Dịu thơm bánh tét gói lá chít

KHƯƠNG QUỲNH 12/02/2023 07:39

Ở vùng Tây Nguyên quê tôi, mọi người gói bánh tét, bánh ú tro bằng lá chít thay vì lá chuối, mang lại vị thơm dịu dàng khó quên…

Ở Tây Nguyên, nhiều người gói bánh tét, bánh ú bằng lá chít.
Ở Tây Nguyên, nhiều người gói bánh tét, bánh ú bằng lá chít.

Một chiều đầu tháng Giêng, đi ngang qua ngôi làng nhỏ, chợt nghe mùi thơm dìu dịu, dễ chịu lan tỏa trong cái nắng gió hanh hao đặc trưng của Tây Nguyên. Trước sân nhà ai phơi đầy bông chít (hay còn gọi là bông đót hoặc gả) ngả vàng óng ả, chợt nhận ra đang mùa cây chít ngả mình.

Cây chít vốn ưa độ dốc nên thường mọc dại thành bụi ở triền đồi hoặc bìa rừng, đặc biệt được “trọng dụng” bắt đầu từ những ngày cuối tháng Giêng khi nhà nhà chuẩn bị cho tết. Người dân ở đây quen gói bánh tét, bánh ú tro bằng lá chít. Thân và bông chít thì để kết thành chổi quét nhà.

Hai mươi bảy Tết, cô Hải - người hàng xóm của chúng tôi gọi: “Đi lấy lá chít gói bánh không con?”. Tôi bỏ hết việc nhà mà xách gùi chạy theo cô vào bìa rừng. Lá mọc ở bìa rừng được che chở bởi những cây rừng to lớn nên thường to và mướt, dài dài, thuôn thuôn như lá tre nhưng kích thước lớn hơn, một mặt nham nhám và một mặt bóng nhẫy. Để dùng gói bánh, người ta phải luộc sơ chúng với nước sôi rồi chặt bớt đầu đuôi. Lá chít luộc lên dậy mùi thơm dễ chịu, khi rửa qua nước lạnh lại ngả màu xanh thẫm.

Nói không ngoa, việc gói bánh tét bằng lá chít là cả một nghệ thuật “học gói, học mở”. Trước tiên phải trải lạt tre xuống mâm rồi xếp lá theo chiều sấp thành hai lớp thật khéo léo, mép lá này vừa đúng chạm vào gân lá kia. Lá xếp xong, người ta phải thêm hai chiếc lá lót rồi mới đổ gạo, đậu, thịt…

Cuối cùng phải thêm một chiếc lá để ngửa, độ cong của lá hướng lên trên, có vậy, lúc gói lại bánh mới không bị cuốn lá vào phần gạo. Thao tác gói cần nhẹ nhàng và khéo léo để không làm đổ gạo hay rách lá. Lá ở hai đầu bánh được cắt cho bằng, xẻ làm bốn phần, xếp thành các góc vuông vức.

Mẹ dạy tôi gói bánh tét bằng lá chít từ khi tôi mới lên chín, lên mười. Những cái bánh tét đầu tiên trong tay tôi cái thì to đầu, cái thì to đuôi, cái to cả đầu cả đuôi, phần giữa thóp bụng trông thật vụng về. Riêng việc nhớ lá nào ngửa, lá nào úp thôi cũng thấy khó.

Gói bánh bằng lá chít tuy tỉ mỉ và lâu, nhưng bánh lại rất ráo nước, hạt nếp tròn mẩy bọc quanh lá được nhuộm một màu xanh mướt, ướp mùi thơm dìu dịu mát lành như mùi của núi rừng. Tôi biết ơn vì mẹ kiên nhẫn để tôi tập gói bánh hết năm này qua năm khác. Chắc mẹ sợ lớp trẻ về sau không biết làm bánh lá chít nữa.

 

Ở Tây Nguyên, thông thường, khi đốn thân chít xuống để lấy lá, người ta sẽ tước luôn phần bông về để kết chổi. Nhà nào ở quê tôi cũng có một hai cái chổi tự kết. Nhớ hồi còn nhỏ, tôi cũng theo đám trẻ con trong xóm đi vào rừng lấy bông chít về bán. Bông chít đạt yêu cầu thì phải già, có cuống dài. Người thu mua cứ đếm bông, 2-3 bông được một trăm đồng. Đứa nào siêng vào những ngày cuối năm có khi kiếm được mấy chục ngàn đồng mua quần áo mới. Bông nào xấu, bị chê thì mang về cho mẹ kết chổi.

Bông chít để kết chổi được phơi nắng thật già. Cái nắng bỏng rát, lại kèm cái gió se se làm cho bông chít nhanh ngả vàng, đượm mùi dịu ngọt. Khi bông chít khô, mẹ tôi lại luộc chúng với nước muối loãng giúp chổi về sau dùng bền. Chổi chít mẹ kết cùng dây mây, ở cán chổi chêm thêm đoạn tre già thẳng tắp.

Bây giờ, đi qua nhiều buôn làng, tôi vẫn thấy người dân duy trì việc thu hoạch bông chít về phơi bán. Tầm tháng Chạp đến hết tháng Giêng, các triền dốc, ngọn đồi, thân chít được đốn hạ, ngả mình dưới đất, chờ người tước phần bông đã đủ độ già. Nơi gốc chít sẽ lại mọc lên những thân chít mới tươi xanh. Cây chít cứ vậy mà khiêm tốn sống một vòng đời bền bỉ.

Chiều nay, tôi dừng chân trên đỉnh đèo B40 - nơi có những ngôi nhà lúp xúp đang phơi đầy bông chít óng ả. Một người phụ nữ Châu Mạ dang tay ôm bó chít to đã khô, ngân nga một câu hát bằng ngôn ngữ của mình. Trông chị thảnh thơi như đang ôm vào lòng những núi đồi thân thuộc.

KHƯƠNG QUỲNH