"Đường đi" của sách
Những vụ mùa văn chương, từ khi “gieo chữ” cho đến khi “gặt sách”, lắm lúc thật dài và nhọc nhằn. Và càng nhọc nhằn, càng hy vọng sẽ có những vụ mùa bội thu...
Mặc dù công việc cuối năm của một nhân viên văn phòng rất bận rộn nhưng Hải Điểu - hội viên Chi hội VH-NT các dân tộc thiểu số - miền núi vẫn cố gắng chọn, sửa, sắp xếp, hoàn chỉnh bản thảo tập thơ đầu tay của mình trước khi năm 2022 khép lại.
Trong những ngày đầu tiên của năm mới, tập thơ “Vuốt nếp gấp thời gian”, có độ dày trên 150 trang của chị đã được in, trở thành tập sách “mở hàng” của Hội VH-NT Quảng Nam trong năm 2023.
Cũng vậy, dịp tết Nguyên đán Quý Mão vừa rồi, thay cho những món quà quê quen thuộc, nhà thơ Đỗ Thị Kết - hội viên Chi hội Văn học, đã tặng bạn bè, người thân của mình một món quà xinh xắn và nhiều ý nghĩa, đó là tập thơ “Phải đâu là giấc chiêm bao” của chị xuất bản cuối năm 2022.
Những câu thơ nặng tình quê, thấm đẫm tình đời, tình người trong tập thơ này, khi được chuyển đến mọi người vào dịp tết cũng như được ngân lên trong đêm thơ Nguyên tiêu huyện Đại Lộc, càng trở nên ấm áp...
Dịp tết vừa rồi, thay vì cùng bạn bè, người thân du xuân đây đó, nhà thơ Nguyễn Hường - hội viên Chi hội Văn học, đã dành ra mấy ngày làm “ông đồ” cho chữ tại không gian hội xuân huyện Hiệp Đức quê anh. Không chỉ “cho chữ” theo yêu cầu của khách, nhà thơ Nguyễn Hường còn tặng thêm vài câu thơ của chính anh.
Ví như khi khách xin chữ “gia đình”, anh hào phóng tặng thêm hai câu thơ “Gia đình vạn sự bình yên/ Tài vô lộc đến phúc duyên tròn đầy”. Việc cho các “đại tự” đi kèm với “chính văn” là đôi câu lục bát hoặc câu đối như thế khiến cho món quà thêm đầy đặn và ý nghĩa hơn...
“Khi xuân về tết đến, đầu óc thường thư thái, tâm trạng cũng phấn chấn hơn, nên tôi chọn khoảng thời gian này để khởi đầu cho lao động văn chương của mình”.
Nhà văn Lê Trâm đã chia sẻ như vậy, như một cách để giải thích cho việc trong những ngày đầu xuân Quý Mão, anh đã dành không ít thời gian để đọc, sửa chữa, hoàn thiện bản thảo tập truyện ngắn “Đám rước nước đi ngang bến trần gian” của mình.
Tập sách lần này, gồm 19 truyện ngắn được anh chắt chiu sáng tác, dành dụm trong gần 5 năm qua, dù rất nóng lòng công bố, song anh buộc phải kìm lại, để “chăm sóc” thật kỹ lưỡng trước khi trình làng...
Một cây bút nổi tiếng khác của Quảng Nam là nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, cũng đã có động thái tỏ rõ sự cầu thị khi trong suốt quá trình viết tập tiểu thuyết mới của mình “Ba người đi ngược thời gian”, anh đã cho công bố nhiều trích đoạn trên trang facebook cá nhân.
Thông qua bước “thăm dò” này, nhiều “bạn đọc mạng” đã tham gia bình luận, góp ý và đã được tác giả tiếp thu, ghi nhận. Đến lúc này, bản thảo tập tiểu thuyết mới nhất này của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ đã được hoàn thiện, việc còn lại lúc này là chờ in và đưa sách đến tay bạn đọc.
Tương tự, nhà thơ Mộc Nhân Lê Đức Thịnh cũng cẩn trọng không kém với đứa con tinh thần đang phôi thai - tập tạp văn “Kiếp nào xưa xa”, khi dành thời gian đọc lại nhiều lần để có được cuốn sách ưng ý đến tay bạn đọc.