Những người họ Trương ở làng Phú Bông

LÊ THÍ 12/02/2023 07:38

Làng Phú Bông, nay là thôn Cẩm Phú xã Điện Phong, Điện Bàn là ngôi làng nổi tiếng của vùng đất “địa linh” Gò Nổi. Sự nổi tiếng của vùng đất này không chỉ vì đã từng là làng lụa hàng đầu Quảng Nam mà còn vì đó là quê hương của những người họ Trương.

Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú. Ảnh: T.L
Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú. Ảnh: T.L

Làng Phú Bông

Địa danh Phú Bông không tìm thấy trong các tư liệu tương đối cổ như “Đồng Khánh địa dư chí” (1887 - 1890) huống gì trong “Địa bạ Gia Long” (1812 - 1818) hay Phủ biên tạp lục (1776).

Địa danh này mới tìm thấy vào đầu thế kỷ 20 qua ngôi trường Duy tân nổi tiếng do tú tài Trương Ngọc Phiên thành lập. Lục tư liệu cũ ta chỉ tìm được địa danh này trong Tạp chí của Hội đô thành hiếu cổ (BAVH) vào thời Khải Định (1916 - 1925), là một trong 27 xã phường của tổng Đa Hòa.

Dựa vào chỉ dấu tổng Đa Hòa từ BAVH, tra vào “Đồng Khánh địa dư chí” ở tổng Đa Hòa Thượng thì không thấy những địa danh có liên quan.

Nhưng tìm ở tổng Phú Khương bên cạnh ta lại thấy có bốn địa danh liên quan đến chữ Phú là: các thôn Phú Khương, Phú Quý, Đông Phú và châu Ân Phú. (Trước đây khi đổi tên một địa danh người ta thường để lại một chữ có lẽ để sau này có cơ sở truy tìm, ví dụ: Kim Sa thành Cẩm Sa, Kim Toại thành Cẩm Toại, Ái Đái thành Ái Nghĩa, Mạc Xuyên thành Mỹ Xuyên…).

Không biết trong bốn địa danh trên, có địa danh nào là tiền thân của làng Phú Bông sau này hay không. Cũng vì không tìm thấy địa danh Phú Bông trong các tư liệu cổ nên không thể thông qua tự dạng để biết nghĩa thực của địa danh này.

Điều đặc biệt phía Duy Trinh, Duy Xuyên cũng có một làng mang tên Phú Bông. Theo một số người thì làng này vốn có tên là Phố Hoa. Năm 1842 dưới thời Thiệu Trị làng được đổi tên thành Phú Bông (do kỵ húy tên mẹ của vua Thiệu Trị là bà Hồ Thị Hoa). Có lẽ giữa làng Phú Bông của Duy Xuyên với làng Phú Bông của Gò Nổi có mối quan hệ với nhau.

Thời kỳ Việt Minh (1945 - 1954) Phú Bông thuộc xã Điện Phong. Thời Việt Nam Cộng hòa, Phú Bông thuộc xã Phú Phong, khu Phù Kỳ (xã Phú Phong gồm 4 thôn là Ngũ Thôn 1, Cẩm Lậu 1, Cẩm Lậu 2, Cẩm Lậu 3; Phú Bông thuộc Ngũ Thôn 1). Trong văn cúng ở làng Phú Bông cũ có đọc địa danh Ngũ Thôn, nhưng không biết ra đời từ thời điểm nào.

Sau 1975, Phú Bông trở lại xã Điện Phong cho đến ngày nay.

Trước đây Phú Bông nổi tiếng là làng lụa hàng đầu của Quảng Nam. Dưới thời các chúa Nguyễn, Điện Bàn là nơi có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa rất nổi tiếng ở xứ Đàng Trong.

Sách “Phủ biên tạp lục” viết: “Người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các loại the đoạn, lụa là hoa hòe chẳng kém gì hàng Quảng Đông”. Những ngôi làng dệt nổi tiếng ngày đó là Mã Châu, Thi Lai (Duy Xuyên - phủ Thăng), Bảo An, Phú Bông (Diên Khánh - phủ Điện).

Ở Phú Bông nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, dệt hàng, dệt tussor... rất phát triển. Cả làng là một trung tâm công kỹ nghệ sản xuất hàng tơ lụa bán đi khắp trong nước, qua đến Nam Vang, Thượng Hải. Ở Phú Bông nghề dệt đặc biệt gắn liền với buôn bán nên giàu lên rất nhanh. Ngày trước có câu ca: “Quảng Nam có lụa Phú Bông/ Có khoai Trà Đỏa, có sông Thu Bồn”.

Vào những năm đầu thế kỷ 20, làng Phú Bông là nơi ra đời của một ngôi trường Duy tân nổi tiếng. Nguyễn Văn Xuân trong “Phong trào Duy tân” cho biết: “Trường Phú Bông ở xã Phú Bông, do ông tú Trương Ngọc Phiên sáng lập. Trường có ba lớp. Trương Tuấn dạy Quốc ngữ, Nguyễn Tăng Côn dạy Pháp văn… Giáo sư Trương Tuấn người Minh Hương lên ở đó đã lâu.

Sau vụ xin sưu, năm 1908 ông Tuấn theo đường thượng sang Xiêm rồi chết ở đó. Còn Thông Cào (Nguyễn Tăng Côn) bị đày đi Lao Bảo bảy năm…” (trang 176, 177). Ngoài ra trường còn một giáo viên khác rất nổi tiếng là Phan Thành Tài dạy nhiều môn về khoa học.

Những người họ Trương ở làng Phú Bông

Trương Ngọc Phiên không rõ năm sinh, mất năm 1916, quê làng Phú Bông. Ông thi đỗ tú tài Hán học nên gọi là Tú Phiên. Hưởng ứng phong trào Duy tân, tú tài Trương Ngọc Phiên đã cắt tóc ngắn mặc Âu trang, tham gia hội thương hội nông và đặc biệt là thành lập trường học để “khai dân trí, chấn dân khí”. Trường Phú Bông là trường lớn chỉ sau hai trường Diên Phong do Phan Thúc Duyện thành lập ở Phong Thử (Điện Thọ) và Phú Lâm (Tiên Sơn) do Lê Cơ thành lập.

Sau cuộc cự sưu kháng thuế năm 1908, trường bị đóng cửa, tú tài Trương Ngọc Phiên bị kêu án: “Hồ Cảnh, Nguyễn Bính, Ngô Diệm, Phạm Hữu Đôn, Hoàng Hữu Huyến, Đỗ Tự, Đinh Ích, Trương Ngọc Phiên và Nguyễn Phùng hoặc có hội thương diễn thuyết, chẳng qua là muội thính a tùng không có tình gì nặng.

Vậy 9 tên này, xin nên phóng thích, nhưng chúng đều là người trong danh sắc, mà lại a tùng như thế chuốc lấy tiếng nhơ, xin nên đều cách khử phẩm hàm danh sắc, trước tịch chịu sưu thuế. Tỉnh ấy đã tư thương Quý Trú sứ phúc y, tư xét … (Châu bản ngày 3 tháng 8 năm Duy Tân thứ 2, tập XV, tờ 54 - 56).

Đến năm 1916, Trương Ngọc Phiên tham gia cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội. Việc bất thành, Phan Thành Tài - người đồng chí và là sui gia của Trương Ngọc Phiên bị xử chém, Trương Ngọc Phiên mặc dù được người dân che chở bằng cách dấu vào các kho củi (dùng để ươm tơ dệt lụa) nhưng vì không muốn người dân bị liên lụy nên ông đề nghị vợ mua thuốc độc để tự tử.

Vợ Trương Ngọc Phiên là bà Nguyễn Thị Quyên, thường được gọi là bà Tú Kinh (Tú là gọi theo học vị của chồng, còn Kinh là gọi theo tên người con gái đầu của ông bà) - một người phụ nữ “phi thường” dù chồng chết sớm, đã một mình nuôi dạy 7 người con thành danh, nổi bật nhất là 4 người con trai.

Người con trai đầu là Trương Xuân Mai, đậu cử nhân Hán học, làm Tổng đốc Nghệ An, sau ra Hà Nội học Trường Luật và Pháp chính (Ecole de Droit et d’Administration) rồi Trường Cao học Đông Dương (Ecole de Hautes Études Indochinois) sau đó giảng dạy tại Trường Quốc học Huế. Người con kế là bác sĩ Trương Đình Ngô, tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương, sau du học Pháp, đỗ bác sĩ. Sau 1954, ông là giáo sư tại Đại học Y khoa Hà Nội.

Kế nữa là Trương Gia Thọ, nổi tiếng là người thông minh và giàu lòng yêu nước. Lúc học ở Trường Bưởi, tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp cải cách chính trị, bãi bỏ chế độ cai trị hà khắc. Ông bị người Pháp đuổi học vĩnh viễn (không cho nhập học lại bất cứ trường nào trên cả nước).

Nhờ sự đấu tranh của người anh (Trương Đình Ngô), Trương Gia Thọ đã sang Pháp du học và tốt nghiệp bác sĩ. Ông Thọ từng làm Giám đốc Bệnh viện Tourane (Đà Nẵng). Sau 1954, làm Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trong nhiều năm. Người con thứ tư là Trương Xuân Nam, tốt nghiệp dược sĩ tại Đại học Paris, năm 1939; về nước mở hiệu thuốc ở Quy Nhơn. Sau năm 1954, là Tổng Thư ký Tổng hội Y dược Việt Nam.

Qua thế hệ thứ ba nhiều người họ Trương ở Phú Bông cũng rất thành đạt, tiêu biểu là Giáo sư Trương Xuân Đàn - Chủ nhiệm khoa Huyết học, Bệnh viện Trung ương 108 (cháu đích tôn của Trương Ngọc Phiên);  Tiến sĩ Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT (con trai ông Trương Gia Thọ).

LÊ THÍ