Vì cuộc sống yên bình
Người vùng cao thường đặt lá Quốc kỳ và di ảnh Bác Hồ ngay chính giữa gian thờ tổ tiên với sự trang trọng. Họ xem đó là cách bày tỏ lòng biết ơn với Đảng, với Bác Hồ, nhắc nhớ cháu con yêu hơn màu cờ Tổ quốc, cùng góp xây cuộc sống mới thêm ấm no, yên bình.
Những lá cờ đỏ rực tung bay trước gió như tô thêm vẻ đẹp của làng văn hóa Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang). Ông Cơlâu Nhức - Bí thư Chi bộ Pơr’ning cho biết, hằng năm, chính quyền địa phương vận động người dân treo cờ Tổ quốc từ trước thời điểm đón Tết Nguyên đán nhằm “trang trí” cho không gian vui xuân thêm ấm áp.
“Thông qua hành động này, chúng tôi khuyến khích người dân nêu cao tinh thần yêu nước, góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, cuộc sống ngày thêm no đủ và bình yên” - ông Nhức chia sẻ.
Nêu gương việc tử tế
Không còn đủ sức khỏe tham gia các chuyến tuần tra cột mốc, ông Zơrâm Nhúa (ở thôn Glao, xã Ga Ry, Tây Giang) chuyển hướng làm “cộng sự” giúp Đồn Biên phòng và chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền người dân xây dựng cuộc sống mới một cách hiệu quả. Bắt đầu từ việc hạn chế đốt nương làm rẫy, tập trung khai hoang.
Hồi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính ông là người làm “cầu nối” thông tin về tình hình dịch bệnh và vận động đồng bào 2 bên biên giới tạm dừng việc thăm thân, giúp ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng.
Ông Nhúa nói, có thời điểm ông đi bộ cả ngày đường để gùi lương thực của người dân Glao hỗ trợ người thân ở cụm bản của Lào. Toàn bộ lương thực được ông gửi lại trên chòi rẫy, rồi tìm cách thông báo các bạn Lào đến nhận dễ dàng.
“Mình bỏ công, bỏ sức vừa không cho dịch bệnh có cơ hội lây lan, vừa hạn chế tình trạng vượt biên trái phép, để cuộc sống người dân luôn được bình yên, an toàn” - ông Nhúa bộc bạch.
Ông Bríu Ngô - Trưởng thôn Glao cho hay, sau thời gian nỗ lực kiểm soát, đầu năm 2022, dịch bệnh COVID-19 bất ngờ xuất hiện tại địa phương. Dịch bùng phát và lan mạnh, cả người dân Glao đều có tâm lý hoảng loạn, nhiều người tìm cách chạy khỏi làng để “trốn” dịch.
Giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng”, chính ông Nhúa và một số già làng khác tại địa phương đã ngồi lại bàn cách khống chế, vận động người dân tự cách ly, chờ sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
“Bằng tiếng nói của mình, già Nhúa cùng chính quyền thôn vận động người dân ở yên tại chỗ, hợp tác với lực lượng chức năng để tìm cách dập dịch. Người dân sau đó nghe theo, chỉ sau thời gian ngắn, dịch bệnh được khống chế, cuộc sống người dân đã trở lại bình thường như trước, nên ai cũng mừng” - ông Ngô chia sẻ.
Già Nhúa là điển hình trong việc nêu gương của cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng biên. Mỗi người một câu chuyện và hành động tử tế, đã góp sức tạo sự lan tỏa lớn, giúp cuộc sống người dân ngày thêm no ấm.
Những già làng tiêu biểu như Zơrâm Nhưa, Zơrâm Niêm, Blúp Dứ (Nam Giang); Pơloong Críp, Bh’riu Pố, Alăng Đàn (Tây Giang); Hồ Văn Dinh, Dương Lai (Bắc Trà My)… với nhiều việc làm tử tế, tạo niềm tin cho cộng đồng vùng cao xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
Tấm gương phản chiếu
Ông Bh’riu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cho hay, từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây cuộc sống người dân vùng cao đã có nhiều đổi mới. Không còn tâm lý “chạy lo ăn”, người dân dành nhiều thời gian hơn cho việc hỗ trợ, tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, góp sức bảo vệ an ninh - quốc phòng…
Theo ông Quân, người vùng cao vốn có truyền thống cách mạng và lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần đoàn kết cao. Điều đó được chứng minh qua hai cuộc kháng chiến và sau này là công cuộc đổi mới, người vùng cao sẵn sàng hiến đất đai, hoa màu để triển khai các dự án phát triển.
“Người Cơ Tu nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tại mỗi địa phương, các già làng gắn vai trò nêu gương như một trách nhiệm trước cộng đồng, góp phần vận động con cháu chấp hành chủ trương, đường lối; sẵn sàng hiến đất đai, nhà cửa để triển khai các dự án dân sinh. Tiếng nói của các già làng đã giúp ngành chức năng thu hồi hàng nghìn khẩu súng tự chế, loại bỏ hủ tục trong cuộc sống” - ông Quân nói.
Tại chuyến thăm, động viên già làng vùng cao mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng ví vai trò của già làng như mái gươl trong cuộc sống cộng đồng. Không chỉ tạo ra bóng mát, mái gươl còn được xem như điểm tựa giúp bảo vệ cộng đồng an toàn trước nắng mưa, gió bão.
“Mỗi già làng là một tấm gương phản chiếu trong cuộc sống cộng đồng vùng cao. Nhờ có tiếng nói của các già làng mà chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền, chuyển tải rộng đến với đồng bào các dân tộc thiểu số. Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, các già làng đã nêu cao gương sáng, tích cực hỗ trợ địa phương trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo niềm tin cho cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh” - ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.