Tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
(QNO) - Chiều nay 14/2, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi chỉ đạo tỉnh Quảng Nam; các thành viên Tổ công tác Ban Chỉ đạo Trung ương; đại diện Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhìn nhận, trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã triển khai Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đạt nhiều kết quả quan trọng. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng được tăng cường. Thế trận lòng dân ngày càng được củng cố, vững chắc.
Các tiềm lực trong khu vực phòng thủ được đầu tư xây dựng. Nhận thức, tư tưởng của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng được nâng cao. Lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
“Những thành quả nổi bật trên đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về quốc phòng - an ninh tại Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vận hành đồng bộ, thông suốt và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đạt nhiều thành quả rất đáng trân trọng.
Cho rằng bối cảnh mới đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, đồng chí Trần Tuấn Anh lưu ý, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện tốt 5 nội dung trọng tâm cùng với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của tỉnh.
Trong đó, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27, ngày 9/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII).
Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân; đảm bảo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của các tầng lớp xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 26, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bảo đảm kinh tế phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...