn Quốc nhưng với vai trò của một nghị sĩ quốc hội, bà muốn bày tỏ lời xin lỗi với những người dân làng Hà My.
“Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam có cả ánh sáng và bóng tối. Trong đó, ánh sáng được thể hiện qua mối quan hệ giao lưu trên rất nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và mặt tối là quá khứ về sự tham chiến của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Việt Nam và đã gây ra những đau thương kéo dài, những chuyện lẽ ra không nên có” - bà Kang Min Jung nói.
Một nghị sĩ Hàn Quốc kiến nghị xây dựng Luật đặc biệt để giải quyết vấn đề thảm sát
“Tôi đến Việt Nam lần này không phải tìm về quá khứ của cha ông đi trước mà tìm về sự thật lịch sử chân chính của nó.
Đối với chúng tôi cũng như nhiều người Hàn Quốc khác, biết về sự thật lịch sử rất quan trọng, khi biết sự thật này chúng tối muốn bày tỏ lời xin lỗi của mình và đưa tay ra nắm lấy những bàn tay, những thân nhân người đã khuất để chia sẻ nỗi đau mà họ chịu đựng trong suốt thời gian qua.
Với tư cách là nghị sĩ quốc hội, chúng tôi đang đưa ra những kiến nghị xây dựng Luật đặc biệt nhằm giải quyết những vấn đề về thảm sát của quân đội Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh Việt Nam.
Thời gian tới chúng tôi sẽ chính thức đệ trình những phác thảo ban đầu về Luật đặc biệt ra quốc hội, nếu được thông qua nó sẽ có những bước tiến tốt hơn từ phía Chính phủ Hàn Quốc về những sự việc liên quan đến các vụ thảm sát mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra trong lịch sử chiến tranh Việt Nam” - bà Kang Min Jung nói.