Chủ động điều hành, cân đối ngân sách
Ngân sách Quảng Nam năm 2023 sẽ bội chi 409 tỷ đồng (giai đoạn 2023 - 2025 sẽ bội chi 1.529 tỷ đồng). Việc thâm hụt ngân sách này có dễ xử lý và có đủ tiền để chi tiêu?
Bội chi
UBND tỉnh công bố tổng dự toán chi ngân sách địa phương năm 2023 khoảng 33.064 tỷ đồng, bao gồm: chi cân đối ngân sách 29.195 tỷ đồng và chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu 3.869 tỷ đồng.
Chi cân đối ngân sách dành phần lớn cho chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Số còn lại sẽ chi trả lãi do chính quyền vay, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, tạo nguồn cải cách tiền lương, dự phòng ngân sách và chi viện trợ (ghi thu, ghi chi).
Theo đó, chi thường xuyên chỉ tăng 5% và chi đầu tư phát triển tăng 8% so dự toán năm 2022, nhưng chi thường xuyên chiếm gấp 3 lần chi cho đầu tư phát triển (13.508/4.958 tỷ đồng).
Tất cả khoản chi sự nghiệp của chi thường xuyên đều gia tăng. Tăng ít nhất 2% như GD-ĐT, dạy nghề, y tế, quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể. Số còn lại đều tăng đáng kể, như: chi cho quốc phòng tăng 13%, an ninh tăng 30%, khoa học công nghệ tăng 9%, văn hóa thông tin 11% và chi cho sự nghiệp môi trường tăng 25%.
So sánh tổng chi/thu ngân sách địa phương năm 2023 có thể thấy ngay ngân sách bị bội chi 490 tỷ đồng (33.064 - 32.574). Theo số liệu khác, tổng chi ngân sách địa phương, giai đoạn 2023 - 2025 là 104.504 tỷ đồng.
Chi cân đối ngân sách địa phương khoảng 91.619 tỷ đồng thì chi đầu tư phát triển chỉ khoảng 16.040 tỷ đồng và chi thường xuyên 39.925 tỷ đồng. Nhưng tổng thu giai đoạn 2023 - 2025 chỉ khoảng 102.975 tỷ đồng, như vậy bội chi ngân sách lên đến 1.529 tỷ đồng.
Những con số thống kê này cho thấy chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng quá thấp so với tổng chi thường xuyên là mâu thuẫn lý thuyết kinh tế. Nền kinh tế cần gia tăng chi đầu tư phát triển để kích thích kinh tế, nhưng điều ngược lại này đã đẩy gánh nặng chi ngân sách cho bộ máy nhà nước ngày càng tăng làm tăng áp lực thu ngân sách.
Nếu thu ngân sách gặp khó, chi thường xuyên không giảm. Thu không đủ bù chi, thì việc tạm ứng, vay là điều tất yếu. Dễ dàng đoán trước việc chi trả nợ cũng sẽ không bao giờ chấm dứt. Một ngân sách mà dành cho chi tiêu quản lý hành chính hầu hết thay vì chi cho đầu tư phát triển thì khó lòng nuôi dưỡng nguồn thu.
Có thể hiểu khả năng cân đối ngân sách rất khó. Nguồn thu khó, nhưng chi ngân sách lại không thể cắt giảm so dự toán. Thu có thể không tăng, nhưng chi không thể dừng. Việc giải quyết cân đối giữa thu - chi ngân sách được xem là nhiệm vụ hàng đầu của công tác quản lý, điều hành nền kinh tế.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế địa phương luôn không đáp ứng kịp nhu cầu chi tiêu. Tình trạng này thường xuyên xảy ra, nên chuyện bội chi ngân sách của Quảng Nam không phải là ngoại lệ. Việc thâm hụt ngân sách, mất cân đối giữa thu - chi, có phải là điều “đáng sợ, đáng lo ngại” hay không?.
Đảm bảo cân đối ngân sách
Ngân sách eo hẹp. Chi ngân sách sẽ bị kéo căng. Lấy từ đâu để chi tiêu? Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, nền kinh tế dù có diễn biến bất kỳ tình huống nào thì địa phương cũng sẽ cân đối được ngân sách, không cắt giảm khoản chi tiêu nào trong dự toán đã được duyệt.
Lịch sử điều hành, cân đối ngân sách địa phương luôn cho thấy có sẵn một khoản dự phòng, dự trữ tài chính và dự phòng ngân sách (thể hiện rất rõ trong việc phân bổ chi ngân sách thường niên và giai đoạn đều có khoản này).
Thực tế, không ít năm thu ngân sách không đạt dự toán, ngân sách thâm hụt, mất cân đối giữa thu - chi, bội chi gia tăng, nhưng việc hụt đi các khoản chi tiêu cho đầu tư, chi thường xuyên... chưa bao giờ xảy ra tại Quảng Nam. Ngân sách luôn được cân đối.
Theo nhận định của chính quyền và cơ quan quản lý tài chính, con số thu nội địa chỉ tiêu đặt ra từng năm, giai đoạn sẽ không khó để đạt (trừ trường hợp bất khả kháng). Nếu một khi thu ngân sách chưa theo kịp tiến độ thì dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính của địa phương cũng dư sức cân đối được chi tiêu, không thể thiếu hụt.
Sự sụt giảm nền kinh tế đã được dự lường ngay từ đầu khi xây dựng dự toán thu nên chi ngân sách sẽ không bị động. Chính quyền và cơ quan quản lý đã rút kinh nghiệm nhiều năm điều hành ngân sách theo dự toán và thực tế nên cũng đã tăng lượng dự phòng, sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống xấu nào (kể cả thiên tai, dịch bệnh).
Sức ép điều hành cân đối luôn đè nặng trên vai ngân sách địa phương. Theo ông Đặng Phong, chi ngân sách sẽ phải bám sát dự toán, tiến độ thu, định kỳ hàng quý đánh giá khả năng thu để chủ động điều hành chi ngân sách. Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả đúng định mức, chế độ quy định.
Trong các văn bản điều hành thu, chi ngân sách, chính quyền đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động điều hành, cân đối khoản kinh phí trong dự toán ngân sách đã được giao để thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo cân đối chi ngân sách theo dự toán và tiến độ thu. Sẽ phải sắp xếp các nhiệm vụ chi theo chương trình, kế hoạch đã đề ra để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, hạn chế số dư dự toán bị hủy bỏ.
Các địa phương, cơ quan không đề xuất ban hành các chính sách không đúng, không sát với thực tế và thiếu nguồn lực thực hiện, gây khó cho cân đối ngân sách. Chỉ có thể bổ sung chi cho các nhiệm vụ chi thực sự cần thiết, bức xúc, phục vụ cho công tác phòng tránh thiên tai, dịch bệnh.
Không đề xuất, bổ sung các đề án, chương trình hay ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhưng không có nguồn đảm bảo. Kiên quyết không giải ngân những khoản chi không đúng chế độ, chính sách, không có trong dự toán.