Vĩnh Điện phố cũ

THƯ QUÂN 12/02/2023 05:30

Đôi khi trong cuộc chuyện về phố, người ta dừng lại ngẫm nghĩ về địa danh mặc định như một chỉ dấu của vùng đất, cho dù trên văn bản hành chính, chỉ ở vai một phường. Với chúng tôi, Vĩnh Điện gần như là con phố lớn của một vùng đất đặc biệt...

Nhịp sống Vĩnh Điện. Ảnh: HUỲNH CHÂU
Nhịp sống Vĩnh Điện. Ảnh: HUỲNH CHÂU

Lần giở sử xưa

Vĩnh Điện vốn dĩ là thị trấn mà mọi chỉ dấu phát triển ban đầu đều bày biện trên đường thiên lý Bắc - Nam. Dân cư buôn bán sầm uất. Hình như chính vị thế đặc biệt của lịch sử, đã đưa con đất này đi theo trục phát triển riêng có.

Tôi vẫn đồ rằng nếu lịch sử không chọn Điện Bàn từ năm 1306 là đất “sính lễ” cưới Huyền Trân công chúa, thì hẳn nhiên, một vùng Điện Bàn mở đầu của “đất mở phương Nam” sẽ có số phận khác.

Câu chuyện lịch sử hàm chứa phần nào đó mang linh khí mà định mệnh đã lựa chọn. Chính nó khiến người từng gắn bó cứ bâng khuâng nhớ một cái gì đã mất, hay chính là không khí của một thời trên bến dưới thuyền của đất này.

Dòng sông Vĩnh Điện đi vào lịch sử là dòng sông đào từ thời Minh Mạng và cũng là dòng sông kết nối từ cảng thị đến xứ đầu nguồn, vẫn cứ mãi là điểm để người cuối phố ngóng người trên nguồn.

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn bao bận ngang qua dòng sông, mỗi lần vậy lại nhắn cho người gắn với xứ sở, rằng hình như chỉ có trên dòng sông đào này, những bụi tre đang um tùm xanh và soi bóng xuống mặt nước kia, mới thực là khóm tre quê nhà đẹp nhất. 

Cầu Vĩnh Điện. Ảnh : HUỲNH CHÂU
Cầu Vĩnh Điện. Ảnh : HUỲNH CHÂU

Lần giờ sử sách, “Đại Nam thực lục” ghi lại:  “Xứ ấy có con sông nhỏ, từ xã Cẩm Sa (dài hơn 1.640 trượng), đường nước nông hẹp, sai Cai bạ Lê Đại Cương đốc suất 3.000 dân trong hạt để đào cho rộng ra. Người làm việc được cấp hậu tiền gạo (mỗi người mỗi tháng cấp tiền 3 quan, gạo 1 phương). Đào hơn 2 tháng thì xong. Cho tên là sông Vĩnh Điện. Cầu sông ấy cũng gọi là cầu Vĩnh Điện.

Được mở rộng không lâu, chỉ một năm sau, năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mạng đi tuần Quảng Nam, thuyền ngự từ Đà Nẵng theo đường sông Vĩnh Điện đến Hành cung ở Điện Bàn, thấy sông lại bị bồi lấp hẹp, vua ra lệnh cho đào lại sông và nghiêm trị những người chỉ huy việc đào sông”...

Rất nhiều biến động của lịch sử khiến con sông này cứ đào rồi lại lấp bồi, để đến bây giờ, nó vẫn còn đó vai trò là tuyến giao thông đường thủy nội địa vận chuyển tài nguyên, sản vật từ rừng xuống phố...

Điểm hẹn của tao nhân

Riêng Vĩnh Điện, chỉ từ sau Cách mạng tháng 8/1945, khi các cơ quan hành chính dời từ Thanh Chiêm, Chợ Tổng về Vĩnh Điện thì nơi đây mới thật sự là chốn tập trung của dân cư cũng như các tao nhân mặc khách từ khắp nơi.

“Thị trấn Vĩnh Điện từ những năm 1960 đã là một tụ điểm văn nghệ rất đặc thù. Đó không chỉ là thủ phủ cũ của một Quảng Nam đất văn đất học, nó còn là chỗ dừng chân của nhiều trí thức trẻ tâm huyết với thời cuộc, văn chương hồi đó.

Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng Quảng Nam một thời như nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, các nhà thơ Hoàng Lộc, Phan Duy Nhân, Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượng, Phạm Ngọc Lư, Mang Viên Long, Vũ Hữu Định… nếu không phải là người địa phương thì cũng từng đến Vĩnh Điện để dạy học, sáng tác và dừng chân tâm tình cùng bằng hữu.

Phố Vĩnh Điện gắn với cầu Vĩnh Điện đã có từ nhiều thế kỷ. Ảnh: HUỲNH CHÂU
Phố Vĩnh Điện gắn với cầu Vĩnh Điện đã có từ nhiều thế kỷ. Ảnh: HUỲNH CHÂU

Tất cả họ đều coi nơi này như một nơi máu thịt. Suốt mấy chục cây số dọc con đường 100 từ Đại Lộc xuống Hội An, mà Vĩnh Điện là điểm dừng chân giữa đường cũng là nơi cư ngụ, sáng tác của hàng chục người cầm bút trẻ lúc chỉ mới mười tám, đôi mươi.

Bởi vậy, Vĩnh Điện là số rất ít trong những thị xã, thị trấn miền Nam trước năm 1975 có một sắc thái văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Sáng tác của họ thời đó toát lên những suy nghĩ đầy lo âu về thân phận của tuổi trẻ, tình tự quê hương rất đáng trân trọng...” - nhà báo Trương Điện Thắng từng viết. 

Những tao nhân rời đi. Nhưng chính họ đã góp phần khiến vùng đất này sống động, dù mặc định của khu đất này vẫn là phố buôn. Tinh thần ca hát, văn nghệ của dân thị trấn Vĩnh Điện vẫn là điều được rất nhiều người nơi khác ngưỡng mộ.

Hình như chính cái xứ đất này buộc người ta phải lãng mạn hơn, phải dày dặn thâm sâu và tinh tế hơn? Một giọng hát bất chợt vang lên trong con hẻm nhỏ dẫn xuống Nhà thờ ngự ngay lối vào của một khu chợ cũ, du dương và lắng dịu đủ khiến người ta thấy lòng ấm cúng.

Lòng mỏi chân rời, ta trở lại/ Phố quen, người lạ, hồn chơ vơ” - nhà thơ, nhạc sĩ của “Ru con tình cũ” Đynh Trầm Ca, bao bận dọc ngang xứ sở rồi cũng trở về phía quê nhà.

Dựng một quán nhỏ bao năm làm chốn hội ngộ, để một cuối chiều xuân, có người mộ điệu tìm về đoạn cánh đồng xanh nép trong lòng phố nhỏ, lòng hẫng hụt vì quán đã không còn. Khi người ta thao thức về một vùng âm nhạc da diết, bất chợt những tiểu tiết lao xao quanh đời nghệ sĩ cũng khiến mọi thứ trở nên dị thường.

Và rồi người ta cứ thích nhìn vào những cái bé mọn, cũ kỹ để tìm lại dấu xưa vết cũ. Nhưng mỗi cuộc phát triển là một hành trình thay đổi. Đường sá sẽ khác, những ngõ nhỏ, những con hẻm lồng trong hẻm rồi sẽ phải cơi nới. Nhưng linh hồn của vùng đất, vẫn ở đó. Bắt đầu từ việc giữ lại cái tên đã gắn với bao thời đoạn - Vĩnh Điện...

THƯ QUÂN