"Ốc đảo" tài hoa

QUỐC TUẤN 11/02/2023 08:53

Đến bây giờ, nhiều người vẫn quen miệng gọi vui Cẩm Kim (Hội An) là “ốc đảo”. Dù đã “một bước” đến phố thị, Cẩm Kim vẫn đặc quánh nét làng. Một nét làng gói ghém trong những con người bình dị nhưng rất đỗi tài hoa.

Sông nước Cẩm Kim. Ảnh: Q.T
Sông nước Cẩm Kim. Ảnh: Q.T

1. Sau mấy năm khắc khoải dịch bệnh, Cẩm Kim mới lại bày cuộc hội làng tháng Giêng. Người người già trẻ sà lại hội bài chòi, ẩm thực... Phía xa xa dưới tán cây cổ thụ, có sạp hàng nhỏ la liệt thúng, mủng cùng cụ ông cặm cụi ngồi đan lát.

Ông cụ là Nguyễn Đình Bản, 77 tuổi - “nghệ nhân” đan lát hiếm hoi còn lại của làng. Lớn lên cùng bờ tre, sông nước, mười mấy tuổi ông Bản đã mày mò tìm hiểu nghề đan thúng của cha ông.

“Hồi trước chủ yếu là đan thúng. Bây giờ già rồi, đan được ngày cỡ 2 cái mủng nhỏ thôi. Có khi khách mua tới tấp đan không kịp. Cũng ưng truyền lại cho sắp trẻ mà tụi hắn cứ nói khó không chịu học” - ông nói.

Suốt cả buổi hội, áng chừng ông Bản hấp háy niềm vui trong đáy mắt. Có lẽ đã lâu rồi ông mới thấy làng mình rộn rã một ngày vui. 

Dệt chiếu cũng là một nghề truyền thống ở Cẩm Kim. Ảnh: Q.T
Dệt chiếu cũng là một nghề truyền thống ở Cẩm Kim. Ảnh: Q.T

Nhẩm đến, có chừng 5 - 7 gian trình diễn nghề như thế. Hóa ra, Cẩm Kim không chỉ có nghề mộc. Một cán bộ làm công tác văn hóa địa phương buột miệng vui là “ở Cẩm Kim ra ngõ gặp… nghệ nhân”. Tất nhiên nghệ nhân được Nhà nước phong tặng thì không nhiều nhưng thợ giỏi ở nhiều lĩnh vực thì hiện diện khắp đầu trên, ngõ dưới của làng.

Lâu nay “trên mạng” khi quảng bá sản phẩm gì để tăng độ uy tín thì người bán hay có câu cửa miệng “nhà tôi 3 đời…”. Nhưng ở Cẩm Kim, sản phẩm, nghề nghiệp gia truyền 3 đời là điều bình thường, không có gì to tát.

Có lần chúng tôi trò chuyện với ông Đỗ Cường (quê làng Kim Bồng) khi ông đang cặm cụi chạm trổ di tích Văn chỉ Minh Hương (trong khu phố cổ Hội An). Ông Cường là truyền nhân đời thứ 5 của họ Đỗ vốn nức tiếng về đắp vẽ và chạm trổ. Khi hệ thống di tích phố cổ Hội An “hắt hơi sổ mũi” gì cần trùng tu về đắp vẽ thì không đâu nhanh chóng và uy tín bằng đội thợ xuất thân từ làng nhỏ bên kia sông Hoài.

“Anh em chúng tôi theo nghề rong ruổi khắp xứ Quảng mấy chục năm nay rồi. Ngoài công việc mưu sinh thì đó là niềm vui, say mê và trách nhiệm trong từng nét vẽ để góp phần bảo tồn các công trình lâu đời của quê hương” - ông Cường bộc bạch.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, ở Cẩm Kim có hoặc từng tồn tại ít nhất 8 nghề có bản sắc, có thể gọi mỹ miều là di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài nghề mộc Kim Bồng có thương hiệu lan tỏa lớn còn có các nghề làm chiếu, đan thúng, làm guốc, đắp vẽ, trồng dâu nuôi tằm, giã cào và đánh bắt thủy sản trên sông, hói.

2. Có là “ốc đảo”, nghề truyền thống ở Cẩm Kim cũng phải theo quy luật thịnh suy, có những nghề đã rơi vào quên lãng. Như nghề làm guốc mộc của gia đình ông Trương Đình Yên cũng đã tiếp nối được 3 đời nhưng đã mấy chục năm rồi đành treo chỏng chơ công cụ vì không ai mang kiểu guốc này nữa. Phía ngoài triền sông, nơi bãi Gò Mồ, bãi Bà Mau từ lâu rồi cũng đã trống huơ những biền dâu. Tiếng thoi đưa từ khung cửi chỉ còn lách cách trong ký ức của những bô lão…

Ở làng Kim Bồng có khá nhiều nghệ nhân, thợ giỏi. Ảnh: Q.T
Ở làng Kim Bồng có khá nhiều nghệ nhân, thợ giỏi. Ảnh: Q.T

Cũng phải, bởi đến cả nghề mộc - “linh hồn” của làng vốn lừng danh khắp chốn cũng đang mấy bận lay lắt. Thống kê chỉ ra từ xấp xỉ 100 lao động vào năm 2017 thì đến năm 2021, làng mộc chỉ còn 54 người theo nghề. Lời ra tiếng vào từ chính thợ làng than thở, doanh thu cả làng còn được mấy trăm triệu đồng, khách thì lèo tèo đếm trên đầu ngón tay thì làm sao toàn tâm gắn bó với nghề được. 

Giữa chộn rộn hội làng giỗ tổ đầu năm, hơn ba chục du khách đến từ một quốc đảo xa xôi ở Thái Bình Dương vẫn nổi bật trong đồng phục hướng đạo sinh. Đi kèm cùng họ là một hướng dẫn viên người Việt nhưng có vẻ hơi luống cuống so với phong thái thường nhật của một “tour guide”.

Phải chăng vì gốc gác Cẩm Kim tự bao đời đã là “ốc đảo” cô lập giữa bời bời sóng nước nên cư dân nơi đây được ưu đãi, thiên phú cho nhiều nghệ tinh để dễ bề xoay xở trong cuộc mưu sinh?

Tranh thủ giây lát khách đang trải nghiệm nghề làng, ông Lê Vạn Hân quay sang nói: “Cái này là đột xuất, đoàn không biết hôm nay có lễ hội giỗ tổ. Ban đầu chúng tôi chỉ định vòng vèo tham quan làng thôi nên sự vật, hoạt động nào mới mẻ thì tôi cũng phải hỏi nghệ nhân mới rõ được chứ mình cũng bị động. Đoàn khách họ đi 10 ngày mà ở lại Hội An hết 4 đêm. Họ phản hồi rất là thích, năm sau dự kiến sẽ quay lại lưu trú tại đây dài hơn để trải nghiệm”.

Thì ra là khách vãng lai. Chứng tỏ là thị trường không thiếu, chỉ có khai thác chưa tới. Thực ra, nếu sáng hôm đó không có hội làng, có lẽ đoàn khách đến từ trùng khơi này cũng chỉ biết đạp xe loanh quanh rong ruổi rồi sớm kết thúc hành trình với Cẩm Kim.

Bóng dáng những vị khách cuối cùng chầm chậm khuất sau lũy tre làng để trở về phố thị qua ngả cầu sắt. Họ không đạp theo hướng cầu mới vì phải băng thêm một đoạn nữa về phía Triêm Tây. Nghe có vẻ bất tiện nhưng dường như lại là duyên may của “ốc đảo” này.

Trong cuộc họp về quy hoạch Hội An tầm nhìn đến năm 2050, một doanh nhân gốc Hội An đã thổ lộ rằng, thành phố cần cẩn trọng trong việc xây thêm cầu vì xây đến đâu thì đô thị hóa “nối đuôi” theo đến đó.

Không biết vô tình hay hữu ý, cầu cống bề thế đã không xuyên vào bờ bến của làng Kim Bồng. Ở một góc nhìn khác, Cẩm Kim vẫn đang là “ốc đảo”, bởi đường về nhà của cư dân đã thênh thang hơn còn âm thanh xô bồ phố thị đã được rẽ theo một lối khác, những nơi vốn dĩ cần nó hơn là miền quê thanh bình.

3. Lân la trong ngày hội, tình cờ chúng tôi gặp lại ông Phan Xuân Nguyên - một chủ cơ sở sản xuất mộc tại địa phương đang cặm cụi trình diễn nghề điêu khắc mộc để phục vụ sự kiện.

Chừng đã vãn khách, ông Nguyên túc tắc kể: “Tình hình kinh doanh thì vẫn tàng tàng vậy thôi.  Có dịch cũng như trước dịch. Có khi từ đại dịch mà lại có động lực để mà thay đổi.

Xem chừng là có lối mở vì mấy tháng gần đây khách khứa đông hơn rõ rệt. Họ mua thì chưa bao nhiêu nhưng tạo cho làng cảm giác chộn rộn. Nghe đâu là thành phố cũng đang có phương án sắp xếp lại hoạt động của làng”. 

Nét chạm trổ tinh xảo, tài hoa của người thợ làng Kim Bồng cuốn hút du khách. Ảnh: Q.T
Nét chạm trổ tinh xảo, tài hoa của người thợ làng Kim Bồng cuốn hút du khách. Ảnh: Q.T

Vồn vã thu dọn sản phẩm tránh màn mưa xuân phủ đến bất chợt, bà Trần Thị Hứa (thôn Đông Hà) - một “thợ chiếu” cũng xởi lởi góp chuyện: “Mấy nay dân làm chiếu trong làng cũng chịu khó mày mò sáng tạo lắm.

Trước thì chỉ dệt chiếu thôi nay đã có thể dệt túi xách, miếng lót bình, thảm ngồi… Một chiếc chiếu dệt kỳ công chỉ 100 nghìn đồng thôi. Còn các sản phẩm khác làm khá đơn giản mà bắt mắt, hấp dẫn khách, tính ra giá trị thu được cao gấp nhiều lần”.  

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, thành phố đang tính phương án khôi phục hoạt động trung tâm làng mộc Kim Bồng cũng như nghề truyền thống ở Cẩm Kim căn cơ, bền vững hơn.

“Trong định hướng phát triển chung của Hội An thì Cẩm Kim vẫn được giữ lại là làng quê truyền thống. Từ năm 2018 đã có Nghị quyết chuyên đề phát triển Cẩm Kim thành làng quê sinh thái. Đúng là những nghề truyền thống tạo dựng nên thương hiệu cho Cẩm Kim đang đứng trước nguy cơ mai một.

Sắp tới sẽ duy trì, khôi phục mạng lưới nghề này. Ở đây sẽ đặt trọng tâm vào đào tạo nghề, cách tân mẫu mã, kiểu dáng phù hợp xu thế. Chỉ khi làm được như vậy thì nghề truyền thống mới tồn tại còn người dân thì có sinh kế tốt hơn để yên tâm bảo tồn làng quê sinh thái này” - ông Hùng chia sẻ.

Định danh về “Làng quê hạnh phúc” hay điểm khởi đầu trên tuyến du lịch ven sông “Hành trình trên miền di sản” hẳn là những câu chuyện còn xa xôi nằm trong… quy hoạch về Cẩm Kim ngày sau. Còn bây giờ khi nghĩ về nơi này, cứ gọi Cẩm Kim là “ốc đảo”. Một “ốc đảo” chứa đựng tình đất, hồn người bình dị nhưng rất đỗi tài hoa…

QUỐC TUẤN